Ngày 14/1, tại Hà Nội, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Tập đoàn Dabaco, Tập đoàn CEVA và Tập đoàn RTD tổ chức Lễ kí kết “Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và vắc xin lở mồm long móng”.
Lễ kí kết “Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và vắc xin lở mồm long móng”. |
Trong năm 2019, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh lở mồm long móng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chăn nuôi cũng như việc xuất khẩu thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn của Việt Nam sang các nước.
Những tháng cuối năm 2019, ngành chăn nuôi Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh. Từ việc bị động chạy theo dịch thì giờ đây người chăn nuôi đã có thể chủ động giám sát, cảnh báo, ứng phó và xử lý kịp thời tất cả các ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện và còn ở phạm vi nhỏ hẹp.
Trong thời gian qua, về cơ bản dịch bệnh lở mồm long móng đã được khống chế trên phạm vi toàn quốc, chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi chưa tiêm phòng vắc xin hoặc các hộ mua, nhận gia súc không rõ nguồn gốc.
Đối với Dịch tả lợn Châu Phi tuy chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng đã nỗ lực ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất có thể. Dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay. Hiện tại, có 11 tỉnh đã có 100% số xã đã qua 30 ngày và 37 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá rất cao công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác nghiên cứu phát triển sản xuất vắc xin dịch bệnh, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, khẳng định: “Việc hợp tác nghiên cứu để phát triển sản xuất vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng tại Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết cho chiến lược phòng chống dịch bệnh của ngành".