| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai:

Hơn 100 hộ dân phải sống tạm bợ vì chưa có nơi đổ đất thải?

Thứ Sáu 23/10/2020 , 22:44 (GMT+7)

Nửa tháng nay, hơn 100 hộ dân phải sống cảnh tạm bợ, không thể thu dọn hàng nghìn khối đất sạt trượt vào nhà... vì chưa có nơi đổ đất thải.

Đất đá sạt trượt từ trên cao, khiến nhiều hộ dân không dám ở trong nhà của mình. Ảnh: H.Đ

Đất đá sạt trượt từ trên cao, khiến nhiều hộ dân không dám ở trong nhà của mình. Ảnh: H.Đ

Chưa thể sửa chữa nhà sau sạt lở

Tại khu vực tổ 1, thị trấn Bát Xát (Lào Cai), các hộ dân nằm ở mặt đường tỉnh lộ 156, có phía sau nhà giáp đồi núi, sau trận mưa lịch sử đêm 6/10, hàng nghìn khối đất đá đã sạt xuống nhà họ.

Nhà ông Nguyễn Văn Cổn (tổ 1) thiệt hại nặng, đất đá từ trên cao trượt xuống tràn vào sau nhà, làm nứt tường, hỏng hóc công trình phụ. Ước tính khối lượng đất đá sạt xuống khoảng 1.000 khối.

Cách đó không xa, tường sau nhà của ông Nguyễn Văn Vinh đã bị đổ sập, ngờm ngợp cả một núi đất sau nhà. Lo ngại nhất là nguy cơ sạt tiếp và an toàn tĩnh mạng, buộc ông Vinh cùng gia đình phải di tản đi ở nhờ người thân tại Bản Qua. Còn toàn bộ đồ đạc của gia đình ông đã được gửi tạm sang Nhà văn hoá.

Điều đáng nói là, đáng ra khi thấy sự cố sạt lở nguy hiểm đến tính mạng các hộ dân, chính quyền tỉnh, huyện phải sốt sắng hỗ trợ cư dân đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống thì thay vào đó những hộ dân trên lại chưa thể thu dọn khối đất đá khổng lồ, sửa chữa nhà cửa chỉ vì ... phải chờ chính quyền bố trí nơi đổ đất thải.

Ông Đào Văn Chiến – Tổ trưởng tổ 1, thị trấn Bát Xát – cho biết, sau mưa lũ 38 hộ dân trong tổ bị sạt lở đất vào phía sau nhà. Có nhiều hộ không thể ở nổi do công trình phụ hỏng, tường nhà bị nứt không còn an toàn. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với những người dân tổ 1 đó là thiếu chỗ đổ đất thải nên không thể khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

“Các hộ không vườn rừng phía sau nhà, thì hàng xóm sẵn sàng cho máy vào xúc đất đi. Tuy nhiên, khó khăn với chúng tôi lúc này là không có nơi đổ đất thải. Người dân cũng đã đề nghị thị trấn xem xét, sớm tìm nơi để đổ đất sạt lở vào nhà dân sau trận mưa lịch sử”, ông Chiến nói.

Ước tính chi phí di chuyển số đất đá của mỗi hộ lên tới hàng chục triệu đồng, chưa kể chi phí để sửa chữa nhà, xây lại công trình phụ rất tốn kém.

Theo thống kê hiện nay, toàn bộ thị trấn Bát Xát có 103 hộ gia đình bị ảnh hưởng cuộc sống do đất đá ở taluy sạt lở, đó là chưa kể tới các công trình xây dựng khác. 12 hộ đã phải di chuyển người và tài sản đến nơi ở khác.

Đất đá sạt lở làm sập tường nhà dân, nhưng không thể dọn đi do chưa có nơi đổ đất thải. Ảnh: H.Đ

Đất đá sạt lở làm sập tường nhà dân, nhưng không thể dọn đi do chưa có nơi đổ đất thải. Ảnh: H.Đ

Xử lý không nhanh, dân sẽ đổ đất bừa bãi

Theo UBND thị trấn Bát Xát, các cơ quan đoàn thể đã thăm nắm tình hình, động viên thăm hỏi và hỗ trợ tạm thời các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai. Đồng thời tuyên truyền vận động người dân chấp hành quy định của pháp luật về đất đai, tuyệt đối không được tự ý san tạo mặt bằng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chờ chỉ đạo và hướng dẫn khắc phục từ cấp trên.

Tuy nhiên, do thời gian sạt lở từ ngày 6/10 đến nay đã kéo dài hơn 15 ngày, các vị trí tường bị sạt lở không còn đủ khả năng để chịu lực, nhiều bức tường bị nứt vỡ, nước từ taluy dương theo khe nứt chảy tràn vào nhà dân dẫn đến nguy cơ đổ sập. Vì vậy, việc khắc phục ngay hậu quả mưa lũ là hết sức cần thiết.

Trong khi đó, một số tuyến đường dân sinh do có mật độ dân cư và các công trình lớn, mà mặt đường chỉ rộng từ 1 – 1,5m nên không thể sử dụng máy móc và phương tiện chuyên dụng để khắc phục…

Nhà văn hoá tại các tổ dân phố có người dân bị ảnh hưởng thiên tai tới nay cũng đã quá tải, không thể tiếp nhận thêm những trường hợp khác. Trong khi, nhiều hộ gia đình phải di chuyển người và tài sản để đảm bảo an toàn và tránh bị thiệt hại thêm.

Vướng mắc nhất trong việc khắc phục hậu quả mưa lũ là địa bàn thị trấn Bát Xát và các xã lân cận chưa có bãi đổ chất thải rắn mà khối lượng đất đá sạt lở lớn. Vì vậy, một số hộ dân tại thị trấn Bát Xát, các xã lân cận đã tự ý mang đổ chất thải rắn không đúng nơi quy định, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, ông Nguyễn Văn Lực – Chủ tịch UBND thị trấn Bát Xát – cho biết.

Ngoài ra, khu vực bị sạt lở không nằm trong diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất ở, nên việc cấp giấy phép cho người dân là không đủ điều kiện.

UBND thị trấn hiện đã kiến nghị UBND huyện, Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, cơ quan chuyên môn có hướng chỉ đạo để UBND thị trấn Bát Xát tổ chức khắc phục, tháo gỡ. Đặc biệt là có phương án san gạt, cắt mái đối với những khu vực taluy cao và có nguy cơ bị sạt lở, quy hoạch, xây dựng bãi đổ thải trên địa bàn thị trấn để ngăn chặn đổ thải trái quy định...

Trước đó, mưa lớn vào đêm 6/10/2020 gây ngập cục bộ, vỡ nhiều ao, hồ, gây sạt lở nhiều điểm dọc tuyến đường tỉnh lộ 156B, đường Kim Thành – Ngòi Phát, đường dân sinh tổ 1, tổ 10, đường dân sinh tổ 11, 12, 13, 14 của thị trấn Bát Xát.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.