Theo kế hoạch, đến hết năm 2017 tỉnh Hưng Yên phấn đấu có thêm 20- 24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trong toàn tỉnh lên 80-84 xã. Trong đó, phấn đấu có 01 huyện đạt chuẩn NTM.
Người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn |
Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, tỉnh Hưng Yên đang huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, ưu tiên tối đa mọi nguồn lực tập trung cho xây dựng NTM. Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM năm 2017 của tỉnh là hơn 4.000 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước các cấp. Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp tổ chức thực hiện từng tiêu chí, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, Ban, ngành.
Về tổ chức, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực BCĐ và bộ máy giúp việc các cấp theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Tăng cường đào tạo tập huấn kỹ năng tổ chức xây dựng NTM cho các Bí thư chi bộ thôn và trưởng thôn.
Về huy động nguồn lực, đẩy mạnh công tác xử lý đất dôi dư để tạo nguồn kinh phí cho xây dựng NTM. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường đầu tư tín dụng, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động sự chung tay vào cuộc xây dựng NTM từ những người con xa quê.
Về công tác tuyên truyền, gia tăng thời lượng và thời gian phát sóng về xây dựng NTM. Mở thêm các chuyên mục, chuyên trang xây dựng NTM. Nêu gương, nhân rộng kịp thời các điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM.
Về khoa học công nghệ, đầu tư kinh phí thỏa đáng cho các đề án, dự án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực và gia tăng giá trị.
Về cơ chế chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng các hình thức sản xuất liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị. Tăng cường dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy giải quyết việc làm. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ xử lý rác và nước thải sinh hoạt nông thôn. Có cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, nâng cao thu nhập.
Nông dân liên kết với DN trong tiêu thụ sữa bò tươi |
Đặc biệt, để tạo sự chủ động trong bố trí nguồn kinh phí xây dựng NTM cho các địa phương cơ sở, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có nghị quyết để lại 90% nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất cho huyện và xã.
Nhờ vậy, 3 tháng đầu năm 2017, các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh Hưng Yên như, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, đã viết được hàng trăm tin bài tuyên truyền về xây dựng NTM trên các phương tiện truyền thông. Tổ chức được gần 600 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nhà nông.
Về thực hiện các tiêu chí, toàn tỉnh đã đạt bình quân 16,6 tiêu chí/xã, tăng 0,2 tiêu chí/xã so với năm 2016. Trong đó, có thêm 2 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí; 46 xã đạt 15-18 tiêu chí; 37 xã đạt 11- 14 tiêu chí. Hầu hết các xã đều đã hoàn thành các tiêu chí quy hoạch, điện, bưu điện và an ninh trật tự. Các địa phương có khả năng sẽ cán đích chuẩn NTM trên phạm vi toàn huyện là, Mỹ Hào, Văn Lâm, Văn Giang.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở NN- PTNT, kiêm Phó Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên cho biết: “Với trách nhiệm là cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh, trong những năm qua Sở NN- PTNT đã tích cực chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh nhiều cơ chế chính sách và giải pháp tổ chức thực hiện xây dựng NTM kịp thời, hiệu quả, góp phần đạt được các thành tựu xây dựng NTM nổi bật như đã nêu trên. Hiện, Sở đang nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành, tổ chức đoàn thể và các địa phương liên quan, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở những xã đã đạt chuẩn NTM, và tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM với các xã chưa đạt chuẩn NTM. Riêng với Sở NN- PTNT luôn coi xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm phổ quát của toàn ngành, các kế hoạch sản xuất năm, tháng và mùa vụ, các đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học của ngành, đều lồng ghép gắn kết với thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn”. |