Theo thống kê huyện Hoài Đức có 52 làng có nghề, trong đó 12 làng nghề đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Đây là nền tảng để cho việc đưa các sản phẩm làng nghề, nông sản tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP nhằm gia tăng giá trị về kinh tế, văn hóa trong đó sản phẩm thực phẩm chiếm tỷ lệ 90%. Sau khi được công nhận, huyện đã khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể đưa các sản phẩm OCOP của mình tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng do các sở, ban, ngành tổ chức để đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ.
Cụ thể như năm 2022, Hoài Đức đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội tổ chức 2 hội chợ về giống vật tư, thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, được đông đảo người tiêu dùng chú ý, tìm mua và đặt hàng.
Có thể nói chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" của huyện Hoài Đức đã bước đầu phát huy những giá trị tiềm năng của các làng nghề, nông sản, đặc sản góp phần thiết thực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn khi tạo ra được nhiều công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở hay hộ sản xuất từng bước được tập dượt, cải thiện những kỹ năng không chỉ về sản xuất mà còn kinh doanh, tiếp cận thị trường, cải thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng với nhiều tệp khách hàng mỗi lúc một đòi hỏi cao hơn.
Đợt đánh giá, phân hạng OCOP lần này càng thể hiện rõ sự chuyển biến ấy trong thực tế ở Hoài Đức. Tham gia phân hạng có 22 sản phẩm của 11 chủ thể, cơ sở, HTX, doanh nghiệp gồm cả những sản phẩm, nông sản quen thuộc và mới xuất hiện trên địa bàn như phật thủ xã Đắc Sở, ổi lê, táo đại, nem chua rán, xúc xích hun khói; bánh vòng mè; bánh trứng mè gạo lứt, gạo lứt ngũ cốc rong biển, gạo lứt ngũ cốc matcha, gạo lứt ngũ cốc chà bông, rong biển kẹp hạt granola roxy, túi vải canvas, balo, tượng quan nhất phẩm đục chạm bằng gỗ mít, miến rong Trung Kiên, Điền bảo miến rong sợi rút, Điền bảo miến khoai lang...Trong đó, 14 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng mới và 8 sản phẩm đánh giá, xếp hạng lại do đã đến hạn.
Ông Nguyễn Trung Thuận- Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã biểu dương sự tham gia nhiệt tình của các chủ thể trong việc đem các sản phẩm chất lượng, độc đáo của mình đánh giá, xếp hạng OCOP. Ông cũng nhận định từ thực tế rằng sản phẩm khi được gắn sao, mác của một chương trình uy tín như OCOP sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn, giúp kết nối thương mại, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như cải thiện thêm chất lượng, mẫu mã.
Tại hội nghị, các chủ thể đã tự tin giới thiệu về những “đứa con tinh thần” của mình là những bộ sản phẩm ưng ý nhất, giải thích tỉ mỉ từ nguồn gốc nguyên liệu đến các công đoạn sản xuất và các chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, một số chủ thể còn kể được câu chuyện sản phẩm của mình, từ truyền thống văn hóa lâu đời của làng nghề đến việc đổi mới khoa học kỹ thuật của hôm nay ra sao, tạo nên một thứ tinh hoa mà vẫn mới lạ thế nào.
Những câu chuyện này được Hội đồng đánh giá, xếp hạng OCOP rất quan tâm bên cạnh việc quan tâm đến quy trình sản xuất, chế biến, nguyên liệu đầu vào, khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ từng loại sản phẩm. Đồng thời các giám khảo cũng đóng góp những ý kiến quý báu cho các chủ thể một cách cụ thể về sản phẩm như cải thiện tem nhãn, bao bì, nguồn gốc nguyên liệu, tuyên truyền, tiếp cận thị trường.
Cũng trong thời gian vừa qua, Hoài Đức đã xây dựng được 3 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhằm quảng bá cho đông đảo người tiêu dùng trong và huyện biết các nông sản, đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống của mình, đồng thời biết cách chọn lựa các hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng. Chính nhờ hiệu quả khác biệt giữa trước và sau khi được đánh giá, xếp hạng OCOP của các chủ thể cũ, đi tiên phong mà các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như nông hộ mới, chưa tham gia cảm thấy được sức hút của chương trình và tình nguyện đăng ký.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội