| Hotline: 0983.970.780

Hối hả gặt lúa chạy bão, phòng chống úng cây vụ đông

Thứ Tư 14/10/2020 , 10:21 (GMT+7)

Nguy cơ bão số 7 đổ bộ, kèm mưa lớn có thể gây thiệt hại cho lúa vụ mùa chưa thu hoạch và cây vụ đông vừa gieo trồng tại các tỉnh phía Bắc.

* Khẩn cấp tiêu thoát nước, cứu cây vụ đông

Dự báo đường di chuyển của bão số 7. Ảnh: TTKTTVQG.

Dự báo đường di chuyển của bão số 7. Ảnh: TTKTTVQG.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, dự báo chiều ngày 14/10, bão số 7 ở ngay trên vùng ven biển các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. 

Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và dự báo sẽ đi vào đất liền các tỉnh Nam Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14 đến ngày 16/10, ở khu vực Đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, phía nam Sơn La và các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150mm/đợt.

Tốc lực gặt lúa mùa

Trước dự báo bão số 7 sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, nhất là các tỉnh phía nam khu vực đồng bằng Bắc Bộ, một trong những mối lo nhất đối với sản nông nghiệp ở vùng này, đó là hiện vẫn còn một diện tích khá lớn lúa vụ mùa tại các tỉnh phía Bắc (nhất là vùng ĐBSH) hiện vẫn chưa thu hoạch, có nguy cơ ngập úng, ngã đổ.

Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn hecta cây vụ đông tại các tỉnh phía Bắc hiện vừa được gieo trồng, cũng đang đối mặt với nguy cơ ngập úng, hư hại...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, ngay trong ngày 13/10, Cục Trồng trọt đã có các đoàn công tác về các tỉnh vùng ĐBSH, nhất là các tỉnh ven biển như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình... nhằm nắm bắt, kiểm tra, đôn đốc các địa phương gấp rút thu hoạch lúa mùa cũng như triển khai các giải pháp ứng phó, bảo vệ sản xuất vụ đông trước nguy cơ có bão và mưa lớn.

Người dân tỉnh Nam Định hối hả thu hoạch lúa chạy bão số 7. Ảnh: Lê Bền.

Người dân tỉnh Nam Định hối hả thu hoạch lúa chạy bão số 7. Ảnh: Lê Bền.

Đáng lo nhất, vùng ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình... thường gieo cấy vụ mùa muộn, có diện tích trà lúa mùa trung, mùa muộn khá lớn. Đây cũng là các giống lúa chất lượng cao, lúa nếp, lúa thơm có giá trị, nhưng đặc điểm yếu, rất dễ ngã đổ khi gặp gió bão, mưa lớn.

Tại tỉnh Ninh Bình, từ ngày 12-13/10, UBND tỉnh này đã có văn bản chỉ đạo Sở NN-PTNT cùng các địa phương trong tỉnh huy động tổng lực phương tiện, lao động gấp rút đẩy nhanh việc thu hoạch diện tích lúa mùa còn lại với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để chạy bão số 7. Loa phát thanh tại các xã/phường liên tục thông báo diễn biến bão số 7 có nguy cơ đổ bộ vào tỉnh, hối thúc bà con xuống đồng tổ chức gặt lúa.

Tại xã Ninh Khang (huyện Hoa Lư), 4-5 máy gặt đập liên hợp trong xã được huy động hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Anh Nguyễn Trọng Thanh ở thôn Bạch Cừ (xã Ninh Khang) đang hối hả chuyển lúa từ máy gặt đập liên hợp ngoài ruộng về nhà ngay giữa trưa cho biết: Nghe loa phóng thanh của xã thông báo có bão, dù lúa chưa thật chín lắm nhưng anh đã thuê máy gặt, tranh thủ thu hoạch hết diện tích hơn 1 mẫu.

“Ruộng ở đây đa số là chiêm trũng, mưa cái là ngập. Vì thế nghe có bão, gia đình tôi lo lắm, dù máy gặt mấy hôm nay chạy suốt ngày đêm, nhưng vẫn phải tranh thủ cả trưa để gặt nốt” – anh Thanh thở phào khi hơn 1 mẫu ruộng lúa đã chắc ăn về nhà.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, đến ngày 12/10, toàn tỉnh đã thu hoạch xong 17.800 ha lúa mùa, đạt trên 56% tổng diện tích. Tỉnh phấn đấu trong các ngày trước khi bão số 7 đổ bộ, sẽ nỗ lực tối đa để thu hoạch lúa chạy bão.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 4.000 ha lúa mùa muộn, chủ yếu là các giống nếp truyền thống, lúa thơm, tập trung chủ yếu ở huyện ven biển Kim Sơn và nhỏ lẻ ở một số địa phương trong tỉnh vẫn chưa tới thời vụ thu hoạch (với tổng diện tích lúa chưa thu hoạch toàn tỉnh khoảng 5.000ha).

Đây là điều bất khả kháng bởi các giống lúa nếp, lúa thơm này hiện mới chỉ trỗ được từ 5-10 ngày, phải đến tháng 11/2020 mới thu hoạch được, nên nguy cơ thiệt hại do mưa bão là rất cao.

Tại tỉnh Nam Định, ghi nhận ngày 13/10, các địa phương tại tỉnh này cũng đang tốc lực thu hoạch lúa mùa còn lại trên đồng ruộng. Ông Nguyễn Sinh Tiến, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định cho biết vụ mùa năm nay, Nam Định căn bản đã thắng lợi lớn, ít khi lúa mùa sạch bệnh, năng suất cao như năm nay. Hiện toàn tỉnh đã thu hoạch xong trên 73% diện tích.

Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh vẫn còn khoảng gần 20 nghìn ha lúa, chủ yếu là các giống lúa thơm, nếp, gieo cấy trà mùa muộn, tập trung tại các tỉnh ven biển như Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu... Giao Thủy hiện là huyện có diện tích lúa chưa thu hoạch cao nhất của tỉnh Nam Định (mới chỉ thu hoạch được trên 50%)...

Các tỉnh phía Bắc vẫn còn khoảng 100 nghìn ha lúa mùa cần phải thu hoạch khẩn cấp để chạy bão số 7 (tính tới ngày 13/10). Ảnh: Lê Bền.

Các tỉnh phía Bắc vẫn còn khoảng 100 nghìn ha lúa mùa cần phải thu hoạch khẩn cấp để chạy bão số 7 (tính tới ngày 13/10). Ảnh: Lê Bền.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đến ngày 12/10, các tỉnh phía Bắc (Bắc Trung Bộ trở ra) đã căn bản thu hoạch xong lúa mùa – hè thu, tuy nhiên ước còn khoảng 350.000 ha (trong tổng số trên 1 triệu ha gieo cấy) chưa thu hoạch, trong đó khoảng 100 nghìn ha lúa mùa đã chín, cần phải thu hoạch khẩn cấp.

Tại các tỉnh vùng ĐBSH, hiện một số địa phương vẫn còn diện tích lúa mùa muộn chưa tới kỳ thu hoạch hoặc trà mùa trung lúa đã chín nhưng chưa thu hoạch xong, sẽ có nguy cơ thiệt hại nếu bão, mưa lớn. 

Tại TP Hải Phòng, hiện mới chỉ thu hoạch được khoảng 3.000 ha lúa mùa, trong tổng số hơn 30 nghìn ha lúa mùa toàn thành phố. Còn Thái Bình, hiện vẫn còn khoảng trên 16 nghìn ha lúa chưa thu hoạch xong (hoặc chưa tới kỳ thu hoạch), chủ yếu là các giống lúa thơm, lúa nếp có thời gian sinh trưởng dài, vụ thu hoạch phải tới tháng 11/2020.

Một số địa phương khác ở ĐBSH và Trung du miền núi phía Bắc cũng còn diện tích lúa chưa thu hoạch khá lớn do truyền thống gieo cấy muộn như Bắc Ninh (mới có 18/32 nghìn ha đã thu hoạch); Bắc Giang (26/52 nghìn ha đã thu hoạch)...

Lo lắng cây vụ đông

Bên cạnh lúa mùa chưa thu hoạch, cây vụ đông, nhất là cây vụ đông ưa ấm vừa gieo trồng cũng đang đối mặt với nguy cơ ngập úng nếu mưa lớn kéo dài.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt và Sở NN-PTNT Hưng Yên kiểm tra công tác chuẩn bị tiêu thoát nước cho cây vụ đông. Ảnh: Lê Bền.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt và Sở NN-PTNT Hưng Yên kiểm tra công tác chuẩn bị tiêu thoát nước cho cây vụ đông. Ảnh: Lê Bền.

Ghi nhận tại Hưng Yên, hiện tỉnh này đã thu hoạch xong 95% diện tích lúa mùa nên mối lo thiệt hại về lúa do mưa lũ không đáng ngại. Tuy nhiên, nguy cơ ngập úng trên cây vụ đông vẫn không được chủ quan.

Ghi nhận ngày 13/10 tại các xã Đặng Lê (huyện Ân Thi), Nhân La (huyện Kim Động), đây là những vựa cây vụ đông ưa ấm lớn của tỉnh Hưng Yên như ngô, bầu bí với diện tích hàng trăm ha/vùng. Hiện các diện tích cây vụ đông này đã được gieo trồng hơn 1 tháng, riêng bầu bí đã bắt đầu cho thu hoạch quả non...

Ông Nguyễn Văn Tráng, PGĐ Sở NN-PTNT Hưng Yên cho biết, cơ bản diện tích vụ đông của tỉnh đều có các phương án tiêu thoát nước, bố trí rãnh thoát nước tốt, chủ động được hệ thống bơm thoát nước nếu có mưa lớn.

Mặc dù vậy, nếu mưa xảy ra khoảng 200mm/ngày, các vùng cây vụ đông sẽ chịu nhiều sức ép do ngập úng, tiêu thoát nước không kịp, nhất là các loại bầu bí, rau đậu, chỉ cần ngập nước nửa ngày là đã có thể gây thiệt hại...

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...