Huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An có truyền thống trồng cây có múi, trong đó cây cam phát triển cực thịnh ở nông trường Bãi Phủ, thuộc xã Đỉnh Sơn từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước với quy mô trên dưới 100 ha.
Những năm gần đây, nghề trồng cam trên đất Bãi Phủ có chiều hướng “lao dốc” do đất đai thoái hóa, dịch bệnh bùng phát, lan nhanh. Dốc tiền của, bỏ công sức nhưng không thu được về thành quả tương xứng khiến nhiều hộ nản chí, hệ quả là diện tích trồng cam ngày càng bị thu hẹp.
Dân trong nghề quả quyết, vì chủ quan người trồng đã “bóc lột” sức đất thái quá suốt thời gian dài, họ phun trừ, bón phân hóa học vô tội vạ mà chẳng màng hậu quả về sau. Nhằm cứu vãn tình hình, thời gian qua ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp đã chỉ đạo, định hướng cho người trồng tăng cường chăm sóc cây cam bằng phương pháp hữu cơ, qua đó hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV.
Trang trại cam Vinh Hương Hóa thực hiện rất tốt chủ trương này, dù nghề trồng cam tại nông trường Bãi Phủ thăng trầm ra sao thì đơn vị này chẳng mảy may ảnh hưởng. Trang trại rộng hơn 2 ha, nằm kề sát dãy núi đá vôi trùng điệp, nơi đây khí hậu mát dịu, thổ nhưỡng màu mỡ, rất phù hợp trồng cây ăn quả.
Bám nghề trên chục năm rồi, ông Nguyễn Duy Hóa, chủ thương hiệu “Cam Vinh Hương Hóa” hiểu nằm lòng đặc trưng, đặc tính của cây cam, từ đó kịp thời đưa ra những điều chỉnh mang tính bước ngoặt: “Đất này rất phù hợp để trồng cây có múi, đặc biệt là cây cam, tuy nhiên chỉ dựa vào đó thì sớm muộn sẽ ngậm trái đắng. Vi chất trong đất có hạn, nếu muốn phát tiết, duy trì đòi hỏi phải thường xuyên bồi bổ dưỡng chất, tăng sức khỏe cho đất.
Từ định hướng của cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn, từ năm 2019 gia đình tôi chuyển hướng sang canh tác hữu cơ. Áp dụng cách này dẫu tốn kém hơn, vất vả hơn nhưng hiệu quả thì hoàn toàn khác biệt, cây cam hấp thụ đủ dưỡng chất nên chống chịu sâu bệnh rất khá, số lượng quả rụng không đáng kể, không bị tụt sản lượng. Số đông khách hàng đánh giá cam ngọt thanh, thơm, mọng nước”.
Khu vực Bãi Phủ vốn dĩ nền đất thấp, lại cách không xa dòng chảy của sông Lam thành thử thường xuyên đối diện với tình trạng ngập lụt khi thủy điện trên nguồn xả lũ cấp tập, nhiều diện tích trồng cam bị ngập úng, dịch bệnh cũng từ đây mà ra. Không muốn xoáy vào tình cảnh buồn, trước những đợt thiên tai vợ chồng ông Hóa đều chủ động “canh” sẵn thời tiết, thấy nguy cơ là huy động người thân, thuê mướn thêm nhân lực đào sẵn rãnh thoát nước, khơi thông dòng chảy nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại có thể xảy ra. Đưa ra một lát cắt nhỏ để thấy hình thành thương hiệu đã khó, muốn gìn giữ, phát triển còn nhọc nhằn gấp bội phần.
Trên diện tích 2ha, mỗi năm trang trại Hương Hóa thu đều đặn khoảng 70 tấn cam, với giá bán dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, vị chi tổng doanh thu đạt tầm 3 tỷ đồng, trừ chi phí gia đình thu lãi cao ngất ngưỡng. Không dừng lại ở đó, trại cam của vợ chồng ông Hóa còn tạo việc làm cho một số lao động địa phương với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Ông Hoàng Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đỉnh Sơn đánh giá: “Vườn cam Vinh Hương Hóa áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ đã tạo ra cú hích lớn, giúp số đông người trồng thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, từ đó từng bước chuyển hướng sang sử dụng chế phẩm sinh học thay vì bào mòn sức đất như xưa. Đây là vườn cam cho hiệu quả kinh tế cao, giá trị được nâng tầm rõ rệt kể từ khi được chứng nhận đạt chuẩn OCOP vào năm 2021”.