Bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Cụ thể là việc thu gom, xử lý chất thải, nước thải, cải tạo nghĩa trang, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Để thực hiện được tiêu chí này, thời gian qua đã có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, hội và doanh nghiệp.
Thực tế, nước ta hiện nay có hơn 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm khoảng 76.5% số dân của cả nước. Theo Tổng Cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trung bình mỗi ngày, khu vực nông thôn phát sinh khoảng hơn 31 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải sinh hoạt chủ yếu là chất vô cơ và hữu cơ, trong đó chất hữu cơ chiếm phần lớn chủ yếu là từ thực phẩm thải.
Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ mới đạt khoảng 40% đến 55% và hoàn toàn không phân loại chất thải rắn tại nguồn. Vì thế, chất thải không được tái chế mà xử lý bằng biện pháp chôn lấp, không hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm môi trường.
Đối với nước thải sinh hoạt, mới chỉ xử lý một phần từ nhà vệ sinh thông thường bằng hệ thống bể phốt. Bên cạnh đó, nước thải từ các nguồn nhà tắm, máy giặt, nhà bếp và nhiều chất độc hại khác không được xử lý. Theo đó, đã đổ trực tiếp ra môi trường, hoặc đổ vào hệ thống thoát nước công cộng đã làm cho các kênh và sông thoát nước của các thành phố lớn và các khu dân cư tập trung bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Còn theo Bộ Xây dựng, hiện nay tại khu vực nông thôn, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trung bình đạt khoảng 40 - 55%. Tại các vùng nông thôn ven đô hoặc thị trấn, thị tứ đạt tỷ lệ cao hơn, khoảng 60 - 80%. Còn tại một số nơi vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ thu gom chỉ đạt dưới 10%. Đến nay, đã có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế chất thải rắn sinh hoạt vùng nông thôn hiện vẫn còn thấp, chỉ mới 3,24%.
Theo Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM (Bộ NN-PTNT): Chất thải sinh hoạt nông thôn chiếm tỷ trọng lớn và đang là nguồn chính gây ô nhiễm nước cho ao, hồ, kênh, mương thủy lợi nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng cả về nguồn lực, nguồn tài chính. Công tác tổ chức quản lý còn nhiều bất cập, các chính sách hiện hành chưa chú trọng đến các công trình xử lý chất thải qui mô nhỏ dẫn đến nhiều công trình đầu tư không đồng bộ dẫn đến không phát huy hiệu quả và làng phí nguồn vốn đầu tư.
Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn, cần phải thực hiện đồng bộ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình xử lý với các phương án vận hành và chi phí vận hành phù hợp với điều kiện của vùng nông thôn. Tiếp tục xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng đồng bộ các biện pháp để rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng và làm cơ sở điều chính các qui định và chính sách hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn.
Từ những đánh giá trên, hy vọng Hội nghị sẽ tổng kết và rút ra được nhiều mô hình hay trong toàn quốc để tiếp tục triển khai nhân rộng trong thời gian tới.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg đã đề ra nhiệm vụ “Xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã thôn theo quy hoạch: thu gom, xử lý chất thải, nước thải, cải tạo nghĩa trang, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch -đẹp”.
Để cụ thể hóa các mục tiêu và nội dung về bảo vệ môi trường tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 16/8/2017 Phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 – 2020.
Theo đó, Quyết định 712/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp cụ thể để hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình về xử lý chất thải, nước sạch, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi, trong đó có các ưu đãi hỗ trợ về nguồn vốn vay, về đất đai, thuế phí.