| Hotline: 0983.970.780

Hòa Bình: Nhiều thay đổi ở miền quê

Thứ Ba 17/12/2024 , 06:30 (GMT+7)

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình thu được nhiều kết quả khả quan, diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày.

Nhiều kết quả ấn tượng

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một hành trình dài với nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì thế, những năm qua tỉnh Hòa Bình đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được sức người, sức của từ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Vì thế nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang từ điện, đường, trường, trạm đến những ngôi nhà mới của người dân mọc lên làm thay đổi bộ mặt làng quê.

Không chỉ có các công trình xây dựng được đầu tư khang trang mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng lên. Kết quả đó là nhờ vào việc việc cả chính quyền và người dân biết cách tổ chức sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp... 

Đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh Hòa Bình có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Trung Quân.

Đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh Hòa Bình có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Trung Quân.

Đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh Hòa Bình có 80/129 xã đạt chuẩn NTM (86% kế hoạch Trung ương giao giai đoạn 2021-2025 và đạt 69% kế hoạch tỉnh đề ra). Bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 30 xã NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 75 khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018. Huyện Lương Sơn đạt chuẩn NTM năm 2019. Huyện Lạc Thủy đạt chuẩn NTM năm 2020.

Với cách làm khoa học, toàn diện, đồng bộ, kết cấu hạ tầng các địa phương trên địa bàn tỉnh từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Môi trường sinh thái được bảo vệ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Trong phát triển du lịch nông thôn, toàn tỉnh có 5 sản phẩm dịch vụ du lịch và bán hàng đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên thuộc nhóm cao nhất cả nước. Xây dựng thí điểm 1 mô hình du lịch cộng đồng xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc) giai đoạn 2021-2025 đạt kết quả khả quan.

Đặc biệt, chương trình chuyển đổi số, xây dựng NTM thông minh được tập trung đẩy mạnh nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp; làm nền móng kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp thông minh. Các dịch vụ công, sổ khám chữa bệnh điện tử, phần mềm cơ sở dữ liệu, internet cộng đồng miễn phí, camera an ninh… cũng được triển khai đồng bộ, tạo thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Miền quê đáng sống

Xã Yên Trị, huyện Yên Thủy là xã đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (năm 2021). Có tận mắt chứng kiến sự thay da, đổi thịt của mảnh đất và con người nơi đây mới cảm nhận được hết giá trị của Chương trình xây dựng NTM.

Ông Bùi Phi Diệp, Chủ tịch UBND xã Yên Trị hào hứng chia sẻ, địa phương vốn là xã khó khăn, nằm giáp vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương, với tổng diện tích gần 18 km2, dân số hơn 7.800 người (chủ yếu là người Mường), được cơ cấu thành 13 thôn, xóm.

Hành trình xây dựng NTM trên địa bàn xã là một hành trình đầy khó khăn, thách thức. Ban đầu, hầu hết người dân không hiểu xây dựng NTM như thế nào? Họ được hưởng lợi ích gì khi làm việc này? Thậm chí, một bộ phận còn phản đối gay gắt vì cho rằng đây là một việc làm viển vông.

Hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn tỉnh đã được cứng hóa bê tông. Ảnh: Trung Quân.

Hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn tỉnh đã được cứng hóa bê tông. Ảnh: Trung Quân.

Trước thực tế đó, phát huy tinh thần “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã đưa nội dung tập huấn NTM vào các Nghị quyết, buổi sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ để mọi cán bộ, đảng viên nắm rõ, hiểu đúng những nội dung liên quan.

Trong đó, thấm nhuần chủ trương lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng NTM, trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”. Sau đó, lực lượng đảng viên của các chi bộ tới từng cụm dân cư để thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp mọi băn khoăn, vướng mắc cho người dân.

“Từ chỗ người dân chạy ăn từng bữa, đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 65 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,18%. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế hơn 97%; lao động qua đào tạo đạt hơn 76%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh 100%...”, ông Diệp cho hay.

Khi khó khăn về nhận thức, tư tưởng được tháo gỡ, cũng là lúc phong trào xây dựng NTM phát triển mạnh mẽ. Phần kinh phí hỗ trợ theo quy định có hạn, nhân dân không ngần ngại đóng góp kinh phí, ngày công lao động, đồng loạt hiến đất mở rộng và cứng hóa tất cả các trục đường liên thôn, liên xã. Những con đường vốn bừa bộn, ngổn ngang rác thải sinh hoạt, vật nuôi, bùn đất được thay thế bằng những con đường bê tông nhẵn nhụi, hai bên đường trăm hoa đua nhau khoe sắc. Hoạt động giao thương, buôn bán, dịch vụ cũng theo đó trở nên sôi động.

Toàn bộ nhà văn hóa, di tích lịch sử ở các thôn được xây dựng, mở rộng, cải tạo lại khuôn viên, lắp đặt máy chiếu, internet miễn phí làm nơi hội họp, học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, sinh hoạt văn hóa, thể thao. 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được dồn điền, đổi thửa; tạo thuận lợi cơ cấu lại bờ vùng, bờ thửa, hệ thống mương máng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, quy hoạch vùng trồng chuyên canh cho các loại cây trồng.

Đặc biệt, để xóa bỏ tâm lý cá thể, sản xuất manh mún, UBND xã đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác, HTX, chuỗi liên kết sản xuất nhằm gia tăng giá trị và thu nhập cho người dân. Từ chỗ “mệnh ai nấy làm”, toàn xã đã hình thành 8 HTX hoạt động hiệu quả.

Các HTX đã đóng góp quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho người dân. Nhiều mô hình liên kết nuôi ong, trồng cây dược liệu cung cấp nguyên liệu cho xưởng chế biến, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, liên kết với doanh nghiệp trồng lạc làm nguyên liệu ép dầu xuất khẩu… phát triển mạnh mẽ; tạo công ăn việc làm tại chỗ, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ tình trạng ly hương.

Không có điểm kết thúc

Cũng theo ông Diệp, xây dựng NTM đã khó nhưng giữ được còn khó hơn. Trong đó, các tiêu chí như không có công dân cư trú phạm tội bị khởi tố, không xảy ra trọng án, tội phạm rất nghiêm trọng trở lên, không phát sinh mới người mắc tệ nạn xã hội ở khu dân cư… rất khó giữ vững.

Các HTX, chuối liên kết sản xuất được hình thành và hoạt động hiệu quả đã góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ, gia tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Trung Quân.

Các HTX, chuối liên kết sản xuất được hình thành và hoạt động hiệu quả đã góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ, gia tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân được khám chữa bệnh từ xa khó nâng cao do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đội ngũ bác sỹ đa khoa tuyến xã còn hạn chế. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng là vấn đề phải miệt mài hoàn thiện. Mặc dù đa phần người dân có điện thoại thông minh nhưng để sử dụng thuần thục và khai thác được hết các tính năng phục vụ đời sống, phát triển kinh tế thì lại khiêm tốn.

Chính vì vậy, nên xây dựng các tiêu chí phù hợp với từng khu vực (nông thôn, thành phố) hoặc từng tỉnh xây dựng tiêu chí trên cơ sở đặc thù địa phương và phù hợp với tiêu chí chung của cả nước.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.