| Hotline: 0983.970.780

Hướng dẫn xây dựng nông thôn mới phải cụ thể, không thể chung chung

Thứ Ba 24/08/2021 , 18:38 (GMT+7)

Lấy người dân làm trung tâm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cần những quyết sách cụ thể.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò trung tâm của người dân trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò trung tâm của người dân trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bảo Thắng.

'Nghèo ở cái túi, giàu ở cái đầu'

Xây dựng nông thôn mới là chương trình mục tiêu quốc gia được Bộ NN-PTNT đảm nhiệm trong giai đoạn 2021-2025. Với quan điểm "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh", Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT phát triển những mô hình, giúp người dân tạo ra giá trị bền vững.

"Chúng ta hiện mới đảm bảo cái túi cho người nông dân, chứ chưa giúp họ thay đổi tư duy trong đầu. Một nhà diễn thuyết từng nói "Người nghèo nghèo cái túi, người giàu giàu cái đầu". Vậy thì cái chúng ta cần cho bà con phải là tư duy phát triển kinh tế, dựa trên những chính sách, cơ chế phù hợp, thay vì giới hạn trong việc đảm bảo thu nhập, giống những năm trước đây", Bộ trưởng nêu vấn đề.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để thích ứng với những yêu cầu cấp thiết của thời đại như công nghệ 4.0, chuyển đổi số hay biến đổi khí hậu, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cần cụ thể hóa tư duy chuyển đổi sang kinh tế nông nghiệp trở thành một tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Bên cạnh bộ 19 tiêu chí có sẵn, xây dựng NTM cần những văn bản hướng dẫn cụ thể, không thể chung chung, giáo điều.

Lấy ví dụ về Phong trào Saemaul Undong (xây dựng Làng mới) ở vùng nông thôn Hàn Quốc thập niên 70 (TK XX), Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chính sự “chăm chỉ, tự lực, hợp tác” của người dân nông thôn đã tạo bước đệm cho bước nhảy vọt thần kỳ của kinh tế Hàn Quốc. 

"Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nhìn vào tấm gương đi trước, chúng ta có thể rút ra bài học. Điều quan trọng là chúng ta phải thấu hiểu tâm tư của nông dân. Luôn có một lực hút từ các đô thị lớn, giúp họ có thu nhập cao tức thì, và lực đẩy người nông dân khỏi mảnh đất quen thuộc, bởi nghề nông là nghề bấp bênh, thiếu công việc lúc nông nhàn. Muốn thay đổi triệt để, chỉ có cách kích hoạt sự chủ động từ chính người dân", Bộ trưởng nói.

Ngoài vấn đề từ người dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn phát hiện vấn đề từ địa phương. Ông cho rằng, UBND các cấp luôn phải lựa chọn, đánh đổi giữa việc đầu tư mở nhà máy, khu công nghiệp để tăng vọt GDP, với nâng cao năng lực cộng đồng, cụ thể là sản xuất nông nghiệp.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp nêu thực trạng, năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp thường đứng thấp nhất trong các khu vực. Đóng góp của nhân lực nông nghiệp cho tăng trưởng luôn chỉ ở mức khiêm tốn. Xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh ấy càng gặp nhiều thách thức, dù tổng nguồn vốn huy động chương trình giai đoạn 2021-2025 tương đương 5 năm trước, ở mức 2.455.211 tỷ đồng.

Từ trước đến nay, xây dựng NTM thường được gắn với quan niệm xây dựng cơ sở hạ tầng. Muốn thay đổi, để đưa người dân làm trung tâm và kích hoạt năng lực cộng đồng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở việc bổ sung một số tiêu chí cho bộ tiêu chí có sẵn, hoặc nâng trọng số cho những vấn đề trọng tâm. 

Phối hợp liên Bộ

Trong giai đoạn 2021-2025, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương sẽ xây dựng 6 chuyên đề, với 5 thuộc thẩm quyền của Bộ NN-PTNT. Cụ thể gồm: Chương trình Khoa học công nghệ (KHCN); Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn; Chương trình Phát triển du lịch nông thôn; và Chương trình Chuyển đổi số.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Bảo Thắng.

Mục tiêu của chương trình là phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Với mục tiêu cấp huyện, chương trình phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, trong đó 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngoài ra, cả nước đặt chỉ tiêu có 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, hầu hết các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành đã đóng góp tích cực vào báo cáo nghiên cứu khả thi của chương trình giai đoạn 2021-2025. Nhiều đơn vị tự nhận thêm chỉ tiêu trong các nội dung thành phần thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT chia sẻ, vai trò của người đứng đầu tại các tổ chức chịu trách nhiệm xây dựng NTM rất quan trọng. Bà đề nghị, xây dựng những điểm dân cư tiêu biểu ở nông thôn tại cấp thôn, bản - cấp cơ sở của chương trình.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, cần xây dựng NTM sao cho giống với đề án tăng năng lực sản xuất cho cộng đồng, thay vì một dự án đầu tư. Ông cũng kiến nghị, việc lấy thực tiễn làm thước đo và tăng cường khảo nghiệm thực tế.

Ghi nhận các ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thống nhất việc linh hoạt trong đánh giá, lấy ý kiến cơ sở. Người đứng đầu ngành nông nghiệp nói sẽ sớm làm việc với các Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Xây dựng, Lao động Thương binh Xã hội; Công thương, Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông để hoàn thiện bộ khung xây dựng NTM trong thời gian tới như: phát triển du lịch, xây không gian làng xã, đẩy mạnh chợ thương mại điện tử.

Xu hướng hồi hương, hướng nông của giới trẻ

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, muốn xây dựng và phát triển lâu dài Chương trình NTM, ngành nông nghiệp cần đảm bảo kinh tế cho người dân. Trước mắt, người dân cần thấy được những lợi ích thiết thực, hữu hình từ chương tình.

"Cần làm rõ đối tượng cụ thể của xây dựng NTM, và phân rõ nhệm vụ cho từng nhóm đối tượng cụ thể, tập trung sớm giải quyết vấn đề trước mắt", ông Cường chia sẻ.

Xây dựng nông thôn mới cần tập trung vào 'phần hồn'. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xây dựng nông thôn mới cần tập trung vào "phần hồn". Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để giải quyết, Cục trưởng Cục Trồng trọt đề xuất cơ cấu lại các vấn đề, nhất là khoa học công nghệ, tập trung làm hiệu quả, thay vì đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, ông có thêm hai kiến nghị tới Bộ NN-PTNT. Một, là có những chính sách cụ thể để duy trì, nuôi dưỡng những sản phẩm OCOP trở thành nguồn sinh lợi cụ thể, bền vững. Hai, là bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống để gắn NTM với du lịch, dịch vụ, đồng thời đảm bảo các vấn đề về môi trường.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản đóng góp ý kiến, rằng xây dựng NTM cần tập trung vào "phần hồn", ở đây là quyền bình đẳng, thụ hưởng công khai của người dân.

Bên cạnh đó, ông Toản đề nghị các địa phương cần tìm những hình mẫu khởi nghiệp thành công tại nông thôn, đồng thời nhìn nhận đúng xu hướng hồi hương, hướng nông của giới trẻ. Từ đó, Bộ, ban, ngành sẽ phối hợp để đưa ra chủ trương khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế nông thôn.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.