| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ người nghèo ở Cao Bằng khiến nhiều hộ đối diện với cái đói

Thứ Năm 08/11/2018 , 08:58 (GMT+7)

Lúa mất mùa do bệnh khô cổ bông, thóc lép, hàng chục hecta bị mất trắng. Nhiều hộ dân giờ không biết lấy gì để ăn vì cả nhà không có khoản thu nhập nào khác.

08-27-42_1
Nhiều hộ dân xóm nghèo Chí Đòi chuẩn bị đối mặt với nạn đói do mất mùa

Nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc xảy ra tình trạng mất mùa ở xã vùng cao Yên Lạc, huyện Nguyên Bình. Không phụ sự tin tưởng và để chia sẻ với những khó khăn của nhân dân, PV Báo NNVN đã lên đường, vượt qua hơn 300km gặp gỡ bà con đồng bào nơi đây. Tận mắt chứng kiến những cánh đồng lúa khô héo, trơ trọi ngoài đồng không được thu hoạch vì mất mùa mà cảm thấy xót xa cho hoàn cảnh người dân nghèo, nay lại chuẩn bị đối mặt với nạn đói.

Hình ảnh ghi lại cảnh mất mùa xảy ra tại cánh đồng Tàn Pà, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng)

Chỉ Đòi là xóm khó khăn nhất của xã Yên Lạc, nơi không có đường giao thông kiên cố, không có điện lưới Quốc gia. Cả xóm có 5,46ha đất trồng lúa, thì có tới 3,8ha mất trắng do mất mùa. Một số ít có thu hoạch, nhưng phần lớn cũng chỉ là thóc lép. Theo đại diện xóm Chí Đòi, xóm có 16/18 hộ được hỗ trợ giống lúa “Đại dương 1”, nhưng toàn bộ bị mất mùa do bệnh khô cổ bông, thóc lép, nhiều hộ bị mất trắng. Trừ 2 hộ không được hộ trợ, tự bỏ tiền mua giống khác thì vẫn được thu hoạch bình thường. Số hộ nghèo ở Chí Đòi có cuộc sống chủ yếu dựa vào làm ruộng. Một số hộ có thêm thu nhập ít ỏi từ trồng ngô nương và thu hoạch cây trúc. Vì vậy việc mất mùa đã vô tình đẩy các hộ dân vào cảnh thiếu lương thực, và cũng không có tiền để mua gạo ăn.

08-27-42_2
Mỗi bao thóc khi xay sát chỉ được 6 - 7kg gạo nát có màu thâm đen

Gia đình ông Triệu Chiều Phộng ở xóm Chí Đòi là trường hợp cụ thể. Hộ nhà ông Phộng được hỗ trợ giống lúa Đại dương 1 để dùng cho việc gieo trồng của toàn bộ số ruộng của gia đình có tổng diện tích 3500m2. Nhưng cuối vụ chỉ thu được 11 bao thóc lép. Khi mang đi xay sát thì mỗi bao cũng chỉ thu được khoảng 6 -7kg gạo nát, có màu thâm đen. Trong khi đó cả gia đình có 14 người, giờ không biết lấy gì để ăn vì cả nhà không có khoản thu nhập nào khác, ngoài diện tích ruộng trên và có một ít rẫy trồng ngô.

Còn tại xóm Tàn Pà, nơi bị thiệt hại nhiều nhất của xã Yên Lạc. Theo trưởng xóm Hoàng Chẩn Lẩy, xóm có 54/64 hộ nghèo được hỗ trợ giống lúa “Đại dương 1”. Tuy nhiên tất cả số hộ dân này đều rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở do mất mùa. Có đến 14 hộ bị mất trắng, số còn lại chỉ còn thu hoạch bằng 1/6 mọi năm, nhưng phần lớn là thóc lép. Bản thân gia đình ông Lẩy mọi năm thu hơn 30 bao thóc, thì vụ này chỉ thu được 5 bao thóc lép, thiệt hại lên đến 95%.

Nhiều diện tích lúa thuộc cánh đồng xóm Tàn Pà bị mất trắng, người dân cũng bỏ hoang không thu hoạch

Một lãnh đạo xã Yên Lạc thông tin với Báo NNVN là số diện tích bị mất mùa xảy ra trên địa bàn xã là giống lúa “Đại dương 1”. Đây là giống lúa được cấp thuộc chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người dân nghèo thuộc vùng khó khăn theo QĐ 102/2009 của Thủ tướng CP. Tổng diện tích bị mất trắng lên đến 11,6ha, chưa tính diện tích đã thu hoạch nhưng năng suất rất thấp. Vấn đề này đã được xã báo cáo lên huyện, những vẫn chưa có hướng giải quyết nào của các cơ quan chức năng được đưa ra.

Theo nguồn tin riêng của PV Báo NNVN, việc mất mùa không chỉ xảy ra ở Yên Lạc, mà còn ở một số địa phương khác từ giống lúa được hỗ trợ này. Có thể một chương trình nhằm hỗ trợ đời sống của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khó khăn; Hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hóa, thông qua hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao. Nhưng chương trình hỗ trợ người nghèo ở Cao Bằng lại khiến nhiều hộ nghèo trở thành hộ đói.

Lá bị khô cổ bông, lép hạt

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.