| Hotline: 0983.970.780

Thời sự

Hồ Ngàn Trươi và kỳ tích Vũ Quang

Hồ Ngàn Trươi và kỳ tích Vũ Quang

Từ một huyện nghèo của cả nước, Vũ Quang (Hà Tĩnh) trở thành huyện miền núi, biên giới đầu tiên về đích nông thôn mới, một phần là nhờ có hồ Ngàn Trươi.

                                 

Ngan truoi-11

Một góc hồ thủy lợi Ngàn Trươi. Ảnh: Tùng Đinh.

Công trình mẫu mực, tiêu biểu nhất

Nép mình dưới chân dãy Trường Sơn, Vũ Quang từng nằm trong số 62 huyện nghèo nhất đất nước. Hơn 20 năm trước, huyện miền núi, biên giới này được thành lập trên cơ sở 12 xã xa xôi, nghèo khó nhất của 3 huyện Đức Thọ, Hương Sơn và Hương Khê để trở thành huyện nghèo nhất Hà Tĩnh. Nghèo một phần vì non trẻ, địa hình trắc trở, cơ sở vật chất hạ tầng không có gì nhưng phần lớn là vì thiên nhiên khắc nghiệt quá.

Ngan truoi-38

Hệ thống kênh nổi độc đáo của dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Phan Đức Cung, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang thời kỳ đầu từng chia sẻ: Nhân dân quanh năm làm lụng vất vả, chỉ một trận mưa là trôi hết. Cây cối, hoa màu, trâu bò, lợn gà, thậm chí là nhà cửa sau cơn lũ chẳng còn lại thứ gì. Mưa bão, lụt lội cứ như bóng ma ám ảnh miền rừng Vũ Quang năm này qua năm khác. Bà con dù chịu khó lam lũ đến mấy cũng không lại được với trời.

Bài liên quan

Miền thượng huyện khổ đã đành, mấy xã vùng hạ vốn sống dựa vào đồng ruộng như Đức Bồng, Đức Liên, Đức Hương, Đức Lĩnh, Đức Giang, Ân Phú cũng chẳng khá hơn. Đó đều là những xã nằm giữa rốn lũ khổng lồ.

Anh Lê Xuân Bính, một người dân ở xã Đức Bồng kể, cứ mỗi khi nhìn ngược lên ngàn thấy mưa lớn thì y như rằng mấy tiếng đồng hồ sau lũ đã kéo về. Năm nào cũng 3-4 cơn lũ. Nước về rất nhanh, dân chỉ lo chạy được người chứ tài sản mất hết. Ở đây nhà nào cũng vậy, đều phải có một khoang dưới mái để mùa mưa lũ kéo nhau lên trốn. Đói nghèo cứ đeo bám mãi rứa đó.

Có lẽ chính vì khổ như thế mà khi khởi công dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang năm 2009, hơn ai hết, dân Vũ Quang mừng nhất. Sự kỳ vọng vào một công trình có thể cắt lũ dòng Ngàn Trươi, có thể xua “bóng ma” ám ảnh tự bao đời. Kỳ vọng đó đã biến thành quyết tâm to lớn, nhất là đối với hơn 600 hộ dân của hai xã Hương Quang và Hương Điền, những người buộc phải rời bỏ quê hương để nhường đất cho công trình thủy lợi lớn nhất Hà Tĩnh.

Những đóng góp của nhân dân 2 xã này lớn lao đến nỗi không ít lần chúng tôi được nghe ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phụ trách dự án Ngàn Trươi tâm sự: Ngàn Trươi là công trình mẫu mực của sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, mẫu mực về sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và là công trình tiêu biểu nhất trong cả nước.

Nằm trọn trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Vũ Quang, Hương Quang và Hương Điền vốn là căn cứ địa của nghĩa quân Phan Đình Phùng thuở trước. Chốn rừng thiêng nước độc, địa thế hiểm trở này từng là nơi những người nông dân đã tự chế ra súng trường kiểu Tây để đánh Tây. Cũng là nơi chủ tướng họ Phan dùng kế “Sa nang úng thuỷ” vang danh sử sách để diệt hàng trăm quân Pháp.

Sau phong trào Cần Vương, khoảng hơn nửa thế kỷ trước Hương Quang và Hương Điền thành làng, thành xã khi có nhiều gia đình từ dưới miền xuôi lên bám vào rừng mà sống. Không điện, không đường. Cứ mỗi lần có việc ra trung tâm lại vượt thác ghềnh sông Ngàn Trươi để ngược xuôi. Nuôi được con gà con lợn, con trâu con bò gặp mưa lũ cuốn đi là chuyện bình thường.

Ông Lê Văn Thanh, người dân xã Hương Quang hiện đang sinh sống ở thị trấn Vũ Quang kể, vào mùa mưa lũ, nếu thấy nhà cửa, trâu bò, lợn gà trôi lềnh bềnh trên sông Ngàn Trươi thì đó chắc chắn là mất mát của người dân Hương Quang, Hương Điền.

Ngan truoi-9

Những khu dân cư yên bình bên đập dâng Vũ Quang. Ảnh: Tùng Đinh.

Thực hiện dự án ngàn Trươi – Cẩm Trang, hơn 600 hộ dân, 20 nhà thờ và nơi thờ tự, 3.000 ngôi mộ của 2 xã Hương Quang và Hương Điền phải di chuyển đến vùng đất mới để nhường lại quê hương cho vùng lòng hồ thủy lợi. Xã Hương Quang sáp nhập vào xã Hương Thọ thành Quang Thọ, xã Hương Điền sáp nhập vào Sơn Thọ thành xã Thọ Điền.

Sự hi sinh của nhân dân địa phương cùng với tâm sức, trí lực của những người thực hiện dự án đã biến Ngàn Trươi thành một cuộc cách mạng mới. Bất chấp địa chất, địa hình phức tạp, bất chấp thời tiết khó khăn, bất chấp dự án thực hiện trong giai đoạn Chính phủ cắt giảm đầu tư công, chi phí hạn hẹp, chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị thi công như Công ty Cổ phần nhân lực Việt Nam, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty  xây dựng 36 (Bộ quốc phòng), Liên danh Tập đoàn Sơn Hải và nhiều đơn vị khác đã biến Ngàn Trươi thành công trình toàn diện nhất.

Kể từ thời điểm hồ Ngàn Trươi bắt đầu tích nước từ tháng 2/2017, những năm sau đó phục vụ tưới mỗi năm khoảng từ 150 đến 250 triệu m3 nước. Năm 2019 thay thế hoàn toàn trạm bơm Linh Cảm. Đặc biệt là trận lũ tháng 9/2019, Ngàn Trươi tham gia cắt lũ khoảng 300 triệu m3 nên toàn bộ vùng hạ du huyện Vũ Quang, Hương Sơn và vùng thượng Đức Thọ. Theo kế hoạch, Ngàn Trươi với dung tích hơn 775 triệu m3 sẽ còn cắt lũ hộ công trình thủy điện Hố Hô, tưới hộ một phần diện tích của hồ Kẻ Gỗ…

Ngan truoi-39

Hệ thống kênh dẫn phục vụ tưới tiêu từ dự án Ngàn Trươi. Ảnh: Tùng Đinh. 

Ở bên công trình đập chính của hồ Ngàn Trươi bây giờ vẫn còn một ngôi miếu thờ, là để ghi nhớ công ơn những người quên mình vì hồ thủy lợi lớn thứ ba quốc gia. Cạnh đó là nhà điều hành của dự án. Anh Văn Thắng, Phó Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi 4 chỉ đạo anh em kỹ thuật bật mấy màn hình lên kết nối với điện thoại, toàn bộ các vị trí trọng điểm của hồ Ngàn Trươi trông rõ mồn một. “Trong rừng đang mưa lớn. Trạm đo ở Đồn biên phòng 567 lượng mưa nhảy lên 2,4mm rồi. Lượng nước về lòng hồ khoảng 5 triệu m3, mức hoàn toàn bình thường”, anh Thắng thông tin.

Tổng cộng có 6 trạm đo lượng mưa trong hệ thống hồ Ngàn Trươi. Trạm đồn biên phòng, Sơn Trà, Tân Dân, Chợ Bộng, Chợ Quánh và trạm đầu mối. Bất cứ diễn biến mưa lũ dù là nhỏ nhất đều được cập nhật từng phút, từng giờ và kết nối với mạng thông tin của Tổng cục Thủy lợi. Nhờ đó, toàn bộ hệ thống hồ Ngàn Trươi đều chịu sự điều tiết của con người.

Ngan truoi-3

Bất cứ diễn biến nào ở hồ Ngàn Trươi đều được số hóa để cập nhật. Ảnh: Tùng Đinh.

“Từ xả lũ, cắt lũ, tưới tiêu, cung cấp nguồn nước nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt và cải tạo môi trường sinh thái, phát triển du lịch… hồ Ngàn Trươi đã thực thể hiện vai trò công trình thủy lợi đa mục tiêu, toàn diện hàng đầu. Hôm vừa rồi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan vào thăm Vũ Quang, bà con phấn khởi nói cảm ơn Ngàn Trươi nhiều lắm”, anh Văn Thắng vui vẻ tiết lộ.

Kỳ tích Vũ Quang

Vũ Quang hôm nay đã là một vùng đất khác. Là huyện miền núi biên giới đầu tiên của cả nước về đích nông thôn mới, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba. Từ trong gian khó, nhọc nhằn miền quê cách mạng này từng bước đi lên và không ngừng chuyển mình, đột phá.

Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Khắc Bằng nói, hồ Ngàn trươi đã phát huy hiệu quả như mục tiêu của dự án đã đặt ra là điều tiết lũ và cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Trước đây Vũ Quang là rốn lũ, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của nhà nhà nước và nhân dân nhưng từ năm 2018 đến nay chưa bị ngập lụt lần nào. Bước đầu huyện đã cho nuôi thí điểm cá lồng bè trên lòng hồ, nhà máy thủy điện cũng đã hoàn thành, dự kiến cung cấp trung bình mỗi năm 73 triệu KWh với doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm. Tới đây huyện sẽ triển khai kế hoạch khai thác hiệu quả kinh tế nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ, phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái lịch sử…

lê minh hoan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình cây ăn quả ở Vũ Quang. Ảnh: NNVN.

Kể từ năm 2016 đến nay toàn huyện Vũ Quang đã xây dựng được 12 Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ và huy động từ nhiều nguồn vốn xây dựng được 413 nhà tránh lũ cho các hộ dân nhưng nhờ hồ Ngàn Trươi cắt lũ mà chẳng mấy khi dùng đến. Nỗi lo thiên tai được trút bỏ đã đành, đời sống kinh tế, xây dựng nông thôn cũng nhờ đó mà khấm khá. Không ngoa khi khẳng định hồ Ngàn Trươi đã góp phần rất lớn giúp Vũ Quang thành huyện nông thôn mới, góp phần hiện thực Nghị quyết của huyện xây dựng Vũ Quang theo hướng “nông nghiệp an toàn, nông dân sinh thái, nông thôn văn minh”.

Chẳng đâu xa, như xã Thọ Điền chẳng hạn. Đây chính là nơi người dân xã Hương Điền cũ sáp nhập vào, bây giờ là vùng cây ăn quả trù phú, đặc biệt là hơn 500 ha cam chất lượng cao, trên 165 mô hình kinh tế cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm…

Ngan truoi-8

Thành tựu của Vũ Quang hôm nay có phần đóng góp rất lớn của hồ thủy lợi Ngàn Trươi. Ảnh: Tùng Đinh.

Rồi Quang Thọ, Hương Minh, Đức Bồng, Đức Lĩnh… cũng vậy. Những vùng rốn lũ trước đây bây giờ đã trở thành những xã nông thôn mới. Dòng kênh dẫn nước từ hồ Ngàn Trươi chạy nổi mấy chục cây số xuyên qua những cánh đồng vừa thoát lũ vừa cung cấp nước tưới đã không chỉ giúp bà con tránh lũ mà còn yên tâm sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế. Dọc Tỉnh lộ 5 nối Vũ Quang với Đức Thọ hay dọc Đường mòn Hồ Chí Minh nối với Hương Sơn, Hương Khê hôm nay là những mô hình trang trại, vườn đồi. Quy củ và đẹp vô cùng. Nhà vườn được xây dựng bằng những hàng rào xanh, “ngăn cách mềm” với xóm giềng bằng đường hoa, cây xanh, cây bóng mát.

Lãnh đạo huyện Vũ Quang khẳng định, từ nhà vườn sinh thái sẽ thành cụm dân cư sinh thái, thành làng sinh thái để đưa Vũ Quang hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Và thành tựu ấy có đóng góp không nhỏ của công trình thủy lợi lớn nhất Hà Tĩnh – hồ Ngàn Trươi.

Hoàng Anh - Thanh Nga - Tùng Đinh
Xem thêm