| Hotline: 0983.970.780

Người biết lùi, chứ không bao giờ chùn bước

Thứ Năm 31/01/2019 , 08:30 (GMT+7)

Sau Tết, ngày 1/3/2019, Tiến sỹ Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, phụ trách Thủy lợi, chính thức nghỉ hưu theo quy định. Ông là người ghi nhiều dấu ấn trong các công trình thủy lợi lớn của đất nước. Ở ông toát lên sự điềm tĩnh, thận trọng nhưng lại rất cương quyết bảo vệ cái đúng vì lợi ích chung.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đã dành cho Báo NNVN buổi trò chuyện chân tình về những kỷ niệm khó quên trong công tác điều hành, thi công những công trình thủy lợi lớn mà ông có nhiều gắn bó…

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng giới thiệu cho PV NNVN dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, Kiên Giang.

 

Nhà báo Trần Cao: Trong suốt gần hai nhiệm kỳ làm Thứ trưởng phụ trách mảng Thủy lợi, ông được tiếng bởi sự điềm tĩnh trong việc ra quyết sách lớn của ngành, xử trí nhiều tình huống khó khi thực thi xây dựng các công trình quan trọng.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Từ Viện Khoa học Thủy lợi, tôi được điều về Bộ NN-PTNT bắt đầu từ 1/1/2007, thì 10 ngày sau Bộ điều vào tham gia xây dựng công trình thủy lợi Cửa Đạt ở Thanh Hóa.

Cửa Đạt có một câu chuyện riêng, sẽ nói sau, tôi muốn dẫn lại ba công trình tôi xem là những bài học kinh nghiệm lớn trong thiết kế, thi công.

Đập thứ nhất, Thủy lợi Bản Mồng ở Quỳ Hợp - Nghệ An.

Dự án thiết kế lớn quá mức, phải di dân vùng lòng hồ lên tới 3.120 hộ. Tôi vào khảo sát, gặp chị PCT huyện Quỳ Châu, chị ấy nói dư luận không tốt ở chỗ di dân, hàng ngàn hộ như thế đưa đi đâu?

Sau khi nghiên cứu tính toán lại thấy nên giảm quy mô hồ Bản Mồng, nếu làm thêm một số hồ nhỏ phía thượng nguồn vẫn đảm bảo mục tiêu trữ nước. Sau khi hạ quy mô, qua rà soát thì chỉ còn 1.250 hộ cần di dời, giảm rất lớn.

Lại rà soát tiếp làm sao giữ lại được thị trấn Châu Bình phía huyện Quỳ Châu gồm 700 hộ. Kết quả đến giờ chỉ còn phải di dời 480 hộ. Ý nghĩa vô cùng, vì chỉ riêng chi phí để di dời hàng ngàn hộ như thế đã mất mấy ngàn tỷ.
 

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng trong một chuyến thị sát Thủy lợi Bản Mồng, Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh


Khi vào xem xét cụ thể công trình, tôi thấy để dung tích nước chết quá lớn. Tư vấn nói mục đích lấy nước cho kênh dẫn tưới cho 2.000ha trên một vùng khá cao. Tôi nói vô lý, chỉ trong một vài tháng thiếu nước của vùng đó mà để mất hàng chục triệu m3 nước chết lãng phí quá. Tại sao không dùng biện pháp bơm, lúc cao điểm thiếu nước thì bơm lên. Riêng việc hạ mực nước chết đã đem lại lợi ích khoảng vài ngàn tỷ và không phải làm hồ nhỏ ở thượng nguồn nữa.

Đập thứ hai là đập Ngàn Trươi Cẩm Trang ở Hà Tĩnh. Lúc thực hiện có 2 xu hướng. Phương án định hình từ thời Pháp, làm đập Cẩm Trang ở Đức Thọ, hoặc là giải pháp khác.

Chúng tôi thấy nếu làm đập Cẩm Trang phải di dời 1.000 hộ và mất 1.000ha đất lúa, hơn thế có thể gây lũ cho Đức Thọ và lân cận, nơi cư dân rất đông đúc.

Áp lực rất lớn từ tỉnh, kể cả lãnh đạo Chính phủ, rằng dừng là đến khi nào, giải pháp khác là giải pháp gì?

Muốn có giải pháp khác thì phải tìm kiếm, khảo sát rất tốn công, rồi đo đạc, tính toán hiệu quả kinh tế, phải mất cả năm trời.
 

Cầu bắc qua sông Hiếu dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng. Ảnh:baonghean.vn


Thủy lợi là công trình của hàng trăm năm, cho hôm nay và còn thế hệ mai sau. Vì lẽ đó có muộn một vài năm để có giải pháp tốt thì đâu hề hấn gì, thưa ông?.

Bởi sự sốt ruột, lãnh đạo địa phương nào cũng muốn công trình được xây dựng nhanh chóng, được lòng dư luận. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vào thăm, đòi tôi và Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự giải trình. Tôi nói anh Cự để tôi báo cáo, rằng công trình để đến 2010 mới khởi công là quá chậm, nhưng là do nguyên nhân khách quan. Và theo phương án mới chỉ còn phải di dời trên 100 hộ dân thay vì di dời 1.000 hộ; diện tích đất lúa chỉ bị mất 100ha thay vì mất 1.000ha, kinh phí cũng giảm được 800 tỷ. Phó Thủ tướng nghe, ông tươi tắn hẳn, bảo nếu thế con số tiết kiệm còn lớn hơn nhiều, phải cỡ ngàn tỷ. Rồi ông nói vui: Nhưng mà treo thưởng đấy, chưa khen, vì ngay từ đầu tại sao các anh lại đưa ra một phương án gây mất thời gian như thế.

Phương án mới như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Đó là làm kênh.

Đập dâng chính ở trên Vũ Quang, từ đấy dẫn nước xuống sông Ngàn Trươi rồi hòa với Ngàn Sâu.

Hàng chục km kênh lớn dẫn nước về đồng bằng. Một công trình rất đẹp.
 



Có một dự án thủy lợi nữa Thứ trưởng cũng để lại dấu ấn rất lớn, đó là Thủy lợi Tân Mỹ ở Ninh Thuận. Xin ông chia sẻ cùng bạn đọc công trình này?

Hạn hán ngày càng nặng tại Ninh Thuận. Thủ tướng chỉ định một tổng công ty xây dựng thuộc Bộ NN-PTNT gấp rút làm đập tưới cho khoảng 3.800ha thuộc 2 huyện hạn nhất là Bác Ái và Ninh Sơn. Đập dâng chọn ở phía hạ lưu sông Cái, nằm ở cao độ, nôm na gọi cốt 65, cao 65m so mực nước biển.

Tôi vào thực tế, thấy nếu làm kênh dẫn như thiết kế sẽ rất lãng phí nước. Vùng sát biển này, mở cống có khi chỉ tưới được một, hai phần thôi còn tám, chín phần trôi ra biển. Một vùng khô hạn để lãng phí nước như thế sẽ rất gay go.

Phương án đặt ra nên dùng hệ thống ống dẫn nước thay cho mương hở. Tuy nhiên muốn làm đường ống cần phải nâng đập dâng cao hơn.

Lại tạm dừng dự án, lại khảo sát, lại sức ép, lại căng thẳng. Cuối cùng cũng tìm được địa điểm mới làm đập, ở cốt 100, thay vì cốt 65 nói trên.

Hôm báo cáo đánh giá thì tư vấn hơi lúng túng, tôi nói để tôi báo cáo, trực tiếp Thứ trưởng đứng ra trình bày. Trình bày xong thì anh Tư Hòa, PCT Ninh Thuận tỏ ra xúc động, nói giờ tôi yên tâm về hưu rồi, đây là mơ ước suốt đời của tôi.

Về sau trong một lần ăn cơm, anh Sáu Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận bảo tôi, trong cuộc đời con người chỉ cần làm được một việc lớn thôi đã là thành công. Chính anh làm được việc lớn ấy ở Ninh Thuận, cho Ninh Thuận.
 

Công trình thủy lợi Tân Mỹ là hình mẫu cho một loạt công trình thủy lợi trên cả nước


Nếu như công trình làm theo phương án đầu, chỉ tưới được 3.800ha, khi đưa lên cao tưới được 7.000ha, gần gấp đôi. Và tôi nghĩ về sau có thể nâng năng lực tưới lên mười mấy ngàn ha, phải trên gấp ba lần ban đầu. Suất đầu tư giảm được 40%, 1ha như phương án đầu là 1 tỷ nay chỉ còn 600 triệu. Tính 7.000ha là tiết kiệm gần 3.000 tỷ. Nó còn có ý nghĩa lớn nữa là nước từ công trình dẫn đi được tất cả tỉnh Ninh Thuận, dẫn ra tận Cam Ranh – Khánh Hòa, một nơi có thể nói thiếu nước nhất Việt Nam. Thứ hai là nước rất sạch vì đi trong đường ống, vừa tiết kiệm nước lại chủ động. Hiệu ứng lan ra cả tỉnh, Ninh Thuận thành nơi có hệ thống tưới hiện đại nhất nước.

Sau đấy Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) họ vào. Chúng ta lúc đó chỉ mới có tiền làm hệ thống ống chính thôi. ADB họ đi họ hỗ trợ hệ thống đường ống nhỏ, chỗ nào cần tưới thì lắp ống. Họ còn mời hẳn một đoàn làm phim quốc tế về quay công trình này. Công trình thực sự làm thay đổi diện mạo nông nghiệp Ninh Thuận, nước được phân phối đến từng thửa ruộng, tưới phun tưới ngầm có hết.

Nước ngọt còn được dẫn ra tận bờ biển phục vụ du lịch, kéo theo ngành du lịch phát triển. Với bờ biển Ninh Thuận, đường đi rất phức tạp, không dẫn nước bằng kênh được. Chỉ có dẫn bằng đường ống bằng áp lực đẩy. Từ đây nước lại tiếp tục được dẫn sang tận Cam Ranh.

Sau mô hình Tân Mỹ thì một loạt công trình thủy lợi trên cả nước làm hệ thống ống dẫn.

 



Thật là một phương pháp mới áp dụng vô cùng hiệu quả, nhưng bao giờ cũng thế, cái mới không dễ dàng để số đông chấp nhận ngay.

Đây là công trình được chỉ định thầu, đến khi mình điều chỉnh thì vốn tăng lên, nên có ý kiến là mục tiêu điều chỉnh không phải để nó tốt mà vì động cơ khác. Sự việc còn sang cả Bộ Công an, chiều hướng phức tạp. Rất may bên họ (Cục An ninh Kinh tế) sau khi tìm hiểu đã rất chia sẻ, còn tổ chức cuộc họp, giải thích, động viên. Họ cho biết đã gặp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cả cá nhân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, đều đồng tình cao.

Cũng phải nói đây là việc nhạy cảm. Ngay đơn vị thi công trước đấy họ đã bỏ một số tiền kha khá cho đầu tư ban đầu rồi, nếu thay đổi dĩ nhiên họ có phần thiệt hại.
 

Ý kiến trái chiều về thủy lợi Tân Mỹ khiến có thời điểm Bộ CA phải vào cuộc


Đâu riêng đơn vị được chỉ định thi công mà ngay trong nội ngành Thủy lợi cũng nhiều ý kiến về việc thay đổi công trình Tân Mỹ. Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm điều này?

Hôm họp ở Bộ NN-PTNT bàn về phương án thay đổi có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu, các vị lão thành, ý kiến trái chiều quá tôi phải cho dừng cuộc họp lại vì có bàn nữa cũng chẳng đi đến đâu. Phải bình tâm lại mới ra được quyết định đúng. 

Tôi nghĩ mình từng có ít nhiều kinh nghiệm, va đập cũng kha khá, nên cứ phải quyết tâm. Đổi mới và quyết tâm mới có một thủy lợi Tân Mỹ hôm nay.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng

Sau đó tôi đề nghị những người trách nhiệm tiếp tục đi thực địa và trực tiếp Thứ trưởng phụ trách đi cùng.

Ban đầu chúng tôi định đưa công trình lên cốt 80-85 thôi, nhưng địa điểm khảo sát rất không ổn, không thể làm được. Lại thất vọng, chán nản. Có một cán bộ tư vấn khuyên tôi cứ tiếp tục khảo sát trên cao hơn. Sau đấy như đã biết, công trình được xây dựng trên cốt 100. Đó là anh Phú, giám đốc công ty thủy lợi 3 ở Nha Trang, rất thật thà. Sau tôi mới biết anh ấy cũng có ý định đầu tư làm thủy điện trên đó nhưng đã hy sinh lợi ích mình vì lợi ích chung. Đây không chỉ là cơ hội mà còn cơ duyên.

Hôm mở nước thủy lợi Tân Mỹ, có người bạn học, cán bộ thẩm định thủy lợi rất giỏi, lặng lẽ đến bên cạnh tôi, anh nói: Công trình này anh xứng đáng được nhận một cái huy chương rất cao.

Đấy vừa là sự thán phục nhưng cũng là lời bày tỏ chân thành, thực lòng của một người bạn. Hẳn khi ấy ông nhẹ nhõm lắm?

Anh ấy là dân kỹ thuật, cũng từng hoài nghi lắm. Chỉ đến lúc ấy mới thực sự tin. Con người ta mỗi lần vượt qua khó khăn, khi thành công, sự xúc động đến cũng là điều dễ hiểu, tôi cũng vậy thôi. Nhưng trên hết, từ Thủy lợi Bản Mồng, Ngàn Trươi Cẩm Trang, cho đến Tân Mỹ, sự thay đổi để làm lợi cỡ ngàn tỷ cho đến vài ba ngàn tỷ mỗi dự án, kể thật có ý nghĩa, nhất là khi nguồn lực đất nước có hạn.

Điều ông rút ra ở đây là gì?

Mình cần một tư duy tổng hợp, linh cảm linh hoạt trong sự chọn lựa. Chọn lựa nghĩa là đánh đổi, khi ta thực hiện phương án A thì đồng thời không thực hiện phương án B, C hay D… Những công trình có ý nghĩa kinh tế xã hội lớn càng hết sức cẩn trọng, biết lùi một bước để an toàn cho cả chặng đường dài.

Dự án Tân Mỹ, đập chính trên thượng nguồn là đập bê tông. Các đập phụ người ta lại đưa ra phương án làm đập đá đổ lõi giữa, nghĩa là lõi bằng đất còn xung quanh là các cục đá, mục đích để tiết kiệm. Các chuyên gia nói với tôi phương pháp này ổn hết anh ạ.

Nhưng tôi kiên quyết, phải làm đồng bộ theo đập chính, là đập bê tông. Loại đập này chúng ta rất có kinh nghiệm, để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bởi vì đập đá đổ lõi giữa mà làm ở Ninh Thuận lộ ra mấy điểm yếu: Thứ nhất đất ở Ninh Thuận yếu. Thứ hai mình không có kinh nghiệm. Thứ ba đến khi vận hành thế nào khó biết được.

Bốn cái đập phụ, nếu làm bằng bê tông tính tổng thể lại không đắt, ngược lại còn rẻ hơn đến cả trăm tỷ vì như đã nói chúng ta có kinh nghiệm lại làm đồng bộ nên tiết kiệm được rất nhiều thứ. Hệ thống đập làm đồng bộ hết bằng bê tông, rất an toàn.

Sau đấy thì chúng ta áp dụng luôn được mấy công trình nữa. Đặc biệt 35 công trình thủy lợi thực hiện giai đoạn 2016-2020 sẽ rất yên tâm về cách làm, chỉ cần cán bộ khoa học trong nước, không cần thuê nước ngoài.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng 

Nếu mình cứ cứng nhắc kiểu “đúng quy trình”, dưới trình lên trên phê duyệt, chẳng cần thay đổi gì thì về mặt cá nhân mình cũng chẳng sao, có khi còn được khen, không bị câu thúc về mặt thời gian, không bị sức ép tiến độ, thậm chí sức ép rất kinh khủng, nhưng trách nhiệm về mặt lãnh đạo, người chỉ huy, là không được. Vai trò cá nhân ở chỗ đó. Từng cá nhân trách nhiệm sẽ làm nên tập thể trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân.


 

Xin trở lại câu chuyện Thủy lợi Cửa Đạt, đây là công trình thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á, là niềm tự hào của ngành Thủy lợi Việt Nam, và Thứ trưởng là người có nhiều gắn bó với công trình này?

Mới rồi tôi vào dự lễ kỷ niệm hơn 9 năm công trình Cửa Đạt đưa vào vận hành khai thác. Công trình này để lại quá nhiều dấu ấn cùng kỷ niệm với rất nhiều con người trong ngành Thủy lợi, vui là chúng ta thành công nhưng trong lúc thi công, nỗi buồn cũng không phải ít.

Trở lại hôm gặp gỡ vừa rồi, mọi người ca ngợi hết lời. Hôm ấy tôi có phát biểu với nhiều tâm trạng, mà trước hết còn đó trách nhiệm mà nhiều năm qua, hằng năm vào mùa lũ tôi lại đích thân vào kiểm tra, chỉ đạo.

Nhớ trong quá trình làm công trình này, phải nói quyết tâm của chúng ta có thừa, nhưng phải nhìn nhận là còn thiếu kinh nghiệm, nên trong quá trình làm gặp một số sự cố. Có lúc hoang mang thật sự, sức ép dư luận lớn.

Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa mời Bộ NN-PTNT vào tìm giải pháp giúp tỉnh. Đầu tiên họ mời chúng tôi xem 1 bộ phim, nêu 3 sự cố ở đập Cửa Đạt. Nặng nề lắm.
 

Đập chính của thủy lợi Cửa Đạt là công trình đầu tiên của Việt Nam áp dụng công nghệ đập đá đổ đầm nện, chống thấm bằng bê tông bản mặt


Khi xây đập Cửa Đạt, người ta xây dựng một cái kênh ven đập để cho nước sông đi qua. Mùa mưa thì cho chảy tràn qua một phần mặt đập với tính toán chịu được lũ lớn xác suất 100 năm chỉ có 5 lần. Chẳng may năm 2007 đó lại xuất hiện lũ rất lớn, phải vài trăm năm mới xuất hiện 1 lần. Lũ tràn về gây sạt lở mặt đập ghê gớm. Hôm tôi đứng đấy nhìn lũ cuốn đất đá đổ rầm rầm. Một cái cầu dưới hạ lưu lũ cuốn gần bay.

Đập chính công trình thủy lợi Cửa Đạt có chiều cao trên 115m, dài khoảng 1km, chiều rộng mặt đập 10m, được thiết kế, thi công theo công nghệ đập đá đổ đầm nện, chống thấm bằng bê tông bản mặt. Đây là công nghệ mới được áp dụng ở nước ta, là công trình đầu tiên trong ngành thủy lợi áp dụng công nghệ này và là đập có quy mô lớn nhất trong số các đập đã được xây dựng ở Việt Nam.

Bên trong đập đổ đá, ngoài ốp bằng những tấm bê tông để chống nước không thấm vào thân đập. Trong quá trình làm thì nước ngấm vào đẩy những tấm bê tông phồng lên mà mình không lường hết được.

Bộ thành lập hội đồng gồm 28 nhà khoa học hàng đầu. Phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới xử lý dứt điểm các sự cố đập Cửa Đạt thời điểm đó.

Sự cố ở Cửa Đạt ngày ấy là bài học vô cùng sâu sắc cho các thế hệ cán bộ ngành Thủy lợi. Công trình càng lớn càng hết sức thận trọng, làm từ nhỏ hãy đến to, thà chậm nhưng phải tránh sai sót dù là nhỏ nhất.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, từ năm 2005 đến 2016 chúng ta triển khai 93 dự án thủy lợi lớn, kéo dài từ miền núi phía Bắc vào ĐBSCL và hết năm 2016, 85 dự án đã được hoàn thành, số còn lại đều sắp hoàn thành. Giai đoạn 2016 – 2020 tiếp tục làm mới 3 dự án lớn, bổ sung hoàn chỉnh. Cho đến nay hệ thống thủy lợi của Việt Nam cơ bản hoàn thiện phục vụ toàn bộ nền kinh tế.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.