| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở đê biển, uy hiếp hàng trăm hộ dân

Thứ Ba 02/10/2012 , 09:39 (GMT+7)

Tình trạng biển xâm thực tại khu vực Cồn Đâu và thôn Thái Dương Hạ Nam (xã Hải Dương, TX Hương Trà, TT- Huế) đã khiến 200 hộ dân phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ...

Tình trạng biển xâm thực tại khu vực Cồn Đâu và thôn Thái Dương Hạ Nam (xã Hải Dương, TX Hương Trà, TT- Huế) đã khiến 200 hộ dân phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ cùng khối tài sản bao gồm hàng chục ha tôm, lồng cá nguy cơ bị nuốt trước miệng “hà bá”!

Những ngày giáp mùa mưa bão, khu vực Cồn Đâu và thôn Thái Dương Hạ của xã Hải Dương bị biển xâm thực nghiêm trọng với từng cột sóng cao ngất. Nhiều nơi sau mỗi đợt sóng vỗ mạnh, hàng phi lao, vực cát lại bị khoét sâu vào đất liền theo từng ngày. Tuyến đường bê tông được xã tiến hành xây dựng từ năm 2010 với chiều dài gần 500m để người dân thuận lợi đi ra đầm tôm cũng bị khoét “hàm ếch” làm sạt lún, không đi lại được. Xã phải bỏ nguồn kinh phí xây dựng tuyến đường mới.

Ông Trần Văn Khánh, Trưởng thôn Thái Dương Hạ, lo lắng: “Từ khi tuyến đê biển bắc Thuận An được xây dựng, tình trạng sạt lở ở khu vực này càng mạnh hơn. Mỗi năm ăn sâu vào từ 5-7m, có nơi hiện tại đã ăn sâu vào 50-60m, với chiều dài hơn 500m, chỉ cách hồ tôm của bà con một quãng ngắn nữa thôi. Nguy cơ mở cửa biển mới nếu không có biện pháp đầu tư xây dựng hệ thống kè chắn kịp thời".

Hàng trăm hộ dân ở thôn Thái Dương Hạ Nam trú trong các khu vực đầm tôm hiện đang rất lo lắng bởi tình trạng sạt lở ngày càng mạnh. Họ không chỉ lo cho nhà cửa mà còn hàng trăm ha tôm, lồng cá đang thả nuôi tại đây có thể bị “nuốt chửng” một khi cửa biển mới được hình thành.

Chỉ tay nơi hàng dương còn sót lại, ông Phan Lân, một hộ dân ở đây cho biết: “Trước năm 1985, nơi đây là đền thờ của làng, giờ biển xâm thực không còn dấu vết gì. Từ năm 2011 đến nay, chỉ trong một năm mà bờ biển đã bì ăn sâu vào hàng chục mét. Mấy chục hộ dân chúng tôi đang nuôi tôm cá ở đây rất lo lắng, bởi bao nhiêu vốn liếng tài sản đều đổ vào “canh bạc” này cả. Mất xem như là hết!”

Hộ ông Phan Lân đang nuôi trồng tại đây 2ha tôm cùng 10 lồng cá chẽm, từ ngày biển sạt lở mạnh hơn, ông như đứng ngồi không yên, nơm nớp lo sợ. Theo thống kê của UBND xã Hải Dương, hiện tại khu vực Cồn Đâu và Thái Dương Hạ Nam còn hơn 10ha tôm cùng 300 lồng cá của hàng trăm hộ dân đang nuôi trồng tại đây. Nếu tình trạng xâm thực biển tiếp diễn, không chỉ 10ha tôm cá bị ảnh hưởng môi trường nước mà có khoảng 40ha (chiếm 50% diện tích) nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã.

Tình trạng biển xâm thực diễn ra mạnh mẽ, uy hiếp hàng trăm hộ dân cùng khối lượng tài sản lớn. Tuy nhiên, vấn đề xây kè chống sạt lở vẫn chưa được tính đến bởi nguồn vốn rất khó khăn. Ông Đỗ Khắc Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Hải Dương, cho biết: “Tháng 6/2012 vừa qua Ban Chỉ huy Phòng chóng lụt bão tỉnh TT- Huế hỗ trợ kinh phí mua 100 rọ sắt, 7.000 bao cát, 30m vải bạt. Xã cũng huy động 400 nhân công gia cố bờ kè dài hơn 300m nhưng đợt triều cường tháng trước đã “thổi” bay hết số vật liệu này. Trước tình trạng trên, vừa rồi thị xã Hương Trà cũng trích kinh phí phòng chống lụt bão của năm 2011 hỗ trợ 50 triệu đồng vật tư, rọ sắt, bạt… để tiếp tục gia cố bờ kè trước mùa mưa bão đang đến gần. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương thiết tha đề nghị được xây dựng tuyến kè chống sạt lở chứ không thể tiếp tục những giải pháp mang tính chắp vá, tạm thời này được".

Ông Lộc cho biết thêm, điều lo ngại nhất là tình trạng biển xâm thực ở Hải Dương không chỉ ảnh hưởng đến nhà cửa mà còn làm nghề nuôi trồng thủy sản - hướng kinh tế mũi nhọn của xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì môi trường nuôi bị thay đổi.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.