>> Danh sách các chợ truyền thống đang hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh mời xem tại đây
>> Danh sách các cửa hàng tiện lợi đang hoạt động mời xem tại đây
>> Danh sách các siêu thị đang hoạt động xem tại đây
Đại diện Sở NN-PTNT TPHCM thông tin, hiện nay, TP.HCM tiêu thụ 5.000-7.000 con lợn/ngày, bằng với những con số trước khi giãn cách xảy ra. Các lò giết mổ lớn vẫn hoạt động bình thường, chỉ giảm so với bình thường khoảng 15%. Do đó, nhu cầu thịt lợn của TP.HCM đang được đảm bảo.
Với thịt gia cầm, lò giết mổ ở Gò Vấp đang đóng cửa nhưng không ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ do có sự bổ sung từ Bình Dương, Đồng Nai, sản lượng tiêu thụ của thành phố hiện nay vào khoảng 75.000-85.000 con/ngày.
Do đó, đại diện Sở NN-PTNT TPHCM khẳng định việc cung cấp thịt heo, gia cầm và bò hoàn toàn đảm bảo. Về trứng, số liệu của Sở NN-PTNT thống kê khác với Sở Công Thương, theo đó trứng gia cầm đang thiếu ở Bách Hóa Xanh, Saka, AEON và Mega Market, tổng số lượng thiếu vào khoảng 370.000 quả trứng/ngày.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị cả Sở NN-PTNT và Sở Công Thương cũng như các Sở khác quan tâm tối đa đến cơ sở giết mổ, bởi đó là nơi cung ứng thịt.
Về việc các cơ sở giết mổ đề nghị được test nhanh Covid, Thứ trưởng cho rằng có thể 3 ngày test 1 lần Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng khẳng định sẽ kết nối thêm các tỉnh, để đa dạng hơn nữa về lượng cung rau củ quả.
Thứ trưởng Nam nói thêm: "Về vấn đề an toàn thực phẩm, đề nghị gia hạn 3 tháng với giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến, trong bối cảnh dịch bệnh không kịp gia hạn (theo quy định là gia hạn trong vòng 6 tháng trước khi hết hạn). Các cơ sở sẽ phải tự cam kết chất lượng sản phẩm để khắc phục tình trạng căng thẳng trước mắt".
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cung cấp địa chỉ của Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT. "Tổ công tác mong muốn được kết nối thường xuyên, liên tục với các Sở địa phương để nắm tình hình và kịp thời có những chỉ đạo", Thứ trưởng kết luận.
TP.HCM cần thêm 100.000 quả trứng mỗi ngày
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, sau khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, người dân bắt đầu tăng lượng mua hàng hóa. Đi kèm đó là khả năng vận chuyển từ các tỉnh về thành phố gặp khó. Kênh phân phối truyền thống cũng vướng mắc do tạm dừng 3 chợ đầu mối. Quá trình cung cấp hàng hóa bị gián đoạn dẫn đến việc mất cân đối cung cầu.
Sau khi tất cả các địa phương đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16 và các bộ ngành đạt được sự thống nhất thì việc vận chuyển hàng hóa đã thuận lợi trở lại. Ngoài ra, TP.HCM cho mở lại các chợ nên việc cung ứng nông sản đến người tiêu dùng tạm ổn.
Hiện nay, mặt hàng trứng vẫn tương đối khan hiếm nhưng không quá căng thẳng. Cụ thể, mỗi ngày TP.HCM cần thêm khoảng 100.000 quả trứng là có thể đáp ứng được nhu cầu. Thành phố đã chủ động xây dựng các kịch bản đối phó dịch bệnh, nên Sở Công Thương cần bổ sung thêm thông tin về nguồn cung thực phẩm thiết yếu, do đó mong muốn được phía Bộ NN-PTNT sớm cung cấp thêm để có phương án dự phòng.
Cũng theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, sức nóng về nhu cầu mua hàng của người dân đã giảm xuống, số lượng mua cũng giảm. Hiện thành phố chỉ cần mua thêm trứng gia cầm, còn rau củ quả đầy đủ, không thiếu.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM khẳng định sẽ cập nhật các danh sách đơn vị cung ứng mới, được các tỉnh đưa vào. Ngoài ra, phía Sở cũng sẽ hỗ trợ các bếp ăn tập thể, các đơn vị tiêu thụ kết nối với nhau.
Góp ý với Sở Công Thương TP.HCM, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng cần kết nối trực tiếp giữa TP.HCM, Đồng Nai và 1 số tỉnh nữa. Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị công bố rộng rãi tên các doanh nghiệp cung ứng.
"Bộ NN-PTNT chỉ làm đầu mối để kết nối các doanh nghiệp với nhau", Thứ trưởng nhắc lại đồng thời nhấn mạnh "Tình hình căng thẳng còn kéo dài. Chúng ta phải xây thành những chuỗi cung ứng, thay vì một vài điểm nhỏ lẻ".
Lượng thịt Bình Dương cung ứng cho các siêu thị không đổi
Theo ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương - hiện tỉnh có 11 triệu gia cầm; khoảng 11.300 trang trại; 879.000 con lợn. Sản lượng thịt bình quân là 163 tấn/ngày; trong đó trung bình chuyển về TP.HCM khoảng 35 tấn.
Đặc biệt, tỉnh Bình Dương có nhiều kho lạnh, do đó cung cấp thịt được cho cả trong và ngoài tỉnh.
Ông Bông cho biết thêm, các cơ sở giết mổ bị đóng cửa, sức tiêu thụ thịt có giảm. Tuy nhiên, ông khẳng định số lượng thịt cung cấp cho các siêu thị vẫn không đổi.
Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng thịt, ông Bông kiến nghị cán bộ Thú y kiểm soát giết mổ cần được tiêm vacxin Covid-19 đầy đủ.
Sản lượng thịt Đồng Nai cung cấp cho TP.HCM bị giảm
Theo đại diện Sở NN-PTNT Đồng Nai, hiện tại, các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 áp dụng biện pháp phòng dịch không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong quá trình lưu thông. Ngoài ra, việc tiêu thụ nông sản còn gặp khó khăn do cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Bên cạnh đó, các chợ tự phát, truyền thống và chợ đầu mối lớn bị đóng cửa, chỉ còn hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi được phép hoạt động. Trong khi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Thêm vào đó là các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi thường lấy nguồn hàng từ các công ty, chuỗi cung ứng lớn, dẫn đến các cơ sở sản xuất, chăn nuôi nông hộ khó cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm.
Khâu vận chuyển, phân phối gặp nhiều khó khăn nên sản lượng thịt cung cấp cho thị trường TP.HCM giảm khoảng 20%, đặc biệt là thịt gia cầm (cơ sở Phạm Tôn TP.HCM giết mổ khoảng 30 ngàn con gà của Đồng Nai/ngày hiện nay đã đóng cửa).
Vì vậy, kiến nghị Bộ Công Thương triển khai các giải pháp phù hợp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại các vùng đang dịch bệnh nhằm nhanh chóng đưa nông sản đến tay người dân có nhu cầu, hạn chế tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ, nâng giá trục lợi trong giai đoạn phong tỏa các chợ đầu mối, chợ truyền thống.
Ngoài ra, đề nghị chính quyền địa phương các cấp cho hoạt động trở lại các chợ truyền thống để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng.
Về phía tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo thông tin đầy đủ về các HTX cung cấp nông sản cho TP.HCM. Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu cung cấp ngay danh sách này cho thành phố.