| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã là hành trình đổi mới tư duy bền bỉ, không ngừng

Thứ Sáu 02/02/2024 , 12:12 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia chuyển đổi hợp tác xã từ đơn chức năng sang đa chức năng, từ chuỗi cung ứng sang chuỗi giá trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm hợp tác xã sản xuất lúa tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm hợp tác xã sản xuất lúa tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VGP.

4 nhóm chính sách chủ đạo

Tham luận tại Diễn đàn Kinh tế tập thể, hợp tác xã 2024, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, khu vực kinh tế tập thể, trong đó có hợp tác xã (HTX), đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng nông nghiệp thông minh, số hóa, cơ giới hóa, đẩy mạnh liên kết sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập, cải thiện phúc lợi cho thành viên hợp tác xã và cư dân nông thôn.

Nhắc lời Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, tỉnh Đồng Tháp: “HTX đi đúng hướng, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, công nghiệp hóa nông thôn”, Bộ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT thời gian qua đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai 4 nhóm chính sách phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một là, hỗ trợ phát triển đa dạng các mô hình tổ chức, quản trị hợp tác xã, phù hợp với đặc trưng từng vùng miền, ngành hàng sản phẩm.

Hai là, đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, quản trị, nhất là đào tạo nghề giám đốc HTX và đào tạo đội ngũ trẻ làm việc trong HTX. Bộ NN-PTNT cũng chuẩn hóa hệ thống tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo như tiêu chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình, học liệu điện tử... tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo.

Ba là, phát triển HTX gắn với vùng nguyên liệu. Bộ NN-PTNT đang triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn 14 địa phương, trải dài từ Bắc vào Nam, với 5 vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, gồm trái cây, lúa gạo, cà phê, tôm.

Ngoài ra, khoảng 1.000 HTX tham gia chuỗi lúa gạo trong vùng Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ được hưởng lợi từ các chương trình, kế hoạch của Bộ NN-PTNT.

Bốn là, đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các dịch vụ logistic hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: HTX không chỉ là mô hình kinh tế đơn thuần. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: HTX không chỉ là mô hình kinh tế đơn thuần. Ảnh: Tùng Đinh.

"HTX không chỉ là một mô hình kinh tế đơn thuần, không chỉ là một phong trào có tính thời điểm. Hơn hết, HTX là hành trình đổi mới tư duy bền bỉ, không ngừng, là triết lý cấp tiến của nhân loại về giá trị của liên kết, hợp tác", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.

Phát triển HTX tại Việt Nam, theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, là một trong những giải pháp quan trọng, giúp xóa bỏ điểm nghẽn “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, sức cạnh tranh kém” của ngành nông nghiệp. Phát triển HTX hiệu quả, bền vững còn là minh chứng cho quan điểm tiếp cận “đất đai dù phân mảnh, chia cách, nhưng tư duy quyết không rời rạc, thiếu gắn kết”.

Hỗ trợ HTX dựa theo kinh tế thị trường, tăng trưởng đa giá trị

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, doanh thu, lợi nhuận bình quân của các HTX liên tục tăng trong thời gian qua, tương ứng khoảng hơn 30% và 70%/năm.

Xuyên suốt 20 năm triển khai Nghị quyết số 13/NQ-TW về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Trong đó, nổi bật là những chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ về đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách về tín dụng; hỗ trợ chế biến sản phẩn…

Riêng giai đoạn 2013 - 2021, hơn 360.000 lượt cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng; hơn 2.600 HTX nông nghiệp được hỗ trợ xúc tiến thương mại với số tiền khoảng 255 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, cả nước đã hỗ trợ hơn 5.800 HTX ứng dụng, chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí khoảng 268 tỷ đồng; doanh số cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX trong giai đoạn 2013 - 2021 đạt khoảng 50.800 tỷ đồng.

Triển khai Luật HTX 2012, mô hình này đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang hoạt động theo kiểu mới; số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và chất lượng, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động.

Hình thức tổ hợp tác có cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân. Liên kết giữa các HTX với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.

Bên cạnh việc hỗ trợ về vốn, các HTX còn được quan tâm đầu tư về nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Ảnh: TL.

Bên cạnh việc hỗ trợ về vốn, các HTX còn được quan tâm đầu tư về nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Ảnh: TL.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ HTX trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới cần tập trung thống nhất về mô hình và phương thức hỗ trợ phát triển.

Theo nguyên tắc hỗ trợ phát triển HTX gắn với các yêu cầu về kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi cho người dân nông thôn, các tổ chức, cá nhân sẽ tham gia chuyển đổi HTX từ đơn chức năng sang đa chức năng, tích hợp đa giá trị; từ chú trọng đầu vào kết hợp chú trọng đầu ra; từ chuỗi cung ứng sang chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, hỗ trợ HTX dựa theo kinh tế thị trường, tăng trưởng đa giá trị; phát huy nội lực, tăng cường năng lực, kết hợp vốn đối ứng của HTX; hình thành liên kết theo chuỗi giá trị gắn với doanh nghiệp. Đồng thời, rà soát tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX nông nghiệp hoạt động và phát triển.

Bộ trưởng cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm hơn nữa vào 4 nhóm chính sách. Đầu tiên là chính sách đất đai. Cụ thể: Đưa ra những giải pháp khả thi, linh hoạt về tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất kinh doanh để hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn; Hỗ trợ, hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng hạ tầng (kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản); Thí điểm hình thành thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Nhóm chính sách thứ hai là về thuế, phí và lệ phí. Bộ trưởng gợi ý, rằng cần nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng cho đối tượng HTX nông nghiệp, đặc biệt là các giao dịch nội bộ giữa HTX và thành viên. Ngoài ra, có thêm chính sách ưu đãi đối với HTX hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, HTX có nhiều thành viên, người lao động nữ, có nhiều thành viên, người lao động khuyết tật.

Cùng với đó là hỗ trợ chính sách tín dụng theo hướng tăng độ mở và linh hoạt đối với việc vay vốn cho HTX nông nghiệp, hoặc khuyến khích hoạt động tín dụng nội bộ.

Hiện nay, nhiều HTX đã quan tâm đầu tư, phát triển các hoạt động phi sản xuất, như tham gia chuỗi liên kết, tín dụng, hoặc đào tạo, nâng cao tay nghề. Ảnh: TL.

Hiện nay, nhiều HTX đã quan tâm đầu tư, phát triển các hoạt động phi sản xuất, như tham gia chuỗi liên kết, tín dụng, hoặc đào tạo, nâng cao tay nghề. Ảnh: TL.

Quan tâm hơn nữa đến đào tạo nguồn nhân lực

Trong năm 2023, Bộ NN-PTNT đã tổ chức một loạt sự kiện liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp, trong đó có HTX.

Với tinh thần “Hợp tác xã, hợp tác xã, hợp tác xã, hay không là gì cả", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các chính sách về khoa học, công nghệ, về hỗ trợ phát triển hạ tầng, máy móc thiết bị... cần gắn với việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTX.

Theo đó, Bộ trưởng khuyến nghị các bên liên quan đưa nội dung đào tạo HTX nông nghiệp vào chương trình của các trường cao đẳng, đại học, các trường nghề và học viện chính trị; đào tạo, bồi dưỡng phát triển lực lượng khuyến nông cộng đồng, chuyên gia tư vấn phát triển HTX nông nghiệp.

Hoạt động hợp tác, liên kết đưa cán bộ quản lý, lao động làm việc trong các HTX nông nghiệp học tập, lao động tại nước ngoài cũng cần được chú trọng, song song với việc thu hút lao động trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX nông nghiệp. Đây là tiền đề để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

"Chúng ta nên quan tâm, hỗ trợ xây dựng và phát triển một số loại hình hợp tác mới trong lĩnh vực nông nghiệp như CLB của người sản xuất, hội quán nông dân, tổ hợp tác, nhóm, đội cùng sở thích. Đó là không gian để người nông dân tìm hiểu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, xây dựng lòng tin trong hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh nông nghiệp", lãnh đạo Bộ NN-PTNT chia sẻ.

Về vấn đề thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, phải khuyến khích mọi thành phần kinh tế quan tâm hợp tác, liên kết đầu tư, chia sẻ nguồn lực, cũng như các kinh nghiệm.

Những hành động này sẽ phát triển đồng thời vùng nguyên liệu, vật tư đầu vào, cũng như tăng cường lực lượng khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến hết năm 2023, cả nước có 96 Liên hiệp HTX nông nghiệp, trên 20.000 HTX nông nghiệp, trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt; gần 2.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; trên 4.000 HTX thực hiện bao tiêu nông sản.

Kết quả này thể hiện vai trò, tầm quan trọng của Nghị Quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn mới, Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.