| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ thực chất cho mục tiêu xuất khẩu lâm sản, thủy sản 27,5 tỷ USD

Thứ Năm 13/04/2023 , 16:02 (GMT+7)

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp, đưa ra các phương án hỗ trợ thực chất, giúp xuất khẩu lâm sản, thủy sản có thể đạt con số 27,5 tỷ USD năm 2023.

Thủ tướng chỉ đạo trong Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Thủ tướng chỉ đạo trong Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ, lâm sản và thuỷ sản.

Từ cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 nền kinh tế nước ta nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn do tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi bên ngoài.

Quý I/2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%; số đơn hàng về sản phẩm gỗ giảm 50% về số lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.

VASEP đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng

Trước những khó khăn hiện nay, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị, đầu tiên là sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế đặc biệt như Hà Nội, Đà Nẵng (hiện tại không có) để thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm.

Ngoài ra, các bộ, ngành cần có hỗ trợ cho ngành gỗ nhiều hơn trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Tiếp theo, ông Lập nêu ra khó khăn về hoàn thuế giá trị gia tăng khi Bộ Tài chính đang coi ngành gỗ xuất khẩu là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế, do có một số doanh nghiệp gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng trong xuất khẩu.

Tuy nhiên, đại đa số các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nên đề nghị Thủ tướng, Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm; đồng thời, có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng nêu ra một số ưu tiên về chính sách thuế hay giãn nợ, lùi thời hạn nộp BHXH trong giai đoạn hiện nay.

Các khó khăn về tài chính, thuế và cơ chế là điểm chung mà các hiệp hội lâm sản, thủy sản cùng nêu ra. Ảnh: Tùng Đinh.

Các khó khăn về tài chính, thuế và cơ chế là điểm chung mà các hiệp hội lâm sản, thủy sản cùng nêu ra. Ảnh: Tùng Đinh.

Về phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội đề xuất xem xét phê duyệt một chương trình kích cầu để tạo động lực và duy trì việc thu mua nguyên liệu thủy - hải sản, tạo tâm lý chung tốt cho nông - ngư dân tiếp tục sản xuất nguyên liệu.

Cụ thể, Hiệp hội đề xuất cụ thể là gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp để doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu.

Về lâu dài, bà Sắc đề cập việc có chính sách để phát triển vùng nuôi, vùng làm con giống cũng như đưa nguyên liệu thủy, hải sản nước ngoài về phục vụ chế biến trong nước, vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội VASEP cũng nêu ra các vấn đề liên quan đến tín dụng, thuế nhập khẩu nguyên liệu, cải thiện hạ tầng phục vụ sản xuất hay khắc phục vấn đề “thẻ vàng” IUU.

Hỗ trợ thực chất

Ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD, còn ngành thủy sản đặt mục tiêu khoảng 10 tỷ USD. Theo Thủ tướng, đây là mục tiêu phấn đấu rất cao, đòi hỏi tất cả các chủ thể liên quan phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao để đạt được.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Cùng với đó, phát triển sản xuất lâm sản và thủy sản hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Thủ tướng khẳng định việc hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp cũng như nêu cao tinh thần tự lực, tự cường của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Thủ tướng khẳng định việc hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp cũng như nêu cao tinh thần tự lực, tự cường của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Thủ tướng lưu ý, trong quá trình phát triển, chúng ta không thể tránh khỏi có những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết. Đây là điều hiển nhiên và trong khó khăn, thách thức, chúng ta càng phải bình tĩnh, đánh giá chính xác, khách quan tình hình để có định hướng xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra; giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí, quyết tâm, nỗ lực để xử lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc.

Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải có sự hỗ trợ, chia sẻ rủi ro trong những thời điểm khó khăn hiện nay. Trong đó, Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, hỗ trợ, chia sẻ một cách thực chất về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của từng doanh nghiệp và vai trò của các hiệp hội; càng trong khó khăn, lại càng phải đoàn kết, chung sức tháo gỡ để cùng phát triển.

Khi ngồi lại với nhau, không gì là không thể

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nói, có chuyên gia ví von rằng: “Doanh nghiệp phản ứng với tín hiệu thị trường, như con tôm, con cá phản ứng với nước mặn, nước ngọt”.

Vì vậy, đại diện hiệp hội, đại diện doanh nghiệp đã trực tiếp trình bày báo cáo, phân tích, đánh giá các khó khăn, vướng mắc và đưa ra đề xuất, kiến nghị, giúp Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành có thêm góc nhìn tổng thể, đa chiều, để kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Tình trạng suy thoái, đình trệ vẫn đang tác động sâu rộng toàn cầu, với nhiều diễn biến khó đoán định. Sau hội nghị hôm nay, cũng khó lòng tháo gỡ ngay lập tức và toàn diện những vấn đề đang tồn tại mà hai ngành hàng đang đối mặt.

Nhưng quan trọng hơn cả, hội nghị thể hiện tinh thần lắng nghe, chia sẻ, đồng hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; cùng với đó, là động lực vượt khó, tinh thần trách nhiệm, quyết không bỏ cuộc của cộng đồng doanh nghiệp lâm sản, thủy sản.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên lề Lễ Công bố năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2023, đã ghi nhận một ý kiến rất đáng suy ngẫm: “Lãnh đạo tỉnh cần giữ mối liên lạc thường xuyên với doanh nghiệp, người dân để tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Chính sách, pháp luật của nhà nước, bộ máy thi hành chính sách ấy cũng là của nhà nước, nếu có khó khăn, vướng mắc là do chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện hoặc con người thực thi chưa tốt.

Vì vậy, nếu có điều gì cần tháo gỡ là tháo gỡ khó khăn cho địa phương, chứ doanh nghiệp, người dân đến đầu tư sản xuất, kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, sao mình lại bảo là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?”.

Hay nói cách khác, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng đồng thời chính là tháo gỡ cho địa phương, cho nền kinh tế đất nước, như Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo: “Nâng cao năng lực phản ứng chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển”.

"Đây cũng chính là lúc cộng đồng doanh nghiệp cần thể hiện tâm thế đồng hành với Chính phủ để vượt qua thách thức, cùng kiến tạo không gian phát triển cho đất nước, vì đất nước, bằng tất cả trách nhiệm và bổn phận", Bộ trưởng nói.

Với cách thức tiếp cận này, Bộ trưởng hy vọng hội nghị diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và cầu thị. Cùng tháo gỡ khó khăn chung, cùng vượt qua thách thức. Tất cả vì công việc chung. Tất cả vì sự phát triển chung. “Khi ngồi lại với nhau, không gì là không thể”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh thêm.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.