Lý do thứ hai, có thể là có sự thay đổi bởi vào dịp 2.9 vừa qua, báo Tiền phong trong bài “Trò chuyện cùng nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản có một đoạn dài phân tích khá sâu sắc về “hội chứng” băng biển, khẩu hiệu, cờ hoa này.
“Chưa ai có điều kiện thống kê để tính tiền thuế của nhân dân đóng đã bỏ ra tới bao nhiêu để làm ra hàng vạn câu khẩu hiệu sáo rỗng trên toàn quốc, từ năm này qua năm khác. Chắc chắn không dưới nghìn tỷ đồng. Nếu tiết kiệm khoản chi phí này, chúng ta có thể xây thêm hàng nghìn phòng học cho các cháu vùng cao, hàng trăm cây cầu cho đồng bào vùng sâu, thêm hàng triệu bữa ăn đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo, người cô đơn, tàn tật.
Khẩu hiệu suông sao sánh được tình cảm thật sự nơi lòng dân? Nhân dân không thích nói suông, đại ngôn, hô hào phù phiếm tốn sức, tốn công tốn của, mà cần hành động cụ thể, thiết thực, dù rất bé thôi của mỗi cán bộ, đảng viên cho dân và vì dân! Thay vì hô khẩu hiệu, giăng khẩu hiệu, cần hành động sao cho dân ủng hộ, dân tin, dân làm theo...”. Ông Lê nói.
Thành thật về chuyện băng biển, khẩu hiệu, nhà báo Nhị Lê đã nói đúng, nói trúng và… nói khá đầy đủ.
Đất nước ta còn nghèo, đời sống người dân nhiều nơi còn rất khó khăn. Nợ công còn cao, sự phát triển kinh tế tuy nhanh nhưng chưa đảm bảo sự bền vững. Tết này nhiều cơ quan đơn vị đang vật vã, xoay xở để lo tết cho cán bộ, nhân viên. Nhiều nơi, tiền thưởng còn ở mức chiếu lệ…
Rồi hiệu quả của những băng biển, khẩu hiệu này là như thế nào? Liệu giờ đây phương cách này có còn tác dụng?
Về thẩm mĩ, nó có làm đẹp gương mặt phố phường hay không? Đó là chưa kể “hàng vạn câu khẩu hiệu sáo rỗng trên toàn quốc, từ năm này qua năm khác”, thậm chí còn gây hiểu lầm, phản cảm.
Vì thế mong rằng năm nay và từ năm nay, hiện tượng “tưng bừng khẩu hiệu, cờ hoa” sẽ không còn tái diễn không chỉ ở Hà Nội mà cả ở các địa phương.
Thành thật là người viết bài này không hiểu vì lý do gì mà người ta lại có thể “ném ra” cả ngàn tỉ đồng để làn những việc này nhỉ? Và nó có tác dụng tới đâu? Liệu có bóng dáng của “hoa hồng”, hoa “đồng tiền” nở rộ mỗi mùa xuân?