| Hotline: 0983.970.780

HTX Thạnh Phước: Xã viên đều khá, giàu

Thứ Ba 01/10/2013 , 10:18 (GMT+7)

Tiền thân là câu lạc bộ khuyến nông, sau 14 năm thành lập, HTX NN Thạnh Phước đã trở thành địa chỉ tin cậy của xã viên cũng như nhiều hộ nông dân làm vườn.

Tiền thân là câu lạc bộ khuyến nông, sau 14 năm thành lập, HTX NN Thạnh Phước đã trở thành địa chỉ tin cậy của xã viên cũng như nhiều hộ nông dân làm vườn ở xã Đông Thạnh, Châu Thành, Hậu Giang.

Ngoài việc đứng ra tổ chức liên kết phát triển SX, hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng cây giống cho hộ nghèo, HTX còn ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.

Quyết tâm xóa nghèo

Năm 1999, HTX NN Thạnh Phước được thành lập với 16 thành viên, vốn điều lệ 20 triệu đồng, diện tích đất canh tác 17 ha đất vườn, chủ yếu trồng chanh không hạt. Khi mới thành lập, SX còn manh mún, sản phẩm làm ra ít nên HTX đi đàm phán nhưng không đối tác nào chịu ký hợp đồng vì sản phẩm làm ra không đáp ứng được số lượng đơn hàng.

Ông Nguyễn Văn Chiến (Hai Chiến), Chủ nhiệm HTX cho biết: “Thấy được những bất cập này nên tôi đã kiên trì vận động xã viên, cộng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật vào canh tác nên đã mang lại hiệu quả cao. Từ đó, thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia vào HTX (hiện có 84 xã viên), mở rộng diện tích canh tác lên đến 97 ha trồng chanh không hạt”.


Chủ nhiệm HTX Thạnh Phước Nguyễn Văn Chiến giới thiệu vườn chanh không hạt SX theo tiêu chuẩn GlobalGAP

Không chỉ mở rộng diện tích canh tác, HTX còn mở các dịch vụ để hỗ trợ xã viên phát triển SX như: SX và cung ứng cây giống sạch bệnh, cung ứng phân bón, bao tiêu và cung ứng chanh không hạt cho thị trường. Hiện nay, hàng năm HTX SX khoảng 100 ngàn cây giống sạch bệnh, trong đó có 80 ngàn cây chanh không hạt, còn lại là các loại cây ăn trái khác.

Về đầu ra, HTX ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ diện tích chanh không hạt cho xã viên, ngoài ra còn bao tiêu cho gần 300 hộ nông dân bên ngoài với diện tích lên đến 200 ha.

Theo ông Hai Chiến, những năm đầu khi thành lập, HTX có tới 11/16 hộ xã viên thuộc diện nghèo, thu nhập bình quân từ các dịch vụ của HTX chỉ đạt 7-8 triệu đồng/xã viên/năm (năm 2004). Với quyết tâm xóa nghèo, HTX đã tìm cách tạo mọi điều kiện cho xã viên thoát nghèo như: bán cây giống thiếu cho đến khi thu hoạch mới trả tiền; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tạo việc làm thường xuyên… Nhờ đó, nhiều hộ xã viên nhanh chóng nâng cao thu nhập. Đến năm 2009 HTX không còn hộ xã viên thuộc diện nghèo.

“Hiện nay, 80 hộ xã viên trong HTX thuộc diện khá, giàu, thu nhập bình quân đạt mức 30 triệu đồng/người/năm. Một số hộ xã viên có diện tích canh tác lớn, nắm vững quy trình kỹ thuật đạt mức thu nhập tới 100 triệu đồng/người/năm, điển hình như hộ ông Hai Thanh, Bảy Bé, Tám Khỏe…”, Hai Chiến phấn khởi.

Ông Đặng Văn Việt, xã viên HTX Thạnh Phước cho biết: “Gia đình có 1 ha đất vườn, trước kia chuyên trồng lêkima và lê, nhưng thu nhập không đáng kể do giá cả đầu ra bấp bênh. Thấy HTX trồng chanh không hạt cho năng suất và lợi nhuận kinh tế cao nên đã mạnh dạn xin tham gia, mua cây giống về trồng.

Sau khi được tư vấn kỹ thuật, tôi mua 500 gốc chanh không hạt trồng trên 5 công vườn. Hơn 2 năm sau chanh bắt đầu cho trái, hàng tháng hái trái 2-3 lần, mỗi lần thu hoạch được 200-300 kg, tùy vào từng thời vụ, giá chanh dao động 15.000 – 20.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các khoản chi phí, gia đình thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng”.

Trong quá trình hoạt động, HTX còn hỗ trợ cho các hộ nông dân nghèo trong ấp phát triển SX như bán cây giống 3 năm sau mới thu tiền không tính lãi, đầu tư mô hình trồng chanh không hạt cho xã Đông Phước với số lượng 1.700 cây, hỗ trợ một số HTX khác trong huyện về giống chanh không hạt, ổi không hạt, đến khi cho trái mới thu hồi vốn bằng sản phẩm…

HTX còn thành lập trang trại trồng chanh không hạt và mở cửa hàng cung cấp cây giống tại huyện Định Quán, Đồng Nai nhằm mở rộng thị trường hoạt động.

Áp dụng tiêu chuẩn thế giới

Với mục đích SX ra những sản phẩm đạt chất lượng và an toàn, không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn hướng ra thị trường thế giới, HTX Thạnh Phước đã mạnh dạn áp dụng các quy trình SX tiên tiến như: VietGAP, GlobalGAP.

Theo Chủ nhiệm Hai Chiến, lúc đầu áp dụng chương trình cũng gặp một số khó khăn, do bà con vốn quen với lối SX truyền thống nên khi chuyển sang áp dụng các quy trình rất nghiêm ngặt nhiều hộ có cảm giác bị gò bó. Vì bên cạnh việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nhà vườn còn phải ghi nhật ký SX, nhật ký sử dụng phân, thuốc, đây là công việc được thực hiện hàng ngày.


SX giống chanh không hạt sạch bệnh tại HTX

"Mưa dầm thấm sâu”, dần dần mọi người cũng thích nghi với quy trình mới. Qua mấy năm áp dụng, nhiều người đã nhận ra những lợi ích mà quy trình GAP mang lại như: giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn cho cả người SX lẫn tiêu dùng, sản phẩm làm ra bán được giá cao…

Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết: “Quy trình SX chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX do Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành hỗ trợ, tập trung vào 4 tiêu chí lớn là: kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc.

Đến nay, HTX đã có 17,2 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn sinh học theo tiêu chuẩn xuất khẩu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang”. Khi sản xuất theo chuẩn VietGAP, sản phẩm làm ra được thu mua tại chỗ, được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, được quảng bá và tăng giá trị sản phẩm trên 30%”.

Không chỉ làm theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều xã viên của HTX còn mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu là GlobalGAP. Hiện nay, HTX Thạnh Phước có 12 xã viên với diện tích canh tác 13,2 ha chanh không hạt được Cty The Fruit – Republic (Hà Lan) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và ký hợp đồng bao tiêu hoàn toàn sản phẩm để xuất khẩu sang Singapore.

Nhờ áp dụng các quy trình SX tiên tiến mà sản phẩm chanh không hạt của HTX Thạnh Phước đã có được đầu ra khá ổn định tại các siêu thị, các chợ đầu mối ở các thành phố lớn…

“Hiện HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các Cty, cơ sở như: Cty Samsan TP.HCM; Liên hiệp HTX Co.op (hệ thống siêu thị Co.opMart), Cty Ecofarm (Kiên Giang)… Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động xã viên mở rộng diện tích SX theo quy trình GAP nhằm có thể đáp ứng các đơn đặt hàng với số lượng lớn”, Hai Chiến cho biết thêm.

Với cách làm năng động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào SX, HTX NN Thạnh Phước hoạt động ngày càng hiệu quả. Năm 2012, tổng doanh thu từ các dịch vụ của HTX đạt trên 8,6 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận đạt hơn 1,43 tỷ đồng. Sau khi làm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, trích lập các quỹ theo quy định, còn lại 758 triệu đồng chia cho xã viên theo tỷ lệ góp vốn.

Theo ông Hai Chiến, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, nông dân muốn làm giàu thì phải biết liên kết lại, thành lập HTX, tạo ra số lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chủng loại, chất lượng nhằm dễ tiêu thụ.

Làm nông nghiệp không chỉ dừng lại ở chỗ năng suất, sản lượng cao là đủ mà còn phải làm tốt các khâu kế tiếp như thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thì mới thành công.

Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nông dân phát triển SX. Nông dân, đơn vị có nhu cầu xin liên hệ ông Hai Chiến, số điện thoại: 0907718415.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm