| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 29/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 29/06/2015

Hợp tình, hợp lý

Đề xuất "Con dâu, con rể, nếu có đóng góp, chăm sóc cho gia đình thì là đối tượng được thừa kế di sản" được xem là hợp tình, hợp lý, được dư luận xã hội đồng tình.

Trong phiên họp Quốc hội thứ 9 Quốc hội khóa XIII, vào chiều 25/6, khi thảo luận về Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi, nhiều đại biểu đã đề nghị Ban soạn thảo đưa thêm vào vấn đề “quyền thừa kế” nội dung sau: Con dâu, con rể, nếu có đóng góp, chăm sóc cho gia đình thì là đối tượng được thừa kế di sản.

Đây là những đề xuất hợp tình, hợp lý, được dư luận xã hội đồng tình. Bởi theo quy định tại điều 676 (người thừa kế theo pháp luật) của BLDS hiện hành, thì khi người có tài sản chết mà không để lại di chúc, thì việc thừa kế những di sản đó sẽ được thực hiện theo pháp luật.

Hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Hàng thừa kế thứ hai gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Hàng thừa kế thứ ba gồm… Trong những hàng thừa kế theo pháp luật đó, tuyệt không có bóng dáng của con dâu, con rể.

Nhưng trong thực tế, lại thường xảy ra việc bố mẹ ở chung với một người con trai nào đó trong số con trai của mình, thì trong trường hợp đó, chính người con dâu của người có tài sản (bố mẹ chồng) lại là người có công sức nhất trong việc chăm sóc, phụng dưỡng người có tài sản, hơn thế nữa, người con dâu đó còn là người góp công sức trong việc tôn tạo, phát triển khối tài sản đó, như nhà cửa chẳng hạn.

Ngược lại, nếu bố mẹ sinh con một bề, mà ở chung với một người con rể chẳng hạn, thì cũng như người con dâu trong trường hợp trên, chính người con rể lại là người có công chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ vợ, và là người góp công sức tôn tạo, phát triển khối tài sản của bố mẹ vợ.

Với những trường hợp này, trong trường hợp bố mẹ chết không để lại di chúc, thì việc loại bỏ họ ra khỏi các hàng thừa kế là một sự bất công, là phủ nhận những công sức chăm sóc, phụng dưỡng thực tế của họ đối với người đã chết và sự đóng góp của họ trong việc tôn tạo, phát triển khối di sản của người đã chết để lại đó.

Trong thực tế, đã có không ít trường hợp khi bố, mẹ chết mà không để lại di chúc, vợ chồng người con đã ở cùng với bố, mẹ cho đến khi bố, mẹ chết, ly hôn.

Trong những trường hợp đó, người vợ (hoặc người chồng, nếu là trường hợp bố mẹ ở cùng với con rể) đã phải ra đi tay trắng, khi khối di sản đó mang tên bố, mẹ, mà mình thì không có tên trong hàng thừa kế di sản theo pháp luật, dù mình có công chăm sóc bố, mẹ chồng hoặc bố, mẹ vợ, và có góp phần tôn tạo, phát triển khối tài sản đó. Đó lại là một sự bất công nữa.

Nếu được Ban soạn thảo tiếp thu và đưa vào dự thảo BLDS mới, thì đây sẽ là những tiến bộ đáng kể. Bởi nó đảm bảo sự công bằng cho tất cả mọi công dân. Tất nhiên là khi tiến hành việc thừa kế di sản của người quá cố theo pháp luật. Thì những người con dâu, con rể nói trên phải chứng minh được trước cơ quan giải quyết việc thừa kế công chăm sóc, phụng dưỡng người quá cố và sự đóng góp của mình vào khối di sản đó. Việc chứng minh này không khó.