| Hotline: 0983.970.780

HTX, người sống khỏe, kẻ ngắc ngoải: Như 'câu chuyện bó đũa'

Thứ Năm 14/05/2015 , 06:49 (GMT+7)

Khác với những HTX nông nghiệp toàn xã đang chật vật thích nghi với thời buổi kinh tế thị trường, có nhiều HTX được thành lập từ yêu cầu cuộc sống./ Vĩnh Lại, liều thuốc hồi sinh

Sinh ra từ nhu cầu

Khác với những HTX nông nghiệp toàn xã đang chật vật thích nghi với thời buổi kinh tế thị trường, có nhiều HTX được thành lập từ yêu cầu cuộc sống. Phần đa đó là những HTX dạng chuyên ngành như hoa, quả, cây cảnh, thủy sản, chè… ở những vùng thị trường hàng hóa sôi động.

HTX Sản xuất Chế biến Dịch vụ Thương mại chè Minh Tiến (Đoan Hùng, Phú Thọ) là một trường hợp như vậy.

Minh Tiến từng là vùng nguyên liệu chè rộng hàng mấy trăm ha của nhà máy chè Phú Thọ nhưng rồi bị bỏ mặc. Khi các xưởng chế biến chè mi ni ra đời, ở đây thường xuyên xảy ra cảnh tranh mua, tranh bán, lúc chạy hàng thì đẩy giá, lúc chính vụ lại ép giá.

Đứng ở giữa là cánh thương lái “đục nước, béo cò” khiến cho người trồng chè rơi vào cảnh lỗ đơn lỗ kép. Thời điểm 2008-2009 là đỉnh điểm của sự xuống dốc không phanh về giá chè búp tươi khi chỉ có 1.700đ/kg.

Giá rẻ nhưng bán được đã là may bởi búp chè tươi hái về không ai thu mua chỉ sau hai ngày đã bốc mùi, biến chất, phải đổ ra vườn làm phân xanh. Gặp khi ngày mưa thương lái ngại vào, lượng chè đổ đi hàng tạ, hàng tấn. Mặt người ủ ê còn hơn cả lá chè héo. Trên 200 ha chè ở Minh Tiến dần dần bị chặt bỏ để trồng keo lai, trồng bạch đàn, chỉ còn sót lại khoảng 50 ha.

Đương kim Chủ nhiệm HTX Nguyễn Trung Thành hồi ấy cũng là một người trồng chè kiêm đại lý thu mua bán cho Cty Chè Phú Bền nên ông trăn trở lắm!

Phải ký được hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho công ty mới có giá cao nhưng một cá nhân không thể làm nổi bởi sản lượng thấp quá.

Hộ có diện tích nhiều nhất trong vùng cũng chỉ có 3 ha chè, mỗi năm thu hoạch chừng 40-50 tấn búp tươi là kịch trần. Muốn bán được trực tiếp cho nhà máy phải có sản lượng ít nhất 500 tấn búp tươi/năm. Vậy làm thế nào?

Người trồng chè nếu đơn lẻ chẳng khác gì một cây đũa, dễ dàng bị thương lái bẻ cái rụp, phải liên kết, tập hợp lại thành cả bó đũa mới thành công. Bó đũa ấy có tên là HTX.

Ở HTX Minh Tiến giờ đây không chỉ hiểu biết về BVTV, người trồng chè còn biết phân luồng cho nước thải. Nước thải từ nhà vệ sinh chảy xuống bể biogas, nước thải từ rửa bình thuốc sâu, rửa bát có nhiều hóa chất độc hại phải được xử lý lọc qua than hoạt tính.

Minh Tiến khi xưa cũng từng có HTX nông nghiệp toàn xã nhưng rồi bị giải tán nên khi ông Thành gặp Bí thư và Chủ tịch xã để trình bày ý kiến liền được ủng hộ nhiệt tình. Thuyết phục các hộ liên kết, 17 gia đình cùng đồng lòng nhất trí. HTX chè Minh Tiến ra đời năm 2011 trong hoàn cảnh ấy.

Nông dân góp vốn không phải bằng tiền mặt mà bằng chính các nương chè nhà mình. Tiếng là vào HTX nhưng diện tích của ai người ấy vẫn chịu trách nhiệm từ sản xuất đến thu hái còn HTX sẽ đầu tư khoa học, bao tiêu sản phẩm.

Lại một câu hỏi cũ nhưng luôn thời sự: Vào HTX được gì? Được mua phân trả chậm có xe ô tô chở đến tận nhà. Được mua thuốc BVTV trả chậm với trị giá hàng vài chục triệu mỗi năm.

Được tập huấn về kỹ thuật từ các lớp chuyển giao của nhà máy kiểu cầm tay, chỉ việc, đi học ngoài mang kiến thức còn mang cả tiền về nhà. (Chi cục BVTV Phú Thọ giúp HTX Minh Tiến thành lập tổ BVTV để dự đoán sâu bệnh.

Cty Chè Phú Bền giúp mở lớp đào tạo sản xuất nông nghiệp bền vững để có chứng chỉ chè sạch). Được thu mua đúng theo giá niêm yết của công ty (thường là cao hơn giá thương lái 200-300đ/kg) ổn định bất kể ngày mưa hay ngày nắng, số lượng bao nhiêu cũng hết nên chưa bao giờ xảy ra tình trạng ế hàng, đổ bỏ như trước.

Nông dân đơn lẻ bao giờ cũng là những kẻ yếu thế nhất vì không có vốn để đầu tư, vì trình độ kém nên năng suất, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, tiêu thụ rất khó. HTX khi đi vào hoạt động đã mở ra ba tổ: sản xuất thâm canh, thu mua chè búp tươi, chế biến chè xanh với ý tưởng số búp ngon một tôm hai lá sẽ làm chè xanh để có giá bán cao hơn còn hàng cấp thấp sẽ bán cho công ty làm chè đen.

Đầu năm HTX lập kế hoạch đốn, thu hoạch chè. Đã hái là gọn cả đồi tránh sâu bệnh phát triển, tránh dồn toa về lượng hàng. Trước, bà con phun thuốc BVTV vô tội vạ giờ một lứa 45 ngày chỉ phun 1-2 lần với thời gian cách ly 15-20 ngày thừa sức đảm bảo.

Trước, năng suất chỉ đạt 3-4 tấn búp/ha/năm giờ trung bình đã đạt 10 tấn/ha/năm lắm hộ điển hình như nhà anh Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Minh, Đặng Văn Vinh còn đạt 17-18 tấn/ha/năm. Từ 50 ha chè giờ Minh Tiến đã phát triển lên được 104 ha.

Hiện HTX có 12 máy chế biến đặt trong 12 hộ xã viên để sản xuất chè xanh với giá thu mua 5.000-6.000đ/kg (cao hơn giá bán làm chè đen 1.000-2.000đ/kg).

Tuy nhiên một cái khó là chè khô sản xuất ra đang bí đầu ra vì chưa kiếm được mối nào bao tiêu sản phẩm ổn định như bán búp tươi. Lúc chè khô bán tại chỗ, lúc phải chở lên tận Thái Nguyên. 12 xưởng mi ni của HTX đỏ lửa cầm chừng, chỉ chạy với 40-50% công suất.

Thương hiệu chè Minh Tiến vẫn chỉ là chuyện trong ý tưởng. Về thu mua nguyên liệu để sản xuất chè đen, HTX không chỉ bao tiêu cho các xã viên của mình mà còn cả vùng chè Minh Tiến, Tiêu Sơn, Thanh Vân với diện tích 400 ha, tổng lượng 1.000 tấn/năm.

Nhiều HTX hiện nay hoạt động một cách hình thức, chủ yếu tổ chức các khâu dịch vụ đầu vào như giống, vật tư, thủy lợi, làm đất, BVTV, tín dụng, điện năng. Cũng có một số tổ chức được thêm các khâu dịch vụ mới như môi trường nông thôn, thu hoạch, liên kết sản xuất giống, tiêu thụ sản phẩm nhưng lại là của hiếm.

Làm được nhiều việc như thế nhưng HTX vẫn còn đang trong giai đoạn đỏ mắt tìm đất để mở xưởng tập trung, đặt máy chế biến lớn. Bao lần đi họp huyện, họp tỉnh cũng được hứa lên, hứa xuống sẽ bố trí đấy nhưng rút cục cũng chỉ là lời hứa mà thôi. Nếu là doanh nghiệp chỉ sau ba ngày đếm tiền đã có đất còn HTX thì cứ xếp hàng đợi đấy đã.

Không màng đến lương

Tôi hỏi chuyện ông Thành, nguồn lương đâu để mà chi trả cho đội ngũ? Ông bảo Ban quản lý HTX gọn nhẹ chỉ có 3 người và hoàn toàn không có một khoản lương nào cố định. Nếu lấy lương “bóc” từ sản phẩm của bà con ra thì Ban quản lý không khác gì thương lái nên chẳng dám bớt một xu, một hào.

Tất cả thu nhập nhận được đều phụ thuộc năng lực của từng người. Ví dụ cán bộ thu mua phải trả dân theo đúng giá của công ty, chỉ được nhận về hoa hồng gồm cước vận chuyển, công, phần trăm hao hụt. Càng mua được nhiều thì hoa hồng càng cao.

Chủ nhiệm phụ trách khâu chè tươi từ sản xuất đến bán, nếu bảo quản không tốt, hao hụt nhiều phải xuất tiền túi ra đền, nếu số lượng nhiều hoa hồng hưởng nhiều và ngược lại. Phó chủ nhiệm phụ trách khâu chè khô cũng thế, tìm được lắm mối sẽ có thu nhập còn không phải trắng tay.

Lương theo khối lượng công việc khiến cho họ đắm đuối cả ngày lẫn đêm vì HTX. Người duy nhất không trực tiếp phụ trách khâu nào của HTX là Trưởng ban kiểm soát chỉ nhận một mức lương rất tượng trưng 1 triệu/năm cho mấy ngày kiểm tra số liệu cuối năm. Làm vì cái chung, vì HTX nhưng cũng vì nương chè, bát cơm nhà mình nên ai cũng vui vẻ, nhiệt tình.

Sức hấp dẫn của HTX Minh Tiến như thỏi nam châm, cuốn hút hàng trăm hộ muốn làm đơn vào HTX nhưng ông Thành chưa dám quyết vì chưa thể ôm đồm quản lý hết. Không chỉ chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm mà HTX còn đảm ảo an sinh xã hội cho các xã viên như quà Tết, thăm hỏi lúc ốm đau sinh đẻ, viếng người thân lúc qua đời... Phải làm thật tốt cho số thành viên cũ đã rồi mới tính kế mở rộng quy mô được.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm