Nông dân thực hành tại vườn xoài xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp |
Mấy năm nay nhiều nông dân của tỉnh Đồng Tháp tất bật việc ruộng vườn. Điều làm họ phấn khởi nhất là đã áp dụng được cách SX mới, chi phí SX thấp, tăng chất lượng sản phẩm...
Tìm đến vườn xoài tròn chục năm tuổi của ông Nguyễn Văn Bằng, ở ấp 4, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, chúng tôi không khỏi tò mò khi thấy cây đậu trái nhiều. Theo lời ông Bằng thì trước giờ trồng xoài chủ yếu học kinh nghiệm của những nông dân khác, làm chưa bài bản.
“Nghe tin có lớp dạy nghề nông nghiệp là tôi đăng ký liền. Giáo viên dạy rất dễ hiểu. Học lớp nghề SX xoài theo hướng VietGAP, tôi biết cách ghép tỉa cành tạo tán, chăm sóc cây, sử dụng thuốc BVTV. Học xong tôi về áp dụng thử nghiệm, vụ xoài năm 2017 vừa rồi cho kết quả rất tốt. Lớp học rất cần thiết đối với chúng tôi. Nông dân phải có kiến thức để trong quá trình canh tác tránh được nhiều bất lợi."
Theo ông Bằng ước tính, 1 năm sử dụng thuốc hóa học cũng trên 50 triệu đồng cho 9 công xoài, áp dụng kiến thức từ lớp học nghề trồng xoài thì giảm chi phí sử dụng thuốc BVTV từ 30 - 40% (khoảng 15 triệu đồng), đồng thời rất nhẹ công chăm sóc, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặc dù giá cả phụ thuộc thị trường, nhưng áp dụng kiến thức để trồng ra trái xoài đẹp sẽ bán giá cao hơn.
Suốt mấy tháng nay, đi đâu cũng nghe bà con nông dân trồng xoài ở Cao Lãnh bàn rôm rả chuyện đi học nghề nông về áp dụng mang lại hiệu quả thấy rõ.
Có mặt tại các lớp học, những buổi đi thực hành mới thấy được hết sự hứng khởi của nông dân trồng xoài trong việc tiếp thu kiến thức để tự “làm mới” mình. Lớp dạy nghề nông nghiệp được các địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện. Đáng phấn khởi là ngay khi thông báo mở lớp tại các xã hoặc ở nhà dân, nhiều nông dân dù rất bận rộn công việc đồng áng nhưng vẫn sắp xếp thời gian học.
Một vườn xoài đậu nhiều trái do nông dân áp dụng kiến thức sau khi học nghề |
Giáo viên Võ Thị Tuyết Nhung, giảng dạy lớp “Sản xuất xoài theo hướng VietGAP” cho biết, lớp có 26 học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tổng thời gian dạy là 15 ngày. Học viên đi học và tham gia thực hành rất đều đặn. Điều mà ban tổ chức lớp học vui mừng là tất cả học viên nắm được quy trình SX xoài theo hướng GAP và các thao tác như: Biết cách xử lý xoài ra hoa nghịch vụ, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, bao trái xoài để tăng chất lượng trái, ghi chép sổ nhật ký SX, biết được ý nghĩa của việc truy nguyên nguồn gốc sản phẩm...
Ông Võ Trung Kiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Cao Lãnh chia sẻ: Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp năm nay thật sự chất lượng nhờ thời gian thực hành nhiều nên học viên tiếp thu rất nhanh và vận dụng SX hiệu quả. Từ cuối năm 2017 đến nay Phòng tổ chức được 8 lớp với gần 240 học viên học các nghề chăn nuôi gà, sản xuất xoài GAP, trồng ớt, rau.
Sở dĩ hoạt động dạy nghề nông nghiệp đạt được thành công, do nhiều nông dân tiếp thu tốt nội dung học. Các lớp nghề nông thôn có thời lượng dạy 100 tiết (khoảng 15 ngày) nhưng chỉ có 20 tiết lý thuyết, còn lại thực hành tại các ao cá, đồng ruộng, vườn cây ăn trái… Chi cục Phát triển nông thôn Đồng Tháp được Sở NN-PTNT giao làm đầu mối thực hiện chương trình đào tạo nghề nông thôn. Ông Nguyễn Minh Tiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Đồng Tháp cho biết, trong năm 2017 có 65 lớp dạy các nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, tổ chức dạy tại hội trường UBND các xã hoặc ở nhà dân trên 12 huyện, thị, thành. Chương trình gặp thuận lợi là triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Các lớp dạy nghề giúp nông dân biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX, đặc biệt là liên kết SX, tiêu thụ sản phẩm... |