| Hotline: 0983.970.780

Hơn 400 tấn vàng nguy cơ nằm "chết" trong dân

Thứ Sáu 05/10/2012 , 09:14 (GMT+7)

Số vàng này tương đương với kho dự trữ ngoại hối hiện tại của cả nước và đang chờ phương án sử dụng hợp lý, khi chỉ còn hơn một tháng nữa các ngân hàng phải dừng hoàn toàn hoạt động huy động vàng.

Số vàng này tương đương với kho dự trữ ngoại hối hiện tại của cả nước và đang chờ phương án sử dụng hợp lý, khi chỉ còn hơn một tháng nữa các ngân hàng phải dừng hoàn toàn hoạt động huy động vàng.

Nếu đúng theo lộ trình, từ 25/11, tất cả các ngân hàng phải tất toán dư nợ huy động vàng để bắt đầu cho giai đoạn "biệt ly" với vàng. Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra phương án làm gì với số tài sản khổng lồ mà người dân đang nắm giữ.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo "Làm thế nào để huy động nguồn lực vàng trong dân" ngày 4/10, căn cứ vào số liệu thống kê của các ngân hàng Thụy Sĩ - nơi cung vàng chủ yếu cho thị trường Việt Nam, tổng lượng vàng nhập về nội địa trong giai đoạn 1990 - 2011 khoảng 500 tấn, trong đó năm thấp nhất là 5 tấn và cao nhất là 80 tấn.

Cũng trong khoảng thời gian này, lượng vàng miếng xuất sang các ngân hàng Thụy Sĩ trung bình khoảng 1 tấn mỗi năm, tối đa đạt 20 tấn một năm trong giai đoạn 2007 - 2009. Lượng vàng gửi tiết kiệm tại các ngân hàng Việt Nam khoảng 100 tấn.


Huy động vàng trong dân vẫn chưa có lời đáp

Như vậy, khoảng 400 tấn vàng còn lại vẫn được nắm giữ rải rác trong dân. Nếu quy đổi ngang giá 1.700 USD một ounce thì lượng vàng này tương đương 22 tỷ USD, xấp xỉ dự trữ ngoại hối hiện có.

Theo ông Hùng, nếu huy động được khoảng một nửa số vàng trong dân này thì ít nhất cũng có 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, cần phải đảm bảo yếu tố ổn định cả về mặt chính sách vĩ mô lẫn điều kiện thực thi nhất quán, trên cơ sở cân đối giữa lợi ích của Nhà nước, tổ chức đầu tư, kinh doanh vàng cũng như người dân.

Về phương thức huy động, ông Hùng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên đứng ra phát hành chứng chỉ huy động vàng thì người dân mới tin tưởng. Tuy nhiên, vì Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nên không trực tiếp đứng ra làm mà có thể ủy quyền cho các ngân hàng thương mại thực hiện dưới vai trò đại lý phát hành chứng chỉ và được hưởng chiết khấu hoa hồng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng tán đồng việc phát hành chứng chỉ vàng. Tuy nhiên, trước mắt, ông Long cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên gia hạn thêm ngày chấm dứt việc huy động vàng của ngân hàng thương mại để giảm bớt áp lực lên giá cả thị trường.

Sau đó, cơ quan này có thể xem xét khả năng đứng ra nhập khẩu vàng để giải quyết thanh khoản cho các nhà băng, xem đây là cơ hội cuối cùng để các ngân hàng giải quyết dứt điểm những tồn tại về vàng.

Khi đã ổn định trạng thái vàng của các nhà băng, Ngân hàng Nhà nước mới nên nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân. Lần này không để các nhà băng kinh doanh nữa mà Ngân hàng trung ương sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về. Số vàng này dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài vay ngoại tệ với lãi suất hợp lý đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội.

"Điều này sẽ huy động được một nguồn lực tài chính quan trọng trong dân thay vì bất động, mà người dân cũng tiếp tục được sở hữu vàng", ông Long nói. Tuy nhiên, bản thân ông Long cũng cho là không dễ thực hiện phương án này. Thậm chí, nếu triển khai thành công thì sẽ sử dụng số tiền này vào đâu. " Vì nếu để nó đến những điểm không đúng địa chỉ lại thành ra hại dân hại nước", ông lưu ý.

Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn cũng tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của việc Nhà nước đứng ra huy động vàng của dân. Bởi theo ông, nếu huy động vàng xong rồi sẽ kinh doanh số vàng này như thế nào cho hiệu quả. Đây không phải là bài toán đơn giản. Kinh tế vĩ mô không phải là yêu cầu dân đem vàng gửi vào để Nhà nước kinh doanh, bởi chưa chắc Nhà nước kinh doanh giỏi hơn dân.

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí còn chỉ ra bất cập, nếu Ngân hàng Nhà nước huy động vàng để chuyển đổi sang ngoại tệ và sau cùng biến thành vốn tín dụng cho nền kinh tế thì ai sẽ chịu trách nhiệm trả lại vàng cho dân nếu giá vàng thế giới tăng vọt từ mức 1.780 USD lên trên 2.000 USD một ounce.

Theo ông Chí, Nhà nước nên tránh can thiệp cũng như tránh huy động vàng, chỉ nên hạn chế dùng vàng làm phương tiện thanh toán để nâng cao sự ổn định và vị thế của tiền đồng. Ông cũng đề nghị Nhà nước nên xem xét đưa vàng vào dự trữ ngoại hối quốc gia theo một tỷ lệ nhất định thay vì chỉ dự trữ ngoại tệ (tiền) như hiện nay nhằm đảm bảo tài sản của quốc gia và tránh những rủi ro.

Ông Nguyễn Đại Lai, chuyên viên Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng Ngân hàng trung ương chỉ nên quản lý vàng trong cấu thành dự trữ ngoại hối Nhà nước bằng vàng thỏi, chuẩn quốc gia đồng thời là chuẩn quốc tế.

Tất cả các loại vàng còn lại, cả vàng với tư cách ngoại hối thông thường lẫn vàng mỹ nghệ, trang sức trên thị trường nên được tư do trao đổi, mua bán, bao gồm cả tự do nhập và tự do có điều kiện khi xuất khẩu. "Tuy nhiên, phải tuyệt đối cấm dùng vàng làm phương tiện thanh toán", ông Lai nói.

Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ rằng, làm gì thì cũng phải duy trì một truyền thống của người Viêt Nam là cất trữ tài sản dưới dạng vàng (thông dụng hiện nay là vàng miếng). Tuy nhiên, khi nền kinh tế khó khăn thì chúng ta không thể để vàng trong dân thành tài sản chết mà phải cho nó lưu thông vào nền kinh tế nhưng không phải như cách quản lý vàng miếng hiện nay là độc quyền doanh nghiệp".

Chúng ta không biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp", ông Lịch nói.

Từ chỗ đó, ông Lịch cho rằng, khi đã thừa nhận quyền giữ vàng của dân thì nên làm sao để có sự cạnh tranh, dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Về huy động, ông cho rằng vẫn cho phép ngân hàng thương mại huy động vàng thật chứ không phải vàng ảo.

Trong khi đó, ông Hoàng Huy Hà, đến từ Ngân hàng BIDV cho rằng Sàn giao dịch vàng Quốc gia là giải pháp phù hợp để tổ chức lại hoạt động thị trường vàng Việt Nam và huy đông nguồn lực vàng trong dân.

Ông khẳng định việc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia sẽ tạo ra một mặt bằng thị trường, tạo ra sân chơi chung cho các nhà đầu tư. Đồng thời, đảm bảo thị trường được vận hành một cách an toàn, minh bạch, có kiểm soát, không chỉ hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội, mà còn huy động được nguồn lực vàng đang còn tích trữ trong dân.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm