| Hotline: 0983.970.780

Phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nhanh và bền vững

Hướng tới phát triển vùng nguyên liệu và xúc tiến thương mại ngành thêu, dệt

Thứ Năm 24/09/2020 , 08:27 (GMT+7)

Chiều 23/9, tại Hà Nội, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN- PTNT) đã tổ chức Hội thảo Bảo tồn và Phát triển ngành nghề thêu, dệt.

Hội thảo được tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu gắn với quy hoạch phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến hàng thêu, dệt. Từ đó, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các mặt hàng thêu, dệt hướng tới xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hưng Giang.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hưng Giang.

Thị trường không ổn định, phụ thuộc vào nước ngoài

Ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, nguồn nguyên liệu phục vụ các làng nghề dệt gồm có tơ tằm, sợi bông, sợi lanh và gần đây là sợi gai, tơ sen. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa tự sản xuất được nguồn trứng tằm mà phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch.

Hơn nữa, vùng sản xuất nguyên liệu còn xen canh, ảnh hưởng đến năng suất nuôi tằm. Điều kiện môi trường ngày càng ô nhiễm, việc phun thuốc trừ cỏ cạnh ruộng trồng dâu, khói lò gạch khu vực đất bãi trong vùng nuôi tằm... đã làm cho khả năng mắc bệnh của tằm tăng đáng kể. Chưa kể, công nghệ chế biến chưa cho ra được các loại tơ cao cấp mà chủ yếu là tơ thô, giá bán phụ thuộc chính vào thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.

Gần đây một số doanh nghiệp của Trung Quốc cũng đã đầu tư vào sản xuất nguyên liệu tơ và vải lụa ở tỉnh Lâm Đồng. Theo ông Ngọc, điều này có tác động hai mặt, về mặt tích cực là tạo thêm vùng nguyên liệu dâu tằm tơ và việc làm, thu nhập cho người dân.

Nhưng việc này cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ tác động đến thị trường cũng như nguồn cung kén hiện tại và về lâu dài xuất hiện nguy cơ tẩy chay mua hàng tơ của Việt Nam. Vì hiện tại các doanh nghiệp mua tơ lớn của Ấn Độ là thị trường tiêu thụ tơ nguyên liệu lớn của nước ta đã cấm nhập khẩu tơ của Trung Quốc do yếu tố chính trị.

Cũng theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, nguyên liệu sợi bông của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu tới 98%, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Châu Phi…Một số tỉnh vùng miền núi có trồng bông để phục vụ nghề dệt của đồng bào dân tộc nhưng diện tích cũng không nhiều.

Hiện tại tiềm năng thị trường các sản phẩm dệt sợi bông se thủ công đang tăng nhanh. Trở ngại chính để phát triển nguồn nguyên liệu bông thủ công chính là sự lưỡng lự của người dân trong việc phát triển vùng nguyên liệu truyền thống này do không chắc chắn về thị trường. Việc chế biến sợi truyền thống cũng đang dần mai một, số người có thể kéo ra sợi bông có chất lượng cao đang suy giảm nhanh.

“Môi trường làng nghề dệt là một vấn đề thực sự nghiêm trọng. Đa số các làng nghề đều bị ô nhiễm nguồn nước do nước thải từ quá trình tẩy, nhuộm vải. Các làng nghề ít có khả năng tự đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải do chi phí cao trong khi đó vấn đề này lại ít được các địa phương quan tâm do nhiều lý do khác nhau, dẫn đến tình trạng người dân phải tự xử lý nội bộ theo hướng tiêu cực”, ông Lê Bá Ngọc nhấn mạnh.

Đa số lao động tại các làng nghề là lao động trên 35 tuổi, thậm chí có nhiều làng nghề chỉ còn lao động ngoài 50 tuổi. 

Đa số lao động tại các làng nghề là lao động trên 35 tuổi, thậm chí có nhiều làng nghề chỉ còn lao động ngoài 50 tuổi. 

Thiếu trầm trọng lao động trẻ

Tại hội thảo, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cũng chia sẻ, một vấn đề các làng nghề thêu, dệt hiện nay đang gặp phải là thiếu lực lượng lao động. Cùng đó, lao động tại các làng nghề dệt và thêu ngày càng già hóa.

Đa số lao động tham gia làm nghề tại các làng nghề là lao động trên 35 tuổi và thậm chí có nhiều làng nghề chỉ còn lao động ngoài 50 tuổi. Lao động trẻ hiện ít tham gia nghề và có xu hướng tìm việc ở thành phố hoặc các khu công nghiệp ở địa phương. Nhiều thanh niên nông thôn bỏ ra thành thị kiếm việc làm có thu nhập cao hơn, chứ không chí thú với nghề cha ông để lại.

Nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn trên, ông Lê Bá Ngọc đề xuất một số giải pháp, đó là cần phát triển vùng nguyên liệu quốc gia cho ngành dệt, thêu thủ công ở các vùng tập trung và khoanh vùng trên diện rộng. Vùng nguyên liệu tơ ưu tiên chính ở Lâm Đồng, Sơn La.

Song song với đó, phát triển các vùng nguyên liệu địa phương: Nguyên liệu dâu tằm được khuyến khích trồng ở các tỉnh có nghề ươm tơ dệt lụa và có diện tích đất bãi như Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, An Giang… Nghiên cứu chọn tạo giống dâu, tằm cho các vùng sinh thái, tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống tằm cao sản có chất lượng kén tốt.

Cũng theo ông Ngọc, cần sớm quy hoạch và triển khai vùng nguyên liệu bông ở các tỉnh Tây Bắc, trong đó lấy Lai Châu làm trọng điểm để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề dệt của đồng bào dân tộc thiểu số. Cần phát triển vùng nguyên liệu bông theo hướng hữu cơ để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển sản phẩm tập trung vào phân khúc trung và cao cấp.

Ngoài ra, cần sớm tìm giải pháp đưa vào các mô hình thu gom và xử lý nước thải tại các làng nghề dệt thêu trong khuôn khổ chương trình nông thôn mới hoặc thông qua các đề án cụ thể.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam ghi nhận những khó khăn, tồn tại mà các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hiệp hội,… nói riêng và ngành dệt, thêu Việt Nam nói chung đã nêu ra. Thứ trưởng cũng ghi nhận những đề xuất, góp ý về giải pháp của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hiệp hội,… 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hiện việc liên kết của ngành còn yếu do chưa có hiệp hội ngành thêu, dệt chung của cả nước. Vì vậy, trong thời gian tới, cần sớm hình thành Hiệp hội dệt và thêu thủ công Việt Nam với đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp và gắn chặt với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Cùng với đó, là tăng cường năng lực cho các Hiệp hội dệt và thêu địa phương. Tăng cường liên kết các doanh nghiệp dệt, thêu, các làng nghề với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, các nhà thiết kế, nhà mua hàng trong và ngoài nước.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.