| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

Hồ Cửa Đạt – Đập đá đổ cao nhất Đông Nam Á

Thứ Ba 20/09/2022 , 11:04 (GMT+7)

Hồ Cửa Đạt là hiện thân của bản lĩnh, trí tuệ của ngành thủy lợi Việt Nam; mạch nguồn quyết định sự thịnh – suy của 50% diện tích sản xuất nông nghiệp xứ Thanh.

Phải mất 20 năm kể từ cuộc đại di dân của gần một vạn người huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) nhường đất đai, nhà cửa để tạo mặt bằng thi công đập ngăn sông Chu và lòng hồ Cửa Đạt, chúng ta mới đánh giá hết được giá trị của “siêu công trình” này. Đó không chỉ là hiện thân của bản lĩnh, trí tuệ và niềm tự hào của ngành thủy lợi Việt Nam, mà còn là “trái tim”, là mạch nguồn quyết định sự thịnh – suy của 50% diện tích sản xuất nông nghiệp xứ Thanh, gắn với đời sống của hàng vạn người dân vùng hạ nguồn.

Với dung tích trữ nước thiết kế 1,45 tỷ m3 nước, hồ Cửa Đạt là hồ thủy lợi lớn thứ 2 cả nước (sau hồ Dầu Tiếng). Đây cũng là công trình đập đá đổ đầm nén bê tông bản mặt cao nhất khu vực Đông Nam Á (với chiều cao đỉnh đập 118,5m). Không những vậy, hồ còn có chức năng giữ nước, trở thành “chiếc cầu chì” cắt lũ hiệu quả trong mùa mưa bão, và đẩy lùi xâm nhập mặn cho cho vùng hạ du… Những câu chuyện trong quá trình đầu tư, xây dựng, khai thác, vận hành hồ chứa Cửa Đạt mà chúng tôi lượm lặt được khi tìm hiểu về công trình đồ sộ này cũng thật ly kỳ.

Empty

Hồ chứa nước Cửa Đạt nhìn từ trên cao. Ảnh: Việt Khánh.

Lựa chọn vị trí xây đập 

Tạo hóa ban tặng cho dòng sông Chu nguồn sinh thủy vô tận từ những cánh rừng già thâm u trải rộng từ phía Đông Lào sang phía tây tỉnh Thanh Hóa. Bởi vậy, ngay từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã khảo sát và đầu tư xây dựng công trình đập dâng Bái Thượng (thôn Bái Thượng, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cùng hệ thống kênh dẫn nước để khai mở đất hoang, phục vụ tưới tiêu cho hơn 50.000ha vùng nam sông Chu.

Tuy nhiên, do tác động việc tàn phá rừng đầu nguồn, mực nước sông Chu lên xuống thất thường, lòng sông ngày càng hạ thấp, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội không ổn định.

Xuất phát từ nhu cầu dùng nước, chống lũ và phát điện, các chuyên gia thủy lợi đã khảo sát, nghiên cứu để đầu tư xây dựng một “siêu công trình” đập ngăn nước ở thượng nguồn sông Chu, giải quyết cơ bản vấn đề hạn hán, thiếu nước vào mùa khô cho tỉnh Thanh Hóa.

Empty

Khu vực tràn xả lũ gồm hồ chứa nước Cửa Đạt nhìn về phía hạ du sông Chu. Ảnh: Việt Khánh.

Là người tham gia cùng đoàn khảo sát thực địa từ giai đoạn tiền khả thi dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, ông Lê Bá Huân – Trưởng phòng Quản lý thi công, phụ trách chi nhánh Cửa Đạt, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3 (Bộ NN-PTNT) vẫn còn nhớ như in những tháng ngày gian khó khi đặt chân lên vùng đất này.

“Hồi đó, từ thị trấn huyện lên xã Xuân Mỹ (là nơi xây dựng đập chính Cửa Đạt) phải đi bằng xe máy. Đường rất nhỏ và dốc, vắt rừng nhiều vô kể. Đời sống của bà con vô cùng khó khăn, họ sống chủ yếu bằng nghề săn bắt và khai thác rừng, hoạt động giao thương gần như không diễn ra. Chúng tôi phải mang theo mì tôm trong ba lô, lắm lúc không nhờ được người dân đun nước sôi, phải nhá mì tôm sống và uống nước suối lót dạ”, ông Huân kể.

Phương án đầu tiên (gọi là tuyến I), đơn vị khảo sát, tư vấn xây dựng là Công ty Tư vấn xây xựng Thủy lợi I – HEC1 lựa chọn xây đập ngăn sông Chu tại tuyến vị trí hòn đá Mài Mực (gắn tích truyện Nguyễn Trãi mài mực cho Lê Lợi) cách vị trí đập Cửa Đạt hiện tại khoảng 1km về phía hạ du sông Chu.

Về điều kiện tự nhiên, đây là địa thế lý tưởng để xây đập vì nền đập là đá, tầng phủ mỏng, có thể xây dựng đập bê tông trọng lực, việc bố trí công trình và biện pháp dẫn dòng thi công đều đơn giản. Hơn thế, khúc sông Chu ở vị trí này hẹp, bởi vậy chiều dài của đập chưa đến 400m.

Tuy nhiên, với tuyến I, diện tích chiếm đất của hồ Cửa Đạt rất lớn và số dân phải di dời tăng lên gấp 3 lần. Nếu lựa chọn tuyến này, toàn bộ sông Đặt sẽ nằm ở lòng hồ, cùng với đó 7 xã sẽ phải di dân. Bởi vậy, Chính phủ quyết định lựa chọn vị trí xây đập tại vị trí tuyến III (vị trí đập Cửa Đạt hiện nay), mặc dù điều kiện địa chất, địa hình khá phức tạp, kinh phí đầu tư cao hơn do chiều dài đỉnh đập ngăn dòng chính tăng gấp đôi so với tuyến I.

3 xã bị xóa tên, 2.000 hộ di dời để nhường đất cho lòng hồ

Trong quá trình thực hiện ký sự này, chúng tôi được gặp và trò chuyện cùng ông Vi Hoài Kham – nguyên Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân (thời kỳ 2000 – 2010) - nhân chứng sống trong suốt quá trình di dân, tái định cư và xây dựng công trình hồ chứa nước Cửa Đạt.

Ông bảo: “Đó là một cuộc di dân vô cùng vất vả”. Lúc đầu, khi hay tin có tất cả 7 xã phải di dân để nhường chỗ cho lòng hồ Cửa Đạt, không chỉ người dân cảm thấy hoang mang, mà ngay cả tâm lý của các đồng chí lãnh đạo huyện cũng bị dao động. Bởi, số lượng người dân và các tài sản, vật nuôi phải di chuyển quá lớn gây áp lực cho các địa phương tiếp nhận.  Bởi vậy, huyện đề nghị tỉnh xem xét, kiến nghị Trung ương nghiên cứu thay đổi quy mô, phạm vi của lòng hồ. Bởi nếu lựa chọn tuyến I, gần như mất huyện Thường Xuân.

Empty

Ông Vi Hoài Kham - nguyên Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, một trong những nhân chứng sống trong suốt quá trình di dân, tái định cư và xây dựng hồ chứa thủy lợi Cửa Đạt. Ảnh: Việt Khánh.

 “Rất mừng là Chính phủ đã sáng suốt lựa chọn vị trí xây đập như hiện nay. Như vậy, chỉ có 5 xã Vạn Xuân, Yên Nhân, Xuân Khao, Xuân Mỹ, Xuân Liên bị ảnh hưởng với khoảng 2.000 hộ dân, trong đó có 3 xã bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính và không còn người dân sinh sống là Xuân Mỹ, Xuân Khao, Xuân Liên”, ông Kham chia sẻ.

Cũng theo ông Kham, thời điểm năm 2000, Thường Xuân vẫn là huyện nghèo. Đất nông nghiệp quá ít, chỉ dựa vào làm nương thì không đủ sống, bà con buộc phải phá rừng, đồi trọc nhiều vô kể. Rừng không phải là tài nguyên vô tận. Bởi vậy, nếu chúng ta cứ cõng nhau ở đây thì mãi mãi không khá lên được. Bằng chứng là cuộc sống bao thế hệ đồng bào Thái Đen nơi đây vẫn không thoát khỏi cái nghèo.

Bởi vậy, Ban Vận động di dân, tái định cư thuyết phục với người dân trong vùng bị ảnh hưởng rằng: “Bà con hãy nhường mảnh đất của mình để những người ở lại có cuộc sống tốt đẹp hơn” đồng thời cam kết “nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ, nếu không sau 5 năm chúng tôi sẽ đón bà con trở về quê hương”.

“Đó là những lời nói thật chứ không phải để tuyên truyền. Và hầu hết các các hộ dân trong danh sách di dời đều cảm thấy hài lòng” - ông Kham nhấn mạnh và lý giải. Ngoài đập chứa nước Cửa Đạt, Nhà nước sẽ đầu tư mở rộng đường lớn rải nhựa asphalt từ thị trấn Thường Xuân lên Bát Mọt (giáp biên giới Việt – Lào), cùng với đó là hệ thống cầu bắc qua sông Chu như cầu Bái Thượng, cầu Cửa Đặt, cầu Thác Làng, cầu Vạn Xuân. Thứ hai là tạo ra môi trường cảnh quan du lịch. Hồ cũng có vai trò cắt lũ để người dân vùng hạ du không còn cảm thấy bất an mỗi mùa mưa bão đến.

Chính nhờ những con đường mới kết nối với cửa khẩu quốc tế, cuộc sống của người dân các xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Yên Nhân, Bát Mọt đã khấm khá hơn rất nhiều nhờ đẩy mạnh các hoạt động giao thương, phát triển sinh kế nhờ trồng rừng gỗ lớn và chuyển đổi sang cây ăn quả giá trị cao.

“Nhờ có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp và giao khoán bảo vệ rừng, giờ đây, người dân Thường Xuân chẳng ai nghĩ đến phá rừng nữa mà chỉ trồng thêm rừng”, ông Kham chia sẻ.

z3734276188494_33ab020479745e058d5d6015583b49c4

Bản Mạ - ngồi làng bình yên bên dòng sông Chu thuộc thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Việt Khánh.

Cuộc sống đổi thay của những người được lại dưới chân hồ Cửa Đạt đã quá rõ. Và sau 20 năm, những người phải rời quê hương để định cư ở 4 huyện Như Xuân, Như Xuân (Thanh Hóa) và Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), Ea Súp (Đăk Lăk) cơ bản đều đã ổn định cuộc sống.

Điển hình như trước đây, người dân thôn Xuân Liên không đi xe đạp lên được, phải gửi nhờ ở xã Xuân Khao thì nay những hộ di dân tái định cư ở xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân đã được ở cạnh đường Hồ Chí Minh, nhiều hộ đã xây dựng nhà 2-3 tầng.

Ông Vi Hoài Kham chia sẻ, tuy vẫn còn một số hộ dân gặp khó khăn ở nơi tái định cư, nhưng nhìn ở góc độ đại cục, chúng ta thấy cái được là rất lớn khi có mặt bằng để thi công xây dựng hồ chứa thủy lợi lớn thứ 2 cả nước, sau hồ Dầu Tiếng.

Hồ Cửa Đạt có lưu vực 5.938km2, dung tích 1,45 tỷ m3, kênh chính dài 16,276km. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đưa công trình thủy lợi hồ Cửa Đạt vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

(Còn nữa)

Xem thêm
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Cấp tỉnh không quá 14 Sở

Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 yêu cầu tổng số Sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 Sở, riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 Sở.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Khởi tố nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người chết ở Phạm Văn Đồng

Vụ cháy trên phố Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khiến 11 người tử vong. Cảnh sát điều tra CA TPHN đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nghi phạm 51 tuổi.