| Hotline: 0983.970.780

Họa sĩ Bùi Trang Chước - người thầy khai tâm của tôi

Thứ Sáu 27/05/2016 , 08:15 (GMT+7)

Họa sĩ Lê Lam là người nổi danh trong giới mỹ thuật. Người họa sĩ thành danh ấy không bao giờ quên được hai người thầy, hai người ân nhân của đời ông. Đó là họa sĩ Bùi Trang Chước và họa sĩ Tô Ngọc Vân...

16-01-08_bui-trng-chuoc
Sách Họa sĩ Bùi Trang Chước – NXB Quân đội Nhân dân 2016 (sắp xuất bản)

Họa sĩ Lê Lam là người nổi danh trong giới mỹ thuật. Người họa sĩ thành danh ấy không bao giờ quên được hai người thầy, hai người ân nhân của đời ông. Đó là họa sĩ Bùi Trang Chước và họa sĩ Tô Ngọc Vân, mà họa sĩ Bùi Trang Chước chính là người thầy khai tâm cho Lê Lam.

1. Khi về dự thi vào trường Mỹ thuật, tôi gặp thầy Bùi Trang Chước lần đầu tiên tại ngôi đình mái tranh thuộc xã Nghĩa Quân, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Thầy hiệu trưởng Tô Ngọc Vân giao chúng tôi cho thầy Bùi Trang Chước cùng với lời dặn dò: “Đây là các em chuẩn bị thi vào trường nên anh Chước sẽ hướng dẫn cho các em học vẽ để chuẩn bị thi”. Nghe xong, thầy Chước mỉm cười rồi thầy nói nhỏ nhẹ, ngắn gọn: “Tôi sẽ hướng dẫn cho các em”.

Bài học đầu tiên của các học sinh ngày đó là vẽ hình họa. Người ngồi mẫu là cụ Đạo Đức - chuyên ngồi mẫu cho học sinh Mỹ thuật từ trước kháng chiến. Thầy Bùi Trang Chước bố trí người ngồi mẫu ở các tư thế khác nhau, học sinh căn cứ theo người mẫu rồi vẽ.

Với chiếc giá vẽ ba chân làm bằng mấy cây nứa nhỏ mà thành, đặt bảng vẽ lên, sau đó lấy tờ giấy bản dán bốn góc lại rồi học sinh cầm bút chì bắt đầu vẽ theo hướng dẫn của thầy Bùi Trang Chước: phác hình như thế nào; phác từ những đường nét đầu tiên của đầu, vai, thân, chân co, chân duỗi ra sao...

Từ phác hình đại thể ban đầu, sau đó tất cả học sinh đi vào từng chi tiết: đầu, mắt, mũi, miệng... Trong quá trình làm việc, mọi người chăm chú, cứ thế theo hình mà phác lên. Thầy Chước theo dõi hình vẽ của từng học sinh. Những hình chưa đúng, thầy hướng dẫn điều chỉnh: hình này nên chéo, hình này nên chếch là vừa, chỗ này to quá, chỗ này nhỏ quá...

Sau khoảng ba buổi vẽ, hình mẫu cụ Đạo Đức bằng bút chì ngày càng rõ lên với những đặc tính: tóc dài, xù, quần áo nâu, nghèo khổ, rách rưới...

Khi vẽ thế chân cụ Đạo Đức, tôi nhớ mãi thầy Chước nói: Hình này của em là raccoursi - tiếng Việt ta gọi là thách. Cái chân co không phải ta nhìn theo nghĩa thông thường - không phải nhìn ngang mà hình nó thu lại. Thầy Chước đặc biệt nhấn mạnh cái đó. Rồi thầy có sửa cho tôi một vài nét vẽ.

2. Hết bài tập hình họa là đến bài thứ hai về trang trí. Học sinh được vẽ một phác thảo về một tấm bằng khen.

Thầy Chước chỉ dẫn cho chúng tôi muốn làm một bằng khen thì mình phải phác ra đấy là bằng khen kiểu gì, Huân chương Kháng chiến hay Huân chương Quân công...

Thầy chỉ cho chữ phải xếp như thế nào, chữ chính xếp ở vị trí ra sao, bên dưới có những chữ gì, xung quanh hoa văn ra sao... Phải biết kẻ chữ như thế nào? Huân chương Kháng chiến thì có mấy chữ, phải biết kẻ chữ, nét to hay nét nhỏ, có chân hay không có chân... Tất cả bước đầu bằng những phác thảo như thế. Sau đó thầy xem qua, thấy được là thầy gật đầu, rồi lại tiếp tục.

Phương pháp giảng dạy của thầy Bùi Trang Chước là không nói nhiều, thầy hướng dẫn từng bước và chỉ các bước làm. Tất cả học viên chúng tôi đều thấy thầy Bùi Trang Chước giản dị như một người bình thường. Cho nên chúng tôi có thể tiếp thu không lấy gì làm khó khăn lắm.

Trường Mỹ thuật kháng chiến ngày ấy do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng, họa sĩ Bùi Trang Chước ở Hội đồng giáo sư (lúc đó gọi là Ban giảng viên).

Ngoài ra, Ban giảng viên còn có họa sĩ Trần Văn Cẩn, còn họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm làm trợ giảng. Sang năm 1951, họa sĩ Bùi Trang Chước chuyển sang Bộ Tài chính với nhiệm vụ tuyệt đối bí mật lúc đó là vẽ mẫu giấy bạc cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Họa sĩ Bùi Trang Chước (21/5/1915 - 27/2/1992), quê tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Ông là tác giả Quốc huy Việt Nam, tác giả biểu trưng Tổng LĐLĐ Việt Nam và Huân chương Sao Vàng; Huân chương Độc lập; Huân chương Lao động…

Các họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Sĩ Ngọc ở Khu IV được điều ra trường Mỹ thuật để giảng dạy thay vị trí của họa sĩ Bùi Trang Chước. “Cho nên về sau này có chuyện công trình vẽ Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước suốt mấy chục năm bị gắn nhầm tên họa sĩ Trần Văn Cẩn là như thế!”, họa sĩ Lê Lam nhớ lại.

3. Thầy Bùi Trang Chước đối với tôi là người thầy giáo mở đường. Tính thầy rất giản dị. Giọng nói nhỏ nhẹ, thầy giảng ngay vào chi tiết bài học. Ví dụ, vẽ cánh tay, thầy cầm bút phác vẽ thử cho chúng tôi xem. Sau khi thầy chỉ dẫn rất cụ thể việc phác các nét, tạo khối, đánh bóng... chúng tôi có thể bắt tay vào vẽ được. Điều đó tạo nên một ấn tượng rất sâu trong tôi về thầy.

Những năm sau, nhờ bài học vỡ lòng thầy dạy, tôi có kiến thức về đồ họa nên đã vẽ hai mẫu huân chương được nhà nước chọn in. Đó là Huân chương Quân công (hạng nhất, hạng nhì, hạng ba) và Huân chương Kháng chiến chống Pháp (hạng nhất, hạng nhì, hạng ba).

Trên các mẫu huân chương đó không đề tên tác giả nhưng các đồng chí có trách nhiệm ở Tổng cục Chính trị đều biết tác giả là tôi - họa sĩ Lê Lam. Cho nên, đó chính là dấu ấn ảnh hưởng của thầy Bùi Trang Chước đối với tôi trong nghề.

Nếu nói về chuyên môn, tay nghề của thầy Bùi Trang Chước là đồ họa. Thầy là nhà đồ họa số 1 Đông Dương. Vẽ mẫu tiền, vẽ mẫu tem, vẽ mẫu huân chương, huy chương thì không ai giỏi hơn thầy.

Thầy Tô Ngọc Vân biết rõ tài năng của thầy Bùi Trang Chước nên đã đưa về trường Mỹ thuật để làm công việc giảng dạy những học sinh chúng tôi chuẩn bị thi vào trường.

Công việc hướng dẫn có khi hàng tháng trời. Cho nên, đối với tôi, họa sĩ Bùi Trang Chước là người thầy khai tâm cho tôi về hội họa. Cùng với thầy Tô Ngọc Vân, thầy Bùi Trang Chước là hai ân nhân của tôi, mà tôi ghi nhớ suốt đời không quên.

HỌA SĨ LÊ LAM

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm