| Hotline: 0983.970.780

Hơn một thập kỷ 'ăn ngủ' với nấm, lão nông thu lãi 300 triệu đồng/năm

Thứ Sáu 15/03/2024 , 06:15 (GMT+7)

Hà Tĩnh Vượt qua thử thách giai đoạn đầu, gia đình ông Nguyễn Tường đã thành công với nghề trồng nấm, mỗi năm bán ra thị trường 15 tấn nấm các loại, thu lợi nhuận 300 triệu/năm.

Ông Nguyễn Tường (SN 1964), ở thôn Hồng Hoa, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) “bén duyên” với nghề trồng nấm từ cuối năm 2009. Thời gian đầu, do kinh tế eo hẹp nên gia đình ông chỉ trồng nấm sò trên diện tích hơn 30m2 và sản phẩm chủ yếu đang bán nhỏ lẻ ở chợ quê.

Cơ sở sản xuất nấm của hộ ông Tường mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 15 tấn nấm các loại, lợi nhuận thu về gần 300 triệu đồng. Ảnh: TN.

Cơ sở sản xuất nấm của hộ ông Tường mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 15 tấn nấm các loại, lợi nhuận thu về gần 300 triệu đồng. Ảnh: TN.

“Những năm đầu, tôi chọn hướng đi “lấy ngắn nuôi dài”, mỗi năm chỉ trồng vài nghìn bịch nấm sò. Trong hành trình khởi nghiệp, tôi đã nhiều lần vấp váp, mất trắng hàng chục triệu đồng do không có kinh nghiệm và chưa làm chủ được khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất. Tuy nhiên, sau mỗi lần thất bại, tôi mạnh dạn vay vốn tiếp tục đầu tư, đúc rút kinh nghiệm. Sự kiên trì ấy giúp tôi đứng vững với nghề trồng nấm đến hôm nay”, ông Tường trải lòng.

Sau 15 năm “nếm mật nằm gai”, cơ sở sản xuất nấm của ông Tường mở rộng diện tích sản xuất lên 600m2. Trong đó, diện tích trồng nấm sò gần 500m2, số còn lại là mộc nhĩ và nấm linh chi. Để cây nấm có điều kiện sinh trưởng tốt nhất, trước mỗi mùa vụ, ông Tường thuê 5 - 6 nhân công đảm nhận các công việc như đóng phôi, treo nấm, chăm sóc cây.

Theo chủ cơ sở, nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... nên người sản xuất phải luôn chú trọng việc theo dõi, khắc chế các yếu tố bất lợi. Đối với mỗi loại nấm sẽ có thời gian sinh trưởng và phát triển khác nhau, như mộc nhĩ từ lúc cấy giống đến khi thu hoạch mất khoảng hơn 3 tháng, nấm linh chi là 5 tháng, còn nấm sò 4 tháng.

Theo bà Lê Thị Hà, muốn thu được sản phẩm đảm bảo chất lượng, việc chọn nguyên liệu, nguồn nước và môi trường nhà xưởng đều phải sạch sẽ. Ảnh: TN.

Theo bà Lê Thị Hà, muốn thu được sản phẩm đảm bảo chất lượng, việc chọn nguyên liệu, nguồn nước và môi trường nhà xưởng đều phải sạch sẽ. Ảnh: TN.

Để nấm đạt chất lượng tốt, sản lượng cao, quan trọng nhất là khâu chọn giống, đến cách ủ nguồn nguyên liệu theo tiêu chí lựa chọn kĩ càng, sạch sẽ. Ngoài ra, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tưới nước sạch, vệ sinh nhà xưởng hằng ngày.

 Chất lượng sản phẩm đạt chuẩn, quy trình sản xuất sạch đã giúp thương hiệu nấm của cơ sở đạt chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm 2023. Đầu ra sản phẩm ngoài tiêu thụ trong tỉnh, cơ sở còn cung cấp cho các chợ đầu mối ở tỉnh Nghệ An và khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook.

“Vợ chồng tôi đã lắp đặt hệ thống giàn phun nước bán tự động, giúp cho việc điều chỉnh độ ẩm thuận tiện hơn. Nhờ vậy, sản phẩm cung cấp ra thị trường luôn đảm bảo yếu tố ngon, sạch và an toàn cho sức khoẻ”, bà Lê Thị Hà, vợ ông Tường vừa giới thiệu từng quy trình sản xuất nấm của cơ sở vừa nói.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm sạch bệnh, ông Tường cho biết, đều đặn mỗi ngày, vợ chồng ông thay nhau kiểm tra sự phát triển của nấm, theo dõi quá trình sinh trưởng để kịp thời phát hiện các yếu tố gây hại, loại bỏ những bịch nấm có dấu hiệu kém phát triển, bị bệnh. Đồng thời, thực hiện việc thu hoạch theo đúng thời gian.

Riêng nấm mộc nhĩ, rất thích hợp trồng trong thời tiết nóng ẩm nhưng điều này tạo môi trường thuận lợi cho ruồi, muỗi ký sinh đẻ trứng phá hoại phôi hay nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng... Do đó, người trồng phải lựa chọn nguồn nước sạch, không tưới quá nhiều; giữ nhà xưởng sạch sẽ, thông thoáng để tăng sức đề kháng cho cây nấm.

Sau thành công với nấm sò, nấm mộc nhĩ, ông Nguyễn Tường thử nghiệm trồng thêm nấm linh chi và đang bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên.

Sản phẩm cơ sở sản xuất chủ yếu là nấm sò. Ảnh: TN.

Sản phẩm cơ sở sản xuất chủ yếu là nấm sò. Ảnh: TN.

Theo chia sẻ của chủ cơ sở, bình quân mỗi năm, gia đình cung cấp ra thị trường hơn 15 tấn nấm các loại. Hiện giá bán của nấm sò tươi là 40.000 đồng/kg, mộc nhĩ 250.000 đồng/kg và nấm linh chi gần 2 triệu đồng/kg. Với giá bán ổn định trên, đem lại doanh thu cho cơ sở trên 600 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng.

Sắp tới, cơ sở của ông Tường tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt là nấm linh chi và mộc nhĩ. Đồng thời, mạnh dạn đầu tư thêm các máy móc hiện đại nhằm chế biến sâu các sản phẩm để vừa tăng thu nhập, tạo việc làm cho con em địa phương, vừa góp phần đưa sản phẩm nấm “Made in Đức Thọ” vươn xa.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.