| Hotline: 0983.970.780

Ghi nhận ở tỉnh đầu tiên hết dịch tả lợn châu Phi

Thứ Hai 02/12/2019 , 22:37 (GMT+7)

Hưng Yên là tỉnh đầu tiên bùng phát dịch tả lợn Châu Phi nhưng cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn toàn hết dịch.

Theo thống kê của Chi cục Thú y Hưng Yên, từ ngày 15/9 đến nay, không có địa phương nào báo cáo phát sinh lợn ốm, lợn bệnh phải tiêu hủy. Đã qua 2 tháng các vùng dịch trước đây đều đã khống chế được dịch tả lợn Châu Phi, 151/151 xã, phường, thị trấn công bố hết dịch bệnh này.

Sau khi công bố hết dịch, tỉnh đang tập trung cho việc tăng đàn, tái đàn. Tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có hơn 400.000 con. Trong đó, tổng số lợn nái, lợn hậu bị khoảng 80.000 con. Các trang trại chăn nuôi tập trung vẫn còn số lượng lợn lớn.

HTX Chăn nuôi hữu cơ Hợp Phát tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chăn nuôi thú y tỉnh Hưng Yên, dù dịch đã chấm dứt nhưng tỉnh chủ trương chỉ được tái đàn ở những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học như: chuồng trại khép kín, xa nơi ở, cách ly với người và các phương tiện ra, vào trang trại; thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng; lợn giống khi nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y, lấy mẫu âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi và phải nuôi cách ly một thời gian để theo dõi rồi mới cho nhập đàn; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin bắt buộc theo quy định...

Cùng đó, việc tái đàn phải theo lộ trình từng bước, tránh tái đàn ồ ạt. Nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu 100% mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng tăng dần.

Để phòng tránh dịch bệnh, toàn tỉnh Hưng Yên đang triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Chi cục Thú y tỉnh đã cấp phát 17.000 lít hóa chất khử trùng Sakan - Povidine 10% tới trạm thú y các huyện, thành phố, thị xã.

Mỗi huyện, thành phố, thị xã được cấp từ 1.600-2.600 lít hóa chất khử trùng, ưu tiên phun khử trùng tại những nơi có ổ dịch cũ, khu vực chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm...

Các huyện, thành phố, thị xã và các hộ chăn nuôi trong tỉnh chủ động trích kinh phí mua hóa chất, vôi bột, phương tiện để đồng loạt thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng môi trường chăn nuôi.

Dù dịch đã chấm dứt nhưng tỉnh chủ trương chỉ được tái đàn ở những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HTX Chăn nuôi hữu cơ Hợp Phát (thôn Dũng Tiến, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết: HTX hiện đang có 7 thành viên thì 6 hộ tham gia chăn nuôi lợn với tổng đàn khoảng 5500 con và một gia đình phụ trách lò mổ chung. Trong đợt dịch vừa qua, HTX cũng có 1 vài ô chuồng bị mắc bệnh rất may lượng lợn phải tiêu hủy cũng không lớn.

Sau khi biết được thông tin toàn tỉnh đã hết dịch, chúng tôi đã bắt đầu tiến hành tái đàn với lượng nhỏ. Qua một thời gian tái đàn thăm dò thấy tình hình lứa lợn mới đều ổn định, HTX đã quyết định cho các hộ quay trở lại tái đàn bình thường. Còn đối với các ô chuồng từng bị nhiễm bệnh, HTX vẫn khuyến cáo bà con để trống và tăng cường tiêu độc, khử trùng chuồng.

Cùng đó, HTX tăng cường tiến hành giám sát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc công nhân ra vào trại. HTX cũng đã xây dựng khu nhà riêng cho công nhân ở trại để đảm bảo không bị mang mầm bệnh từ nơi khác vào. Khi công nhân từ khu nhà ở vào trại sẽ được phun sát trùng và đợi 3 tiếng sau mới được đi vào trại chăm sóc. HTX đã xây những lối riêng để lùa lợn xuất bán.

Tại lối đi này đã xây dựng một hố sát trùng, công nhân lùa lợn đến gần hố sát trùng thì dừng lại để cho người ở ngoài thu mua lợn lên xe để tránh mang mầm bệnh ngược vào trại.

Ngoài ra, HTX cũng đang tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng trong trại và xung quanh trại 2 ngày một lần. Các xe trở cám và vận chuyển lợn đều được phun khử trùng kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, giống thì được HTX chủ động tự gây, cám thì lựa chọn của các công ty lớn có trại chăn nuôi để đảm bảo chất lượng.

Ông Hoàng cho biết thêm: Chúng tôi hiện đang có khoảng 1.000 con đang đủ điều kiện xuất bán. Cứ với đà này trong thời gian tới, HTX sẽ tiến hành tăng cường tái đàn, tuy nhiên vẫn phải thật thận trọng vì dịch bệnh tồn tại trong môi trường rất lâu và nguy cơ đến từ bên ngoài. Do vậy, HTX sẽ càng phải chặt chẽ hơn trong khâu phòng bệnh từ xa và tăng cường tiêu độc, khửu trùng. 

"Riêng các các hộ, trang trại chăn nuôi lợn xen kẹp trong khu dân cư, không đảm bảo an toàn dịch bệnh nên dừng chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường và tránh tái dịch trở lại, đồng thời chuyển đổi chăn nuôi sang các con vật khác. Các hộ, trang trại, cơ sở chăn nuôi có đủ điều kiện khi nhập lợn về nuôi phải khai báo với UBND cấp xã và theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương", ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chăn nuôi thú y tỉnh Hưng Yên.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.