Họa sĩ Lưu Công Nhân có tên khai sinh là Lưu Công Nhẫn, nguyên quán ở làng Lâu Thượng, nay thuộc xã Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ. Họa sĩ Lưu Công Nhân theo học khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc (thường được gọi là khóa Mỹ thuật Kháng chiến 1950-1954).
Ngay từ khi bước chân vào nghề vẽ, họa sĩ Lưu Công Nhân đã tạo được ấn tượng sâu sắc về hình ảnh một nông thôn Việt Nam. Đó là những bức tranh ông vẽ làng quê, về thôn nữ, về đồng ruộng, về con trâu. Tiêu biểu nhất phải kể đến các tác phẩm “Buổi cày”, “Nghỉ trưa”, “Nông dân học”…
Triển lãm “Một thoáng Lưu Công Nhân” là một lát cắt mỏng về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật đồ sộ của họa sĩ Lưu Công Nhân. “Một thoáng Lưu Công Nhân” như chuyến du hành ngược thời gian, từ giai đoạn ông dưỡng bệnh vào cuối đời tại Đà Lạt với loạt tranh màu nước trên giấy vô cùng tối giản, trở về thời điểm ông hừng hực thanh xuân với loạt sơn dầu trên toan, vừa hiện thực vừa trừu tượng.
Một điều đáng lưu ý, từ đầu thế kỷ 20, do sức khỏe sa sút và đau yếu, họa sĩ Lưu Công Nhân lên Đà Lạt an dưỡng nhưng vẫn miệt mài vẽ trên chiếc xe lăn. Những bức tranh ấy chứng minh đam mê cầm cọ theo suốt hành trình 78 năm gắn bó dương gian của họa sĩ Lưu Công Nhân, như ông thổ lộ: “Vẽ suốt cả ngày. Vẽ là một hành động vô ý thức được nghiền ngẫm từ lâu”.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận xét: “Lưu Công Nhân có tay nghề điêu luyện lạ thường. Ngay những bức thuốc nước trực họa những năm 1950 đã đạt tới đỉnh cao của kỹ thuật đầy trắc ẩn này. Cây xoan, ngõ xóm, cô dân quân, cô nuôi lợn, lão du kích, bà bủ móm mém… lùm tre soi bóng xuống ao bèo, cái tường gạch lở lói bởi thời gian và bom đạn với những khẩu hiệu tuyên truyền thật hồn nhiên và kiên quyết… đã trở thành những hình ảnh tạo hình xuất sắc bậc nhất của thời chống Pháp bên cạnh các ký họa của các bậc thầy Mỹ thuật Đông Dương. Về tranh màu nước ở ta, tới nay, tôi nghĩ ít có ai vượt nổi Lưu Công Nhân”.
Qua triển lãm “Một thoáng Lưu Công Nhân”, công chúng càng thấu hiểu quan niệm sáng tạo của hóa sĩ Lưu Công Nhân: “Đã là nghệ thuật, bức tranh phải lung linh, phát quang và phát quang vĩnh viễn”.
Họa sĩ Lưu Công Nhân có một lối sống khá thong dong, theo họa sĩ Bùi Quang Ngọc phân tích: “Lưu Công Nhân trên con đường sáng tạo nghệ thuật là người gặp nhiều may mắn và thuận lợi. Trời ban cho ông một người vợ tuyệt vời. Bà suốt đời tận tụy với chồng con và luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để Lưu Công Nhân làm việc, chính bà cung cấp nguyên liệu vẽ và tạo nơi làm việc cho Lưu Công Nhân dù trong hoàn cảnh nào. Ông là họa sĩ trẻ đầu tiên ở Việt Nam được hưởng trở cấp sáng tác dài hạn, lại đươc nhà nước cho nhà riêng để vẽ ở Thác Bà. Lưu Công Nhân hiểu biết rộng. Ông có một tủ sách về nghệ thuật tạo hình khá đầy đủ và quý hiếm. Lưu Công Nhân hơi ngang nhưng rất hài hước và chân tình”.
Họa sĩ Lưu Công Nhân để lại một di sản đồ sộ. Không ít nhà sưu tập tại Việt Nam sở hữu hàng trăm tác phẩm của họa sĩ Lưu Công Nhân. Và hiện tại, tranh Lưu Công Nhân vẫn được ưa chuộng trên thị trường.
Dù là tranh màu nước hay tranh sơn dầu, thì họa sĩ Lưu Công Nhân cũng phô diễn được phong cách riêng. Bí quyết được ông chia sẻ lúc sinh thời: “Kỹ thuật của người họa sĩ cũng giống như sợi dây diều. Dây càng dài, diều càng bay cao. Chất liệu không hoàn toàn quyết định giá trị của bức tranh. Một bức tranh đẹp không do vẽ bằng vàng. Nhưng chất liệu quyết định khả năng diễn đạt của tác phẩm. Với chủ đề của bức tranh này, vẽ bằng chất liệu này, thành công hơn chất liệu nếu cần”.