| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã kiểu mới nâng tầm nông thôn mới

Thứ Ba 06/08/2019 , 09:06 (GMT+7)

Vào năm 2010, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp kiểu mới Hoành Vinh, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) được thành lập.

15-27-10_nnvn__1-_mot_goc_cnh_dong_on
Một góc cánh đồng lớn ở Hoành Vinh.

Nhờ làm tốt vai trò dịch vụ hậu cần, HTX thực sự là bà đỡ trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới (NTM) trên địa bàn xã An Ninh.
 

Kiến thiết cánh đồng lớn

Ông Võ Doãn Dực, Giám đốc HTX cho rằng, nhiệm vụ quan trọng của Hoành Vinh là tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn tiêu điểm đưa được cơ giới vào trên đồng ruộng. Theo đó, Hoành Vinh đã đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống đê bao với tổng chiều dài gần 50 km. “Mỗi tuyến đê được thiết kế bề mặt đê rộng từ 4 - 6m tùy theo vị trí tạo điều kiện thuận lợi cho máy móc và xe cơ giới vận hành”, ông Dực nhấn mạnh.

Theo đó, trên cánh đồng lớn của HTX Hoành Vinh có 7 tuyến đê dọc, mỗi tuyến dài 2,7 km, 14 tuyến đê ngang, mỗi tuyến 2 km. Dọc hệ thống đê bao là các tuyến kênh mương nội đồng hoàn chỉnh. Nhờ hệ thống đê bao liên hoàn và các tuyến kênh mương nội đồng khá kiên cố nên khi lũ tiểu mãn về sớm, kết quả là cánh đồng hơn 378 ha của Hoành Vinh vẫn trụ vững trong mưa lũ. Ngoài ra, hệ thống đã đảm bảo đủ nước tưới và chống hạn rất có hiệu quả vụ hè thu.

Vụ ĐX vừa qua, nhờ làm tốt các khâu dịch vụ từ làm đất, bón phân, chọn bộ giống thích hợp nên năng suất lúa của Hoành Vinh cao nhất từ trước đến nay. Cùng đi ra cánh đồng lớn, ông Dực nói như khoe: “Năm nay được mùa lớn nên bà con ai cũng phấn khởi. Năm ngoái trung bình đạt 74 tạ/ha, năm nay trên 75 tạ/ha. Gần chục năm nay, năng suất lúa luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh. Khó địa phương nào năng suất lúa vượt qua chúng tôi”.

Mùa hè năm nay, Hoành Vinh cũng được xem là vùng “tử địa” khô khát. Hàng trăm giếng đào, giếng khoan cạn kiệt nước. Hầu hết người dân lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trước tình hình đó, lãnh đạo HTX họp gấp bàn tính trợ giúp người dân đưa nước sạch về.

Ông Dực lại tất tả lên huyện, lên tỉnh tìm hiểu và ra quyết định lấy nguồn từ HTX hơn nửa tỷ đồng mua vật liệu, thuê nhân công và hợp đồng với Công ty cấp thoát nước tỉnh về gấp rút thi công tuyến đường ống dẫn nước sạch cách xa gần 2 cây số về tận trung tâm thôn.

Có năm, lũ lụt không có, chuột phát triển mạnh phá hoại mùa màng kinh khủng. HTX Hoành Vinh chi ra gần cả tỷ đồng mua nilon về che hết các cánh đồng. Đồng thời mua bả diệt chuột sinh học, các loại bẫy chuột thủ công, phát động nhân dân diệt chuột. Kết quả là năm đó, bà con Hoành Vinh trúng mùa lớn.

Một tuần sau đó, cả thôn Hoành Vinh vui như ngày hội khi tuyến nước sạch hoàn thành. Đón dòng nước mát giữa cái hạn khô cháy ai cũng vui mừng.

Ông Võ Văn Thế ở gần ngoài rìa thôn đang tính toán chi phí nối ống đưa nước về nhà: “Tôi tính kêu thợ khoan giếng về khoan lấy nước sinh hoạt. Trước đây dự kiến chi phí trên 15 triệu đồng mới có nước mà chưa biết có phèn, có lợ hay không. Nay chỉ bỏ ra 2-3 triệu mua ống nhựa là có nước sạch về tận nhà. Qúa sướng còn gì”.
 

Hỗ trợ xây dựng NTM

Từ ngày có HTX kiểu mới, mọi khâu sản xuất của nông dân được HTX lo chu tất từ làm đất, cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV. Đặc biệt các khâu làm đất, tưới tiêu đến thu hoạch đều được cơ giới hóa hoàn toàn. Hiện nay, HTX có 15 máy cày, 10 máy gặt liên hợp, 27 xe tải các loại để vận chuyển lúa. Đặc biệt HTX luôn luôn chủ động đầy đủ các loại giống lúa chất lượng cao để nông dân sản xuất.

15-27-10_nnvn__2-_duong_ve_thon_honh_vinh
Đường về thôn Hoành Vinh hôm nay.

Ông Võ Doãn Chúc, Phó Giám đốc HTX cho hay: “Ngoài việc duy trì các giống truyền thống, chúng tôi đã khảo nghiệm đưa vào sản xuất một số giống lúa mới có chất lượng cao như NA 3P6, Thiên ưu 8, Bắc Hưng 9... là những giống mới chống chịu sâu bệnh, gạo ngon, năng suất cao nên bà con nông dân phấn khởi đón nhận”. Không cần đến sổ sách, ông Chức nhẩm tính nhanh và cho chúng tôi hay vụ ĐX năm nay, tổng sản lượng lúa của HTX đạt gần 29 ngàn tấn, tăng hơn 100 tấn so với vụ ĐX năm ngoái.

Nói về lợi ích do HTX mang lại, ông Võ Quang Hinh, xã viên cho rằng HTX đã làm toàn bộ các khâu cày ải, làm đất, nước nôi, phân bón, thu hoạch... với giá rẻ hơn bên ngoài nên bà con giảm được chi phí đầu tư. Nhờ có cánh đồng lớn, chủ động tưới tiêu nên bà con phấn đấu đưa thêm diện tích mặt nước vào sản xuất mô hình lúa - cá cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha. “Vì vậy, làm ruộng ở Hoành Vinh có lãi hơn nhiều so với các nơi khác, nên ai cũng phấn khởi”, ông Hinh nói vậy.

HTX Hoành Vinh làm ăn có lãi nên lợi nhuận hàng năm được trích ra để tái kiến thiết đồng ruộng, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Tại thôn Hoành Vinh, một khu chợ mới được quy hoạch và xây dựng trên vùng đất ngã ba thuận tiện cho việc mua bán. Trụ sở HTX cũng đầu tư xây dựng hai tầng cũng là nơi sinh hoạt chung của thôn. Ngoài ra, các khu nghĩa trang nhân dân, khu đình làng… cũng được quy hoạch xây dựng theo từng giai đoạn. Kinh phí đầu tư được trích từ nguồn lãi của HTX và nhân dân đóng góp.

Về Hoành Vinh, đi qua cổng chào thôn bề thế là thấy hệ thống đường giao thông nông thôn được mở rộng, đổ bê tông chắc chắn. Đưa chúng tôi đi thăm một số tuyến đường, ông Dực cho biết cứ mỗi năm đầu tư làm một vài tuyến đường. “Sau nhiều năm đến nay, thôn Hoành Vinh cơ bản đã có được đường bê tông từ ngõ xóm ra đến tận ruộng đồng”, ông Dực cho biết.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.