Những năm gần đây, Ban liên lạc họ Trần Việt Nam liên tục có đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng của Nhà nước và tỉnh Thái Bình phản đối việc dựng đền thờ tổ họ Trần ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình và các nhà nghiên cứu của Viện Sử học, Hội KHLS Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm… bỗng nhiên cho rằng “Hoằng Nghị đại vương” là bố đẻ Thái sư Trần Thủ Độ.
Ngôi đền kiến trúc lạ mắt
Chúng tôi đã tìm về thôn Phương La, tên nôm là làng Mẹo, để được tận mắt chứng kiến công trình đền thờ tổ họ Trần Việt Nam. Khuôn viên rộng 5ha vốn là đất nông nghiệp được gia đình ông Trần Văn Sen - Giám đốc Cty bia Đại Việt mua lại của các gia đình trong thôn. Góc giáp chợ làng Mẹo và trục đường chính trong làng tọa lạc đền thờ kiến trúc rất lạ mắt.
Đền thờ Hoằng Nghị đại vương ở Thái Bình
Đền xây hai tầng, nửa đền nửa lăng, không phải kiến trúc cổ truyền thường thấy ở các ngôi đền Việt Nam. Bên trên có dòng chữ Quốc ngữ chạy dài nền đỏ, chữ vàng “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” và 3 chữ viết theo lối đại tự Hán Nôm “Đền nhà Ông”. Bên cửa vào, có gắn bằng công trình được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam bảo trợ. Bên trong, một dãy dài các chứng nhận Bằng bảo trợ Di tích Lịch sử văn hóa Đền lăng đức tổ Trần Hoằng Nghị đại vương của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam…
Bên dưới là hầm mộ mà theo lời ông Trần Văn Trọng, người trông nom ngôi đền này, đó là mộ của cụ Trần Hoằng Nghị - tức Hoằng Nghị đại vương. Ông Trọng cho biết, các nhà sử học Dương Trung Quốc (Hội KHLS Việt Nam), Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) cùng nhiều nhà khoa học khác đã thống nhất đó là bố đẻ Thái sư Trần Thủ Độ. Tầng 2, không gian thờ Hoằng Nghị đại vương và 4 bà vợ: Tô Thị Nàng, Hoàng Đức Mây, Quế Huê Nàng, Dong Huê Nàng. Chính giữa là bức tượng đồng dát vàng Hoằng Nghị đại vương cao 3,1 mét, nặng hơn 5 tấn. Còn lại, tượng đồng dát vàng 4 bà vợ Hoằng Nghị đại vương đều cao 1,1 mét.
Giải thích về tên gọi “Đền nhà Ông”, những người trông coi đền cho biết: Ở Việt Nam chỉ 2 nơi có tên gọi này, đó là đền Cửa Ông ở Quảng Ninh thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng và đền thờ Hoằng Nghị đại vương - thân sinh Thái sư Trần Thủ Độ.
Bố Trần Thủ Độ là ai?
Trần Thủ Độ mưu lược hơn người. Chính ông đã giành ngôi của nhà Lý về cho nhà Trần bằng cuộc hôn nhân và nhường ngôi giữa Lý Chiêu Hoàng với Trần Cảnh (Trần Thái Tông) mà không tốn một mũi tên. Vua Trần Thái Tông khi đó mới lên 8, còn nhỏ tuổi nên mọi việc đều do ông và vợ là Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung sắp đặt.
Sách “Hoằng Nghị đại vương” (NXB Thế giới)
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên quốc gia phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua”. Làm đến Tể tướng, dưới một người, trên muôn người, mà việc gì Trần Thủ Độ cũng để tâm xử lý. Năm 71 tuổi, Trần Thủ Độ qua đời. Vua Trần Thái Tông làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt quý mến và truy phong: Thượng phụ Thái sư Trung Vũ đại vương
Là nhân vật kiệt xuất của nhà Trần như vậy, tuy nhiên trong tất cả các bộ chính sử của Việt Nam từ “Việt sử lược” đời Trần, “Đại Việt sử ký toàn thư” đời Lê, “Việt sử thông giám Cương mục” đời Nguyễn đều không thấy chép về bố đẻ Trần Thủ Độ là ai. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” do sử gia Ngô Sỹ Liên viết chỉ nói: “Trần Thủ Độ khi nhỏ ở với bác là Trần Lý”.
Ai đẻ ra Trần Thủ Độ? Đây là một khoảng trống trong những khoảng trống của lịch sử chưa được làm sáng tỏ. Ngày 9/1/2007, tại Hà Nội, Hội KHLS Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La”. Ông Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội KHLS Việt Nam cho biết mục đích của hội thảo: Nhằm cố gắng làm sáng tỏ một góc khuất trong tiểu sử và hành trạng của Thái sư Trần Thủ Độ có liên quan đến nhân vật là thân sinh ra danh nhân lịch sử này.
“Trên cơ sở những nguồn tư liệu hiện có, nhiều nhà nghiên cứu đã đi tới kết luận: Thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là Đại vương Trần Hoằng Nghị, quê làng Mẹo, nay là thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình”, ông Dương Trung Quốc chia sẻ trong Lời nói đầu cuốn sách “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La” in lần đầu năm 2007, sau đó được tái bản nhiều lần, số lượng sách lên đến gần 10.000 cuốn.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu của Viện sử học (PGS.TS Nguyễn Minh Tường, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ…); Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (PGS.TS – Đại tá Lê Đình Sỹ); Viện Hán Nôm (PGS. Trần Lê Sáng, PGS.TS Nguyễn Tá Nhí, PGS.TS Đinh Khắc Thuân)… đều đồng thuận nhất trí: Trần Hoằng Nghị - Hoằng Nghị đại vương là thân sinh Trần Thủ Độ.
PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) đã công phu trình bày trong 22 trang sách, kết quả nghiên cứu từ điền dã thực tế địa phương (hỏi chuyện các cố lão), trích dẫn tư liệu trong tiểu thuyết, viện dẫn cả thần tích các làng bên cạnh… để đi tới kết luận Hoằng Nghị đại vương là bố đẻ Trần Thủ Độ.
Nhưng, kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu này đã vấp phải ý kiến phản đối của những nhà nghiên cứu khác và của chính con cháu dòng họ Trần Việt Nam. Lý do chính là trong các bộ chính sử, quốc sử cũng như gia phả dòng họ Trần ở nhiều chi phái, nhiều đời còn giữ được không hề có nhân vật nào tên gọi Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương, càng không thể vội vàng đưa ra một nhân vật không rõ nguồn gốc nào là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.