Khử trùng là nguyên tắc quan trọng trong chăn nuôi an toàn sinh học. |
Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, chăn nuôi lợn chiếm vị trí quan trọng trong sản phẩm ngành chăn nuôi. Vấn đề an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn được Bộ NN-PTNT quan tâm, ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở Việt Nam làm tổng đàn lợn giảm mạnh. Tính đến ngày 25/11, DTLCP đã xảy ra tại trên 8.500 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy khoảng 337.000 tấn thịt.
Song, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương nên DTLCP đã được kiểm soát, số lượng lợn tiêu hủy giảm so với các tháng trước. Nhiều địa phương chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn nhằm hạn chế dịch bệnh trên đàn lợn và đảm bảo sản phẩm thịt lợn cho nhu cầu cuối năm.
Cũng theo bà Hạnh, đến nay đã có khoảng 56% tổng số xã có dịch đã qua 30 ngày và có 11 tỉnh, thành phố có 85% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh như: Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Bình… Tỉnh Hưng Yên đã công bố hết dịch.
“Trong thời gian qua, chăn nuôi an toàn sinh học được cả ngành chăn nuôi chú trọng. Nhất là trong tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học đã qua được “cơn bão” này. Điều đó chứng tỏ chăn nuôi an toàn sinh học là “vũ khí” tối ưu giúp ngành chăn nuôi lợn đảm bảo tính bền vững”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Bắc Ninh là tỉnh thứ 18 trên cả nước dính DTLCP. Từ ngày 13/3 - 18/11/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 12.445 hộ, 662 thôn, khu thuộc địa bàn 124 xã, phường của 8/8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh làm 131.087 con lợn mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng là hơn 9 tấn thịt lợn. Ước tính thiệt hại khoảng 400 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Ninh chia sẻ, với nhiều giải pháp đồng bộ như thay đổi phương thức chăn nuôi, giết mổ, đặc biệt là áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn nên đã hạn chế được thiệt hại do DTLCP gây ra.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 113 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới; 10 xã, phường qua 30 ngày không tái phát dịch.
Chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa và hạn chế lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra, gây hại đến con người, gia súc và hệ sinh thái. Hay nói cách khác, chăn nuôi an toàn sinh học là “tổng thể các biện pháp ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh”.
Tại diễn đàn, Ban chủ tọa và Ban cố vấn đã giải đáp hàng chục câu hỏi của bà con trực tiếp chăn nuôi lợn. Các câu hỏi tập trung vào vấn đề an toàn sinh học, kỹ thuật chăn nuôi, giải pháp phòng chống DTLCP, cách tái đàn sau khi đã dính dịch, chính sách hỗ trợ… |
Để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả cao, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó phòng Khuyến nông, Chăn nuôi và Thú y (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) chia sẻ, người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm ngặt 3 nguyên tắc cơ bản trong chăn nuôi an toàn.
Một là, cách ly và kiểm soát vào, ra khu vực chăn nuôi (trại chăn nuôi). Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, hữu hiệu nhất, ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh.
Hai là, vệ sinh làm sạch. Việc vệ sinh, làm sạch chuồng nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi là biện pháp hiệu quả trong việc thực hiện chăn nuôi an toàn, giúp loại bỏ trên 80% lây nhiễm mầm bệnh nếu tất cả các chất bẩn được làm sạch.
Ba là, khử trùng. Đây là nguyên tắc cuối cùng trong chăn nuôi an toàn sinh học, nhằm tiêu diệt những mầm bệnh còn sót lại sau khi đã vệ sinh, làm sạch chuồng trại, dụng cụ và thiết bị phục vụ chăn nuôi. Tuy nhiên, hiệu quả tùy thuộc vào chất lượng vệ sinh làm sạch.