Với ý nghĩa tăng cường trao đổi kinh nghiệm và học hỏi từ các bạn bè quốc tế và cả trong nước về cách làm và tổ chức thực hiện.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo |
Theo Bộ NN – PTNT tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Chương trình OCOP, triển khai trên phạm vi cả nước. Đây là một giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM với trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể.
Chương trình đã xác định 6 nhóm hàng hoá, dịch vụ để thực hiện là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải - may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm và tích cực triển khai của các địa phương.
Học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là từ Nhật Bản, Thái Lan và kết quả triển khai tại tỉnh Quảng Ninh, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai Chương trình OCOP, đến nay đã có 18 tỉnh phê duyệt đề án, kế hoạch, 16 tỉnh phê duyệt đề cương. Số sản phẩm mục tiêu của nhóm tỉnh này đã đạt 1.570 sản phẩm gắn sao OCOP đến 2020.
Đây có thể xem là một lợi thế, nếu được chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách cụ thể, bài bản, đồng bộ, thì việc triển khai các nội dung Đề án Chương trình OCOP sẽ rất thuận lợi, tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới đi vào thực chất, bền vững.
Một điểm quan trọng trong Chương trình quốc gia OCOP, đó là phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, là một lợi thế rất lớn của các địa phương, nơi có sự đa dạng đặc biệt lớn về địa lý, bản sắc văn hóa dân tộc, các sản vật vùng miền.