| Hotline: 0983.970.780

Hơn 3.000ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp ở miền Trung

Thứ Ba 24/11/2020 , 21:06 (GMT+7)

Theo đánh giá nhanh của Viện Khoa học Nông nghiệp, sau đợt lũ lụt vừa qua có khoảng 3.100 ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp, trong đó nhiều nhất là Quảng Trị.

Khu đất bị vùi lấp ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Viện Khoa học Nông nghiệp VN.

Khu đất bị vùi lấp ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Viện Khoa học Nông nghiệp VN.

Từ 20-22/11, đoàn công tác của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã vào kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của lũ lụt và bão đến sản xuất nông nghiệp tại một số tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và đánh giá nhanh về tình hình sạt lở, bồi lấp đất sản xuất nông nghiệp tại một số tỉnh.

Theo báo cáo của các tỉnh, có khoảng 3.100 ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp, trong đó nhiều nhất là Quảng Trị, với khoảng 1.500 ha.

Đoàn đã đến kiểm tra một số điểm đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp. Cụ thể là xã Triệu Nguyên, huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị; xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị; xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; và xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi xem xét, lấy mẫu và trao đổi ngoài thực địa, đoàn có một số đánh giá chung về đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp là mức độ vùi lấp, lớp phủ bề mặt tại các điểm đất sản xuất nông nghiệp rất khác nhau, do đó khuyến cáo các giải pháp khắc phục cũng tùy thuộc vào đặc điểm của từng điểm cụ thể.

Do đó, đoàn công tác của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia các dạng đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp thành 4 nhóm.

Khu đất bị bồi lấp tại xã Triệu Nguyên, huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Viện Khoa học Nông nghiệp VN

Khu đất bị bồi lấp tại xã Triệu Nguyên, huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Viện Khoa học Nông nghiệp VN

Thứ nhất, những khu đất bị vùi lấp với độ dầy từ 50 cm đến trên 100 cm, lớp phủ không đồng nhất, bề mặt (0-15 cm) là tầng sét mịn, tiếp đó là các lớp cát mịn xen kẽ tầng hữu cơ, sét… (như ở xã Triệu Nguyên, huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị).

Với các vùng đất bị bồi lấp như vậy, đề nghị dọn sạch bề mặt, san nhẹ và chuyển đổi sang trồng màu (ngô, khoai, đậu các loại). Cần bổ sung nhiều phân hữu cơ, cày sâu để cải tạo tính chất vật lý tầng mặt.

Thứ hai, những khu đất bị vùi lấp với độ dầy 20-50 cm, lớp phủ khá đồng nhất, chủ yếu là cát mịn (như ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Với những khu đất diện tích bồi lấp không lớn, là khu ruộng đang trồng lúa, nếu muốn tiếp tục canh tác lúa thì phải thu gom và chuyển lớp đất cát này khỏi ruộng; có thể không cần thu gom, chỉ cần san đều ra xung quanh nếu lớp cát mịn < 10 cm.

Với những khu đất diện tích bồi lấp lớn, tầng bồi lấp dầy thì giải pháp tốt nhất là chuyển sang trồng màu (ngô, khoai, đậu các loại), chú ý cầy sâu và bổ sung nhiều phân hữu cơ để cải tạo đất (như khu đất dưới đập Trấm, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).

Thứ ba, khu đất bị vùi lấp với độ dầy lớn (> 50 cm), lớp phủ chủ yếu là sét (như ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Cần có giải pháp cải tạo tầng mặt như bón vôi và đặc biệt là bổ sung hữu cơ để cải tạo tính chất lý, hóa đất trước khi gieo trồng.

Và thứ tư là một số khu đất lớp phủ bề mặt chủ yếu là cát thô và sỏi sạn (như ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), chỉ có thể canh tác lại nếu chuyển lớp cát sỏi này ra ngoài khu ruộng.

Xem thêm
Kinh tế xã hội 11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng

Chiều 7/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Các trường phải đào tạo sao cho sinh viên tốt nghiệp có thể làm được ngay

Chiều 7/12 Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.