| Hotline: 0983.970.780

Huyện miền núi vượt khó

Thứ Sáu 17/02/2023 , 08:36 (GMT+7)

Võ Nhai là một huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, vì nhiều lý do khó khăn nên hiện vẫn còn 8 xã chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nỗ lực về đích

Huyện Võ Nhai có 8 xã chưa về đích NTM, thì trong đó có 6 xã phía bắc, là khu vực khó khăn nhất của huyện. Đây là những địa bàn có địa hình miền núi chia cắt, dân cư thưa thớt, diện tích đất canh tác manh mún và có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao.

Để gỡ khó trong xây dựng NTM, huyện Võ Nhai và các xã trong vùng đã đưa ra những giải pháp và lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế. Việc triển khai xây dựng NTM sau 10 năm cũng đã đem lại những hiệu quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt ở những nơi này.

Như tại Cúc Đường, một xã miền núi nằm cách xa trung tâm huyện Võ Nhai gần 30km. Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã Cúc Đường đã có nhiều đổi thay, kinh tế có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng cao.

Theo kế hoạch, Cúc Đường sẽ là xã đầu tiên trong khu vực phía bắc của huyện Võ Nhai về đích NTM vào năm 2023. Địa phương này cũng đã nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí như: Trường học, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều, môi trường và an toàn thực phẩm.

Với các chỉ tiêu chưa đạt, xã Cúc Đường đã đề ra các giải pháp cụ thể, tính khả thi cao. Đơn cử như tiêu chí trường học, xã đang đầu tư xây dựng nhà 2 tầng với 6 phòng học, sân thể dục cho trường THCS để có thể đạt chuẩn vào năm học tới. Với tiêu chí nghèo đa chiều, xã đang có nhiều giải pháp tích cực, như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ người dân vay vốn… Một tiêu chí rất quan trọng, đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 26% xuống còn dưới 13% vào cuối năm 2023.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường, thông tin: Là một xã khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tổng diện tích sản xuất cây lương thực hằng năm chưa tới 400ha… nên việc xây dựng NTM trở thành việc làm rất thiết thực, nhưng cũng là thách thức lớn. Để hoàn thành chương trình này, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng NTM. Cùng với đó là tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế…

4

Lãnh đạo huyện Võ Nhai kiểm tra một công trình đường giao thông nông thôn mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Hữu Được.

Một xã khác là Vũ Chấn, được huyện Võ Nhai đề ra mục tiêu là về đích nông thôn mới vào năm 2025. Hiện Vũ Chấn đã hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM, nhưng vẫn còn 6 tiêu chí chưa đạt chuẩn gồm: Trường học, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều, môi trường và an toàn thực phẩm.

Đảng uỷ, chính quyền xã Vũ Chấn đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tranh thủ sự quan tâm đầu tư của cấp, ngành chức năng của tỉnh, của huyện; sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước để giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn... Xã Vũ Chấn cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân dần thay đổi nếp nghĩ, khơi dậy được tinh thần chủ động trong nhân dân. Mặc dù vậy, với đặc thù xã vùng cao khó khăn, địa hình bị chia cắt nên tỷ lệ hộ nghèo hiện lên tới hơn 40%. Việc phát huy nội lực là không nhiều nên xã Vũ Chấn cần có sự tăng cường đầu tư từ ngân sách nhiều hơn nữa của huyện Võ Nha và các cấp, ngành của tỉnh Thái Nguyên.

Tính đến năm 2022, huyện Võ Nhai mới có 6/14 xã đã đạt chuẩn NTM (gồm: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến, Bình Long). Ngoài ra, xã Liên Minh cũng đã được huyện Võ Nhai đánh giá là hoàn thành 19/19 tiêu chí và cũng đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên đánh giá, công nhận đạt chuẩn NTM.

Theo thông tin của UBND xã Liên Minh, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2022, xã vẫn còn tới 9 tiêu chí về NTM chưa đạt. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo, hỗ trợ của huyện và với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xã đã hoàn thành 9 tiêu chí này trong năm 2022.

Trong năm 2022, toàn huyện Võ Nhai đã giảm 3,15% số hộ nghèo (giảm còn 17,4%); xây dựng 2 trường đạt chuẩn Quốc gia; duy trì 15 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90,5%; 100% các xóm được sử dụng điện lưới; trên 98% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Với những kết quả nói trên, huyện vùng cao Võ Nhai đã hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM năm 2022.

68239117ec4e36106f5f

Huyện Võ Nhai phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ một hợp tác xã hoàn thiện bao bì sản xuất. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cần sự quan tâm đầu tư

Hiện nay, huyện Võ Nhai còn lại 7 xã chưa hoàn thành việc xây dựng NTM. Trong đó có 6 xã miền núi phía bắc hiện mới chỉ đạt từ 11-13 tiêu chí xây dựng NTM.

Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện Võ Nhai cho biết: Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại các xã phía bắc của huyện Võ Nhai gặp không ít khó khăn, bởi khu vực này có tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ của người dân còn hạn chế, thu nhập bình quân thấp, địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, rất khó khăn trong thực hiện đối ứng để xây dựng kết cấu hạ tầng...

Để gỡ khó cho khu vực này, huyện Võ Nhai đã đề ra lộ trình phù hợp với mục tiêu xây dựng thành công hai xã về đích NTM trong giai đoạn 2021-2025. Qua đó, huyện điều chỉnh nguồn lực phù hợp để hỗ trợ hai xã về đích.

Huyện Võ Nhai cũng triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người dân; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tạo động lực xây dựng NTM cho người dân trong khu vực này...

Đến nay, mặc dù kết quả xây dựng NTM tại các xã còn đạt thấp nhưng quá trình thực hiện bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ đề ra. Với nguồn lực còn hạn chế, để các xã phía bắc xây dựng thành công NTM, huyện Võ Nhai đề xuất tăng cường các nguồn lực hỗ trợ huyện đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng. Lãnh đạo huyện cũng có chính sách hỗ trợ các địa phương này xây dựng các mô hình, dự án, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản, chương trình OCOP …

1556289d4dc4979aced5

Huyện Võ Nhai hỗ trợ xây dựng nhiều vườn cây ăn quả theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bà Bùi Thị Sen Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Huyện đã chủ động triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách hàng năm; tổ chức các hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với thanh niên, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và nhân dân để có những giải pháp hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Huyện Võ Nhai cũng tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Việc triển khai lồng ghép các chương trình, dự án với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được quan tâm.

Tổng giá trị sản xuất các ngành chủ yếu trên địa bàn huyện năm 2022 đạt trên 2,74 nghìn tỷ đồng, vượt 4,7% kế hoạch, tăng 12,1% so với năm 2021; tổng thu ngân sách đạt trên 83 tỷ đồng, vượt 48% kế hoạch, tăng 44% so với năm trước; giá trị sản phẩm trên đất trồng trọt đạt 96,2 triệu đồng/ha, tăng 8,5%;  sản lượng lương thực có hạt đạt 52,5 nghìn tấn, vượt 5% kế hoạch; diện tích trồng rừng tập trung đạt gần 904ha, vượt 70% kế hoạch, tăng 6% so với năm 2021...

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.