Mục đích của cuộc họp báo là làm sáng tỏ việc PGS.TS Nguyễn Minh Tường, người chủ biên cuốn Lịch sử Việt Nam tập III (thế kỷ X đến năm 1593) đã bịa đặt ra nhân vật Trần Hoằng Nghị, tức Hoằng Nghị đại vương, là thân phụ Trần Thủ Độ, rồi đưa vào cuốn chính sử trên.
Đền thờ Hoằng Nghị đại vương ở Thái Bình |
Đến dự, có một số nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn, và rất nhiều nhà báo của các báo Trung ương và địa phương.
Tại cuộc họp báo, PGS Khoa học Quân sự Đào Trần Quang Cát, Thiếu tướng, nguyên Phó tổng Cục trưởng phụ trách Chính trị Tổng cục II Bộ Quốc phòng, chủ tịch Ban liên lạc họ Trần dòng Trần Nguyên Hãn, đã nêu bật những điều vô lý của PGS.TS Nguyễn Minh Tường khi đưa nhân vật Trần Hoằng Nghị, tức Hoằng Nghị Đại vương vào cuốn lịch sử nói trên.
"Những tài liệu mà ông Tường tham khảo, lấy đó làm căn cứ để đưa ra nhân vật đó, đều là những tài liệu thứ cấp, xuất hiện rất muộn (cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI), chỉ là kết quả của những chuyến đi điền dã của một vài nhà nghiên cứu, chưa được kiểm chứng. Vì vậy, chúng chưa đáng tin cậy. Đặc biệt, chính PGS.TS Nguyễn Minh Tường cũng đã phải thừa nhận trong bức thư ngỏ đề ngày 15/6/2018, rằng “việc chép thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị trong cuốn Lịch sử Việt Nam tập III chưa phải là kết luận cuối cùng”, PGS Trần Nguyên Cát nói.
“Tại sao lại dám đưa một nhân vật còn đang gây tranh cãi, chưa có kết luận cuối cùng, vào một cuốn sử chính thống? Làm như vậy là coi thường độc giả, là xúc phạm đến lịch sử”. PGS Trần Nguyên Cát cũng khẳng định, ở Việt Nam, chỉ duy nhất có 1 nhà thờ tổ họ Trần ở hương Tinh Cương cũ, nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ở đó có lăng mộ các vua Trần.
Thiếu tướng - PGS Đào Trần Quang Cát |
Nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng (hội viên Hội KHLS Việt Nam), nhà văn Hoàng Quốc Hải và một số nhà nghiên cứu khác đã đưa ra những căn cứ hết sức thuyết phục để khẳng định: Trần Hoằng Nghị, tức Hoằng Nghị Đại vương, là nhân vật không có thật.
Cũng tại buổi họp báo này, ông Đào Hồng, trưởng phòng quản lý di tích thuộc Bảo tàng tỉnh Thái Bình, đã công bố một tài liệu đặc biệt quan trọng. Đó là bản gốc, bản duy nhất, thống kê các di tích lịch sử trong tỉnh Thái Bình, do Sở Văn hóa tỉnh Thái Bình lập từ năm 1958 đến năm 1962, và từ năm 1977 đến năm 1978. Trong đó ghi rõ ở xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, chỉ có duy nhất 1 di tích được đưa vào bản thống kê. Đó là đình làng Xuân La. Như vậy, cái “miếu nhà ông”, với những hoành phi, câu đối ở làng Phương La (xã Thái Phương) mà PGS.TS Nguyễn Minh Tường cho rằng là đền thờ Trần Hoằng Nghị, tức Hoằng Ngị Đại vương, chỉ được tạo ra những năm gần đây, để phục vụ cho mục đích không trong sáng của một người nào đó.
Việc nhân vật Trần Hoằng Nghị không phải chỉ là của riêng họ Trần, mà là việc của quốc gia. Bởi Lịch sử Việt Nam là công trình viết về lịch sử của quốc gia, của đất nước. Trong cuốn Lịch sử Việt Nam tập III nói trên, PGS.TS Nguyễn Minh Tường không chỉ bịa đặt ra nhân vật Trần Hoằng Nghị, mà còn bịa đặt ra một số chi tiết khác, ví dụ: Dương Tam Kha là người đã chém chết Hoằng Tháo trong trận đánh ở sông Bạch Đằng do Ngô Vương Quyền chỉ huy...
PGS Trần Nguyên Cát đã kết luận buổi họp báo bằng lời khẳng định: "Trần Hoằng Nghị, tức Hoằng Nghị Đại vương, là nhân vật hư cấu, là sản phẩm của trí tưởng tượng của PGS.TS Nguyễn Minh Tường". Ông đề nghị Nhà nước cho thu hồi cuốn sách này để chỉnh sửa, loại bỏ những chi tiết sai sự thật.
Cụ Trần Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn – Hội đồng Trần tộc Việt Nam phản ánh: "Từ khi có tổ chức họ Trần Việt Nam ngày 7/5/1995 đến nay mà chúng tôi là những thành viên sáng lập cùng với dòng họ Trần ở các tỉnh, thành. Các hội viên có lòng tâm huyết đã đọc “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử Thông giám Cương mục”, “Việt sử kỷ yếu” và tất cả các chính sử của Việt Nam đều không có nói gì về nhân vật Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương. Sách “Từ điển Thái Bình” (2010), trong đó có hàng mấy chục trang nói về người họ Trần ở tỉnh Thái Bình, nhưng không có một chữ nào viết về Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương cả". |