Hội sách TPHCM năm 2012 diễn ra khá tưng bừng tại Công viên Lê Văn Tám từ ngày 19/3 đến ngày 25/3. Đã qua 7 lần tổ chức, Hội sách TPHCM dần dần trở thành nhiệt kế để đo sự chuyển động của viết sách, đọc sách và kinh doanh sách. Hàng vạn đầu sách với hàng triệu bản in được trưng bày và mua bán trong suốt một tuần lễ, chứng tỏ công chúng vẫn chưa hờ hững với món ăn tinh thần này!
Số đông vẫn thờ ơ với sách (Ảnh minh họa) |
Với sự góp mặt của tư nhân vào đời sống xuất bản, thì thị trường sách đã trở nên cực kỳ sôi động. Ở các đô thị lớn, nhà sách bề thế chiếm lĩnh ở những vị trí đắc địa và đều có dấu hiệu ăn nên làm ra. Thế nhưng, thói quen đọc sách và chất lượng đọc sách của người Việt hôm nay vẫn còn là một ẩn số. Ngoài hệ thống sách giáo khoa, số lượng in mỗi cuốn sách tại Việt Nam chỉ trên dưới 1000 bản và chỉ tập trung chủ yếu ở thành phố. Rõ ràng, nhiều vùng nông thôn vẫn chưa có cơ hội để tiếp cận sách. Hơn nữa, giá thành từng cuốn sách đang nằm ở mức khá cao đối với thu nhập của người lao động.
Nhân Hội sách TPHCM, một câu hỏi cũ lại được đặt ra: làm sao xây dựng văn hóa đọc cho người Việt? GS. TS Trần Hữu Tá băn khoăn: “Là nhà giáo, tôi ngờ là tình hình đọc sách gần đây trong các cấp học, ở khắp các địa phương cũng không sáng sủa gì. Không thể phủ nhận, từ cấp Mầm non - Tiểu học đến bậc Đại học, có một số thầy cô đã nêu gương hiếu học hết sức cảm động. Các bạn đồng nghiệp ấy đã quyết tâm cập nhật sự hiểu biết của mình bằng công phu tự học, bằng tinh thần cần cù đọc sách, dù hoàn cảnh kinh tế cũng chẳng hơn ai. Thế nhưng, số người đáng phục này chiếm mấy phần trăm trong non một triệu thầy cô? E rằng tỉ lệ này khó đạt đến 2 chữ số!”.
Cũng từ tâm tư ấy, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Cách làm giáo dục như ở ta hiện nay thì thật khó lòng mà có được thói quen ham mê đọc sách. Thường đến 20 tuổi rồi mà không hề biết đến ham thích và cái thú đọc sách thì cả đời sẽ khó lòng trở thành người ham đọc và biết đọc sách. Mà vì sao giáo dục của ta lại đi theo con đường tắc tị đó? Tôi đã có nhiều lần nói, nay xin được nói lại lần nữa: vì chính cái triết lý xã hội mà nền giáo dục của chúng ta theo đuổi. Đó là một nền giáo dục căn cứ trên niềm tin rằng có những chân lý tuyệt đối, bất biến, dạy học là truyền bá những chân lý đó, đi học là để thấm nhuần những chân lý đó đặng dùng suốt đời. Có thể nói, với kiểu giáo dục đó thì chẳng cần đọc sách làm gì!”
Có một sự thật khá đau lòng, các loại sách có nội dung dễ dãi bám theo đề tài tình – tiền – tù- tội thì lại bán chạy hơn những cuốn sách có giá trị nâng cao thẩm mỹ và tâm hồn cho con người hội nhập. Đi tìm lời giải cho thực trạng này không đơn giản, cần phải có điều tra xã hội học nghiêm túc và cần phải có những phương pháp thay đổi thiện chí.
Giáo sư Phong Lê gửi gắm ưu tư: “Người đọc, số đông vẫn còn thờ ơ với sách. Người ta dường như chưa được biết nhiều đến hiệu quả của một cách tự học bằng đọc các sách kiến thức nền, sách khoa học, kinh tế, sách công cụ... Sách có lẽ chưa được sử dụng tối đa với đúng nghĩa “nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn và bồi đắp tri thức”. So với người đọc ở nước ngoài, thì có lẽ, người đọc ở ta chuộng đọc báo hơn là đọc sách. Mà sách thì mới thực sự là thước đo dân trí”.