| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

Công trình được xây bằng 'nước mắt'!

Thứ Tư 21/09/2022 , 08:48 (GMT+7)

Quá trình thi công đập Cửa Đạt gặp không ít sự cố, dẫn đến tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, sau này trở thành bài học sâu sắc cho cán bộ ngành thủy lợi.

Empty

Đập tràn xả lũ hồ Cửa Đạt nằm trong cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Cửa Đạt. Ảnh: Việt Khánh.

Công trình Đầu mối thủy lợi Cửa Đạt thuộc loại đặc biệt lớn, được thi công xây dựng trên địa chất phức tạp, lần đầu tiên áp dụng loại đập đá đổ đầm nện chống thấm bằng bê tông bản mặt ở Việt Nam. Cái mới bao giờ cũng đi kèm với rủi ro. Thế nên, quá trình thi công xây dựng hồ gặp không ít sự cố, dẫn đến tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nếu không có bản lĩnh của các chuyên gia tư vấn, có sự quyết đoán của Bộ NN-PTNT và sự dốc sức tổng lực của nhà thầu thì rất khó đảm bảo tiến độ hoàn thành.

Hai điểm khác biệt của hồ Cửa Đạt

Ông Lê Văn Ngọ, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng thuỷ lợi I - HEC1 (đơn vị được giao nhiệm vụ thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán công trình đầu mối thủy lợi Cửa Đạt) chia sẻ, công trình đầu mối hồ Cửa Đạt có hai điểm khác biệt với các công trình khác.

Thứ nhất, hồ phải cắt được con lũ nhỏ hơn hoặc bằng con lũ có tần suất 0,6 (tức là không vượt quá con lũ lịch sử năm 1962) để khống chế mực nước hạ lưu theo yêu cầu. Do đó, cần phải có quy trình điều tiết lũ phù hợp. Quy trình này đòi hỏi phải bố trí kết cấu tràn và cửa van sao cho việc điều kiển được dễ dàng, linh hoạt và an toàn.

Bài liên quan

Thứ hai, cách vị trí thi công đập chính hồ Cửa Đạt 18km về phía hạ du sông Chu có đập Bái Thượng, đây là một công trình đại thuỷ nông cấp nước cho hơn 50.000ha đất nông nghiệp và khu kinh tế ở hạ du. Do đó, việc xây dựng và vận hành hồ phải đảm bảo vừa không làm gián đoạn việc cấp nước, vừa không đe doạ an toàn của đập Bái Thượng.

Đây là công trình quan trọng của quốc gia với vốn đầu tư khổng lồ ở thời điểm ấy, bởi vậy dự án xây dựng hồ Cửa Đạt hội tụ những chuyên gia giỏi nhất của Viện Địa chất Môi trường, Viện Vật lý Địa cầu, Trường Đại học Thuỷ lợi, Viện Khoa học Thuỷ lợi… cùng với chuyên gia tư vấn thuộc Viện Quy hoạch, Nghiên cứu và Thiết kế thuộc Uỷ ban sông Hoàng Hà (Trung Quốc).

Empty

Công nhân vận hành điều tiết nước qua tràn xả lũ hồ chứa nước Cửa Đạt. Ảnh: Việt Khánh.

Công trình này cần có sự tư vấn của các chuyên gia Trung Quốc, bởi lần đầu tiên chúng ta áp dụng loại đập đá đổ bản mặt bê tông để sử dụng vật liệu tại chỗ (mỏ đá cách vị trí thi công khoảng 2km). Công nghệ này do Trung Quốc nghiên cứu và áp dụng thành công tại nhiều công trình. Mặc dù các chuyên gia Việt Nam đã nghiên cứu rất sâu về công nghệ này, nhưng do tính chất quan trọng của hồ Cửa Đạt - công trình quan trọng gắn với an ninh Quốc gia, nên không được phép xảy ra lỗi kỹ thuật.

Chính vì tính chất quan trọng đặc biệt của công trình này, bởi vậy những “lá cờ đầu” trong lĩnh vực xây dựng với tiềm lực mạnh mẽ đã cùng bắt tay thi công, gồm gồm Tổng Công ty Vinaconex, Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 và Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng nông nghiệp và thủy lợi.

Sự cố “kinh thiên động địa” và bài học đắt giá 

Ngày 2/2/2004, công trình hồ chứa nước Cửa Đạt được khởi công. Theo thạc sỹ Lê Văn Ngọ, đập đá đổ chống thấm bằng bản mặt bê tông có ưu điểm là sử dụng vật liệu tại chỗ. Do chống thấm bằng bản mặt bê tông nên hầu như không có dòng thấm đi qua. Kiểu đập này có mái dốc lớn, tiết kiệm được vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Ngày 5/10/2007, một sự cố “kinh thiên động địa” đã xảy ra. Đập chính hồ Cửa Đạt đã bị vỡ trong quá trình thi công, cuốn trôi 60 vạn m3 đá. “Khi ấy, lũ về lớn hơn tần suất thiết kế, đơn vị thi công chọn phương án cho nước tràn qua mặt đập đang xây dựng ở cao trình 50m. Áp lực nước rất mạnh dẫn đến đập bị vỡ”, ông Lê Bá Huân – Trưởng phòng Quản lý thi công, phụ trách chi nhánh Cửa Đạt (Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi 3 – Bộ NN-PTNT) nhớ lại trong sự bàng hoàng.

Empty

Trước khi TS Hoàng Văn Thắng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT rời nhiệm sở, chúng tôi được nghe ông kể về quá trình hình thành hồ Cửa Đạt. Ông bảo: “Công trình này để lại quá nhiều dấu ấn cùng kỷ niệm với rất nhiều con người trong ngành thủy lợi, vui là chúng ta thành công nhưng trong lúc thi công, nỗi buồn cũng không phải ít. Có lúc hoang mang thật sự, sức ép dư luận rất lớn”.

Khi xây đập Cửa Đạt, người ta xây một cái kênh ven đập để cho nước sông đi qua. Mùa mưa thì cho chảy tràn qua một phần mặt đập với tính toán chịu được lũ lớn xác suất 100 năm chỉ có 5 lần. Chẳng may năm 2007 lại xuất hiện trận lũ vài trăm năm mới xuất hiện một lần. “Hôm tôi đứng đấy nhìn lũ cuốn đất đá đổ rầm rầm. Một cái cầu dưới hạ lưu lũ cuốn gần bay”, TS Hoàng Văn Thắng kể.

Thống kê của UBND huyện Thọ Xuân cho biết, nước sông Chu dâng cao khiến hơn 2.300 nóc nhà với hơn 12.000 khẩu của 7 xã ven sông của huyện Thọ Xuân chìm trong biển nước, có nơi sâu hơn 8m. Hồi ấy, Bộ NN-PTNT thành lập hội đồng gồm 28 nhà khoa học hàng đầu để đánh giá và tìm giải pháp khắc phục.

Ông Lê Bá Huân cho biết, các nhà thầu thi công phải đắp đê quây thượng lưu, đê quây dọc, đê quây ngang để ngăn nước, sau đó dọn dẹp toàn bộ phần đá bị trôi, dọn sạch hố móng, tiếp tục xử lý các điểm xung yếu, nhất là hai bên mang và đập đảm bảo tuyệt đối sau này không xảy ra sự cố khi công trình hoàn thành. Để đảm bảo công trình đúng tiến độ, có thời điểm cán bộ, công nhân viên, người lao động trên công trường khoảng 10.000 người, chia thành 3 ca, 4 kíp đắp đập đêm ngày.

Sự cố ở Cửa Đạt ngày ấy là bài học vô cùng sâu sắc cho các thế hệ cán bộ ngành thủy lợi. Công trình càng lớn càng hết sức thận trọng, làm từ nhỏ hãy đến to, thà chậm nhưng phải tránh sai sót dù là nhỏ nhất.

Công trình thế kỷ, niềm tự hào của ngành thủy lợi

Vào 10h ngày 26/1/2009, tấm phai cuối cùng trước cửa tuy-nen đã được thả thành công, hồ Cửa Đạt chính thức bắt đầu tích nước phục vụ sản xuất, sẵn sàng đáp ứng các mục tiêu thiết kế đã đề ra. Sau 5 năm xây dựng, công trình đầu mối hồ chứa nước Cửa Đạt đã hoàn thành với một khối lượng lớn. Đào đắp hơn 38,7 triệu tấn đất đá, bê tông các loại; 321.000m3 thép các loại, 105.000 tấn khối lượng cơ khí thủy công… với tổng kinh phí xây dựng gần 7.000 tỷ đồng đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

1111

Khu vực lòng hồ chứa nước Cửa Đạt nhìn từ trên cao. Ảnh: Việt Khánh.

Bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của những kỹ sư, công nhân xây dựng trên công trường Cửa Đạt đã tạo ra một công trình đa nhiệm vụ, mang lại hiệu quả cao, tạo ra một tài sản khổng lồ vô giá, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hôm nay, ai theo điệu hò xứ Thanh ngược lên sông Chu, qua đền Cầm Bá Thước đến thăm hồ Cửa Đạt ngắm nhìn con đập vững chãi, sừng sững giữa núi rừng non nước mới cảm nhận hết được vẻ đẹp kỳ vĩ, hoành tráng, hiện đại và đồ sộ của công trình.

Ông Lê Bá Huân chia sẻ, mục tiêu của hồ chứa nước Cửa Đạt là khai thác tổng hợp nguồn nước trên dòng sông Chu phụ vụ cho các yêu cầu phát triển của vùng hạ lưu sông Mã, tỉnh Thanh Hoá. 5 nhiệm vụ của công trình gồm: giảm lũ với tần suất 0,6%, bảo đảm mực nước tại xã Xuân Khánh (huyện Thọ Xuân) không vượt quá 13,71m, tương đương lũ lịch sử năm 1962. Đồng thời, công trình còn có nhiệm vụ cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt với lưu lượng 7,715m3/s; tạo nguồn nước tưới ổn định cho hơn 86.800ha đất canh tác vùng Bắc sông Chu và Nam sông Mã kết hợp phát điện với công suất 97MW; bổ sung nước mùa kiệt cho hạ du để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái với lưu lượng xả khoảng 30m3/s.

Công trình đầu mối thủy lợi gồm ba cụm công trình: Cụm đầu mối đập chính, cụm đầu mối Dốc Cáy và cụm  đầu mối Hón Can. Cụm công trình đầu mối đập chính Cửa Đạt gồm có các hạng mục công trình chủ yếu: đập chính, tràn xả lũ, tuy-nen dẫn dòng, cầu qua sông và các hạng mục công trình thứ yếu khác. Cụm công trình đầu mối Dốc Cáy gồm có đập phụ, tuy nen lấy nước, kênh dẫn vào và ra. Cụm  đầu mối Hón Can có đập phụ và đường Hón Can - Cửa Đạt.

Khu hưởng lợi của Dự án nằm trên địa bàn các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn, Nông Cống, yên Định, Thiệu Hoá, Quảng Xương, xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thuỷ) và thành phố Thanh Hoá với diện tích tự nhiên khoảng 365.182ha. Đây là vùng chính trị, kinh tế tập trung lớn nhất tỉnh với các khu công nghiệp Nghi Sơn, Mục Sơn…, các vùng sản xuất lương thực lớn như vùng hệ thống tưới bắc sông Chu, hệ thống nam sông Mã.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất