| Hotline: 0983.970.780

Hội chợ OCOP Quảng Ninh: Nâng tầm thương hiệu nông sản

Thứ Năm 02/02/2017 , 07:15 (GMT+7)

Được tổ chức từ 19/1, Hội chợ OCOP Xuân 2017 ngay lập tức thu hút được đông đảo khách tham quan và mua sắm. Trong đó, gian hàng của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) là một trong những gian hàng đông khách nhất...

Hội chợ OCOP Xuân 2017 tại Quảng Ninh đã thành công rực rỡ với doanh thu hơn 6,5 tỷ đồng. Hàng trăm mặt hàng đặc trưng của Quảng Ninh và 21 tỉnh, TP có mặt tại hội chợ được tiêu thụ hết, chứng tỏ chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của Quảng Ninh là hướng đi đúng.
 

Bí thư Huyện ủy đứng bán hàng

Được tổ chức từ 19/1, Hội chợ OCOP Xuân 2017 ngay lập tức thu hút được đông đảo khách tham quan và mua sắm. Trong đó, gian hàng của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) là một trong những gian hàng đông khách nhất.

10-05-54_dsc_5656
Bí thư Huyện ủy Tiên Yên Trương Công Ngàn (ngoài cùng bên trái) trực tiếp bán hàng tại Hội chợ OCOP
 

Đứng trong quầy hàng, ông Trương Công Ngàn, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên tất bật tiếp thị và bán những sản phẩm đặc trưng của huyện. “Đây là món gà Tiên Yên, đặc sản của địa phương, nướng nhưng không tiếp xúc trực tiếp với lửa. Thịt đảm bảo độ thơm ngon, đậm vị, ăn với bánh, cơm nếp... rất ngon”, ông Ngàn giới thiệu.

Nói đoạn, ông tiếp tục “tiếp thị” món thịt khâu nhục (một đặc sản khác) cho mấy khách nữ quan tâm... Cứ thế, quầy giới thiệu và bán sản phẩm của huyện Tiên Yên luôn tấp nập khách đến mua bán.

Chỉ sau một đêm khai mạc, gian hàng của huyện Tiên Yên đã bán gần hết các nông sản đặc trưng của địa phương, các giá trưng bày hầu như trống rỗng. Nhân viên bán hàng cho biết, họ đang phải đợi những chuyến hàng vận chuyển khẩn cấp từ Tiên Yên đến TP Hạ Long để tiếp tục bán tại Hội chợ.

Hỏi ra mới biết, sản phẩm của huyện Tiên Yên hút khách nhiều nhất là các loại bánh của người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện, như bánh gật gù, bánh cốc mò, bánh lá ngải...

Bánh gật gù là một loại bánh phở cuốn thủ công, khi cầm trên tay chiếc bánh như người ngủ gật, ngả ngớn nhiều phía nhưng nhờ tính dẻo dai mà không gãy. Còn khi thưởng thức bánh chấm với nước chấm được pha chế đặc biệt, thực khách thích thú, gật lên gật xuống khen ngon. 

Gian hàng của huyện Tiên Yên có 14 sản phẩm, tất cả đều là đặc sản địa phương như khâu nhục, bánh gật gù, gà Tiên Yên, bánh hạnh nhân, kẹo lạc hồng… thu hút rất đông khách tham quan, mua sắm.

Ông Ngàn cho biết, những sản vật của huyện tham dự hội chợ năm nay đều chú trọng chất lượng, hình thức và cả độ tiện dụng. Hầu hết các sản phẩm của địa phương đưa đi giới thiệu đều có giấy chứng nhận kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm nên được khách hàng tin dùng.
 

Nâng tầm thương hiệu nông sản

Tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2017, một số sản phẩm mới của các địa phương được “trình làng” như nước mắm Cái Rồng của Cty CP Nước mắm Cựu chiến binh Vân Đồn; cam Đường Canh của Trang trại 360; khoai nương Đầm Hà...

Mặc dù số lượng các sản phẩm mới giới thiệu tại Hội chợ lần này không nhiều, song hầu hết được nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã, đa dạng về chủng loại, tiến tới chuyên nghiệp hoá.

Có thể kể ra: Dưa chua úp thảm đóng hộp, dán tem nhãn đầy đủ; vịt trời Duy Khương được cải tiến tem nhãn, quy cách đóng gói, bao bì sản phẩm; khoai lang Móng Cái được đóng trong các túi lưới có tem nhãn...

Bên cạnh đó, hầu hết các gian hàng của các địa phương bố trí bàn ăn, nếm thử sản phẩm. Tại gian hàng huyện Tiên Yên, bà Lê Thị Thuận (khu 6, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) chia sẻ: “Hội chợ OCOP khác hẳn với những hội chợ thương mại trước đây, do đó cứ mỗi lần Hội chợ tổ chức, cả gia đình tôi đều hào hứng tới tham quan, mua sắm. Tại Hội chợ OCOP, chúng tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá, giá cả phải chăng, sản phẩm đa dạng”.

Tiếp nối thành công của các kỳ hội chợ OCOP, doanh thu bán hàng trực tiếp của các gian hàng tại Hội chợ OCOP năm nay đạt trên 6,55 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán hàng của 14 địa phương trong tỉnh là trên 2,5 tỷ đồng.

Huyện Vân Đồn là địa phương có doanh thu cao nhất (trên 360 triệu đồng), tiếp đến là TX Đông Triều (trên 300 triệu đồng), huyện Bình Liêu (285 triệu đồng)... Hội chợ thu hút tới hơn 66 nghìn lượt khách tới mua sắm trong 1 tuần diễn ra.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định, Hội chợ OCOP có ý nghĩa rất lớn trong việc phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, du khách, đồng thời là một trong những biện pháp nhằm bình ổn thị trường dịp giáp tết.

“Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội giúp các DN, tổ chức, cá nhân SXKD tìm kiếm thông tin, thị trường, qua đó khẳng định ý nghĩa của chương trình OCOP mà Quảng Ninh đang thực hiện để đáp ứng sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch và tiêu dùng nội địa, góp phần quan trọng phát triển kinh tế vùng nông thôn, đô thị, chương trình xây dựng NTM trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh”, ông Hậu nói.

Hội chợ OCOP Quảng Ninh Xuân 2017 thu hút 74 DN, HTX, cơ sở SX trong Chương trình OCOP tỉnh với 94 gian hàng gồm 210 sản phẩm, nhóm sản phẩm (tương ứng 289 mặt hàng).

Trong đó, đã có 99 sản phẩm được đánh giá tiêu chuẩn; 39 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao năm 2016. Ngoài ra, Hội chợ còn có 58 gian hàng của 21 tỉnh, TP trong cả nước với nhiều sản phẩm nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu.

 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất