Họa sĩ Lê Vượng không hề xa lạ với công chúng mỹ thuật. Họa sĩ Lê Vượng cùng họa sĩ Đỗ Quang Em (1942-2021) là hai nhân vật trong giới hội họa Việt Nam nổi danh ở trường phái tả thực, đi theo quan niệm kỹ thuật của bậc thầy Georges de La Tour (1593-1652).
Họa sĩ Lê Vượng đã có nhiều triển lãm ở nước ngoài và có tác phẩm trong nhiều bộ sưu tập tư nhân cũng như bảo tàng quốc tế, nhưng đến tuổi 70 thì ông mới tổ chức triển lãm cá nhân có tên gọi “Sáng – tối” vừa khai mạc tại Bình Minh Art Gallery (29A Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP.HCM).
Triển lãm “Sáng – tối” của họa sĩ Lê Vượng trưng bày 36 tranh sơn dầu tiêu biểu của ông qua các thời kỳ, gồm 28 tĩnh vật theo lối tả thực, 5 tranh phong cảnh, 2 tranh tự họa và 1 tranh chân dung vẽ vợ mình. Nói về không gian “Sáng – tối” đầy hoài niệm, họa sĩ Lê Vượng chia sẻ: “Qua thế giới tĩnh vật ấy, tôi cảm nhận được ý nghĩa sâu thẳm của sự im lặng và cả ý nghĩa bao dung của sự bình dị, những điều mà người ta dễ dàng đánh mất trước cuộc sống phồn hoa đô thị”.
Khởi nghiệp cầm cọ từ năm 20 tuổi, họa sĩ Lê Vượng từng thử sức ở nhiều thể loại sáng tạo khác nhau. Thế nhưng, từ năm 40 tuổi đến nay thì ông kiên định con đường tả thực.
Suốt 30 năm chỉ vẽ những vật dụng thường gặp xung quanh, liệu có nhàm chán không? Họa sĩ Lê Vượng khẳng định: "Vẽ đi vẽ lại các tĩnh vật quen thuộc, không phải để chúng trông thực hơn, mà là cách để mỗi ngày một gần gũi hơn”.
Bước vào triển lãm “Sáng – tối” của họa sĩ Lê Vượng, bằng ánh mắt nhà nghề, họa sĩ Nguyễn Trung đánh giá: “Trong hội họa, đôi khi cách tô màu và bố trí ánh sáng cho ta một cảm nhận về âm nhạc. Cái không khí âm nhạc của Lê Vượng vẳng lên từ một không gian thâm - u - tinh - mịch, một hòa âm trầm rồi bỗng vút cao, có lẽ được phát ra từ cái chén chói chang ánh sáng kia. Còn những chiếc ấm đất khiêm tốn và thường được phát cho một lượng ánh sáng cũng khiêm tốn, cũng có vai trò phụ họa đáng kể cùng với những đồ vật bằng gỗ hay tre nứa trong dàn nhạc này”.