Ông Thắng giải thích, thiệt hại do Formosa gây ra có thể chia thành 2 loại: thiệt hại trực tiếp do sinh vật biển bị hủy diệt và thiệt hại gián tiếp do cá biển giảm giá, sản phẩm cá biển XK bị tăng cường lấy mẫu kiểm tra.
Cả hai loại thiệt hại đều khiến mất nhiều việc làm của ngư dân ven biển, cả người đánh cá lẫn dịch vụ hậu cần nghề cá và du lịch, nên phải đào tạo nghề mới.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, thảm họa biển miền Trung làm khoảng 263.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó có 100.000 lao động trực tiếp.
Chủ tịch Hội Nghề cá nói thêm, không chỉ bồi thường thiệt hại do thảm họa gây ra mà căn cứ vào luật pháp hiện hành của Việt Nam, Formosa còn phải bị xử lý hình sự, phạm tội ở khung hình phạt nào thì cần được xác định và xử lý ở khung hình phạt ấy.
“Hội Nghề cá mong rằng Chính phủ tiếp tục xác định và làm rõ vấn đề này. Con số 500 triệu USD, tương đương 11.000 tỷ đồng do Formosa cam kết chỉ là tạm tính, sau khi xác định chính xác thiệt hại mới có số liệu chính thức về thiệt hại để đền bù. Hội Nghề cá cho rằng nên có một ban giám sát bao gồm các bên Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và người dân, đặc biệt là những khoản đền bù thiệt hại cho dân thì cần có đại diện của người dân”, ông Thắng nhấn mạnh.