| Hotline: 0983.970.780

Hơn 600 tỷ đồng bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn Kiên Giang và Cà Mau

Thứ Sáu 22/05/2020 , 16:54 (GMT+7)

Nguồn kinh phí trên nhằm phòng chống chống sạt lở, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng ven biển, cải thiện mức sống của người dân vùng ven biển.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Trung Chánh.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Trung Chánh.

Sáng 22/5, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị khởi động dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau”. Tham dự có Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, đại diện các bộ, ngành Trung ương, nhà tài trợ KFW và lãnh đạo 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.

Dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau”, thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2022, với tổng nguồn vốn là 24 triệu Euro, tương đương khoảng hơn 600 tỷ đồng.

Trong đó, vốn vay ưu đãi của Chính phủ Đức thông qua ngân hàng tái thiết Đức (KFW) là 18 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 6 triệu Euro.

Các đại biểu nhấn nút khởi động dự án. Ảnh: Trung Chánh.

Các đại biểu nhấn nút khởi động dự án. Ảnh: Trung Chánh.

Đây là dự án đầu tiên trong  khu vực sẽ áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình nhằm đạt được các mục tiêu gồm: phòng chống thiên tai, chống sạt lở, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng ven biển, cải thiện mức sống của người dân vùng ven biển.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ có khoảng 2.800 ha diện tích rừng ngập mặn được phát triển và bảo vệ, cùng với 19 km đê biển và kè chắn sóng được nâng cấp và cải tạo. Từ đó, góp phần bảo vệ tuyến đê biển, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ gần 300.000 ha nuôi trồng thủy sản và gần 56.000 ha đất trồng lúa, với khoảng 18.000 người dân thuộc 6 huyện ven biển của  2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau được hưởng lợi.

Dự án sẽ góp phần bảo vệ, khôi phục hàng ngàn ha rừng ngập mặn ven biển. Ảnh: Trung Chánh.

Dự án sẽ góp phần bảo vệ, khôi phục hàng ngàn ha rừng ngập mặn ven biển. Ảnh: Trung Chánh.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, tác động của biến đổi khí hậu đối với đất nước ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt là tại vùng ĐBSCL thì Kiên Giang và Cà Mau là 2 tỉnh bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, thể hiện rõ nhất qua việc sạt lở ven biển cũng như sụt lún đất.

Vì vậy, việc triển khai các công trình, bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn ven biển, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân ven biển là rất quan trọng. Chúng ta đã được Chính phủ Đức, thông qua ngân hàng KFW cho vay ưu đãi triển khai dự án này vừa hỗ trợ về công trình và phi công trình. Trên cơ sở quan điểm là quản lý theo hệ sinh thái ven bờ, để xử lý căn cơ tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, khô hạn, đặc biệt là khắc phục những khu vực có nguy cơ cao về xâm nhập của nước biển vào nội đồng.  

Sạt lở đê biển tại Kiên Giang ngày càng diễn ra nghiêm trọng, rất cần có các giải pháp bảo vệ hữu hiệu. Ảnh: Trung Chánh.

Sạt lở đê biển tại Kiên Giang ngày càng diễn ra nghiêm trọng, rất cần có các giải pháp bảo vệ hữu hiệu. Ảnh: Trung Chánh.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau tích hợp dự án này vào chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu và quy hoạch hệ sinh thái ven biển. Dự án phải được triển khai theo nguyên tắc thuận thiên và là một trong những nguồn lực để chúng ta thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.