| Hotline: 0983.970.780

Chè Thái Nguyên khẳng định vị thế 'Đệ nhất danh trà'

Thứ Ba 10/01/2023 , 06:05 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua, những sản phẩm chè Thái Nguyên sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP và được chứng nhận OCOP đang khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Khách hàng tin dùng

Chè Thái Nguyên, thương hiệu nổi tiếng trên cả nước, được người tiêu dùng công nhận là “Đệ nhất danh trà” của Việt Nam. Trước đây, người nghiền trà sử dụng chỉ chú trọng tới hương vị thơm ngon của sản phẩm, nhưng đến nay khách hàng đòi hỏi chè phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Để đáp ứng với nhu cầu thị trường, nhiều nhà vườn đã chuyển sang canh tác theo tiêu chuẩn ViepGAP và theo hướng hữu cơ. Chính vì vậy, xuất hiệu nhiều vùng sản xuất chè uy tín tại các địa phương có thế mạnh về loại cây trồng này là thành phố Thái Nguyên (các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu), huyện Đồng Hỷ, huyện Đại Từ và huyện Phú Lương.

Nói về loại sản phẩm này, không thể không nói đến Hợp tác xã chè Thủy Thuật (HTX) tại xã Phúc Trìu. Từ một tổ hợp tác (THT)  được thành lập vào năm 2012, ban đầu gồm 3 thành viên hợp tác sản xuất và kinh doanh chè truyền thống. Ngay từ đó, THT đã sản xuất theo đúng quy trình VietGAP và đến năm 2014 thì chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ.

Để mở rộng sản xuất, đến năm 2016 đã thành lập HTX chè Thủy Thuật do ông Nguyễn Viết Thuật là giám đốc, gồm 8 thành viên. Với mục đích trồng chè, sản xuất chế biến, mua bán các sản phẩm từ chè; tư vấn, chuyển giao công nghệ các sản phẩm từ chè. Đến tháng 10/2022, HTX chè Thủy Thuật trở thành đơn vị đầu tiên của thành phố Thái Nguyên được công nhận sản xuất đạt chuẩn hữu cơ.

HTX chè Thủy Thuật đã sản xuất, chế biến được nhiều sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trên cả nước, HTX đã xây dựng được 9 đại lý phân phối, cùng hệ thống khách hàng thân quen rộng khắp.

Ông Nguyễn Viết Thuật chia sẻ, là người sinh sống tại vùng chè Tân Cương, loại cây mũi nhọn của địa phương và có giá trị kinh tế cao. Nhưng thời điểm đó, mức đầu tư thâm canh cho cây chè của người dân còn thấp, thiết bị chế biến còn lạc hậu nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Khi thành lập THT, HTX là việc tập trung đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất. Đến nay, những diện tích trồng chè của HTX được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ, sản phẩm OCOP… đã khẳng định thương hiệu chè Thủy Thuật. Nhờ đó, sản phẩm được biết đến rộng rãi hơn, người dùng tin tưởng.

11

Vườn chè hữu cơ của HTX chè Thủy Thuật tại xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.

HTX chè La Bằng là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận chè hữu cơ ở huyện Đại Từ. HTX được thành lập từ năm 2006 và hoạt động từ đó đến nay, chính là bàn đạp đưa thương hiệu chè của địa phương này có tên trên thị trường. Hiện HTX có 15 hộ thành viên, hơn 100 hộ liên kết, với tổng diện tích lên đến hơn 30ha. Trong đó 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2012, còn 10ha đã sản xuất theo hướng hữu cơ từ năm 2019 và được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ vào năm 2021.

Hiện HTX chè La Bằng có 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (2 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao). Nhờ làm chè sạch mà sản phẩm của HTX bán ra thị trường được nhiều người ưa chuộng, tin dùng và trở thành khách quen. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, có mặt trên các kệ hàng của các siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước.

Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng khẳng định, khách hàng hiện nay không chỉ đòi hỏi hương vị chè ngon, mà còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Những sản phẩm chè hữu cơ, VietGAP và được chứng nhận sản phẩm OCOP đã khẳng định chất lượng của sản phẩm. Cũng từ đó, khách hàng trên cả nước tin dùng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài.

3

Vườn chè được sản xuất theo hướng hữu cơ tại xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Sản xuất theo hướng hữu cơ trở thành phong trào

Để thích ứng với nhu cầu của thị trường, nhiều HTX chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ lâu cũng đã thay đổi cách canh tác cũ, từ bỏ dần phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu hóa học. Đối với các đơn vị sản xuất, các mặt hàng được chứng nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên chính là mục tiêu được hướng đến, để khẳng định chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Ông Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên (ở xóm Thái Sơn 2, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên) chia sẻ: "Người dân chúng tôi sinh sống giữa vùng chè Tân Cương, nhờ sớm làm chè hữu cơ nên môi trường ở khu vực này trong lành, không còn mùi khó chịu của thuốc trừ sâu hóa học bay khắp nơi như trước. Nguồn nước giờ cũng cơ bản sạch, an toàn và nước giếng vẫn là nguồn nước sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của người dân. Người dân trong xóm đã từ lâu không có người bị bệnh ung thư hay bệnh hiểm nghèo liên quan tới ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Do nhận thức được tác hại từ thuốc sâu hóa học và phân bón vô cơ như vậy, nên từ trước năm 2010, HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên đã bắt đầu canh tác chè theo hướng hữu cơ rất sớm khi còn rất ít người sản xuất theo hình thức này ở Thái Nguyên. Đến nay, đơn vị này có diện tích trồng chè hơn 10ha, tất cả đã được chứng nhận VietGAP và đang trong quá trình làm quy trình để được công nhận là sản phẩm chè hữu cơ.

907dd150d3dc17824ecd

Anh Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên bên vườn chè đạt chứng nhận VietGAP. Ảnh: Toán Nguyễn.

Những người làm chè hữu cơ phải thừa nhận, thời gian đầu mới canh tác theo hướng này thì tình trạng sâu bệnh hoành hành với mật độ cao. Người trồng chè bị thất thu, thậm chí không được thu hoạch, nhiều xã viên chán nản và muốn quay lại hình thức canh tác cũ. Tuy nhiên, những lãnh đạo của các HTX đã động viên người dân kiên trì, giải thích cặn kẽ với bà con những cái lợi của việc canh tác theo hướng hữu cơ.

Sau khi mọi người hiểu được, các chế phẩm hữu cơ như vỏ đỗ, vỏ cây, mùn cưa, phân xanh, phân chuồng, lạc dại, rơm rạ… cần có thời gian để phân hủy, cải tạo đất. Sau đó, bà con không dùng thuốc trừ sâu hóa học độc hại nữa, thay vào đó là chế phẩm sinh học có nguồn gốc là thảo mộc. Sau một thời gian, những thiên địch có lợi phát triển, cũng là lúc sâu bệnh được giải quyết. Sau khoảng 6 tháng, khi cây chè bắt đầu hút được dưỡng chất từ các chế phẩm hữu cơ thì sản lượng chè bắt đầu được khôi phục. Sau hơn 1 năm, lượng dưỡng chất trong đất đã được duy trì ổn định thì hiệu quả thấy rõ, sản lượng đạt tương đương với khi dùng phân hóa học, nhưng chất lượng đảm bảo an toàn tuyệt đối.

20221227_094413

Sản phẩm chè hữu cơ trên kệ hàng của Trung tâm trưng bày và bán sản phẩm Hương Vân trà. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng ngày càng khắt khe về việc lựa chọn các sản phẩm, điều này yêu cầu các đơn vị sản xuất chè phải thay đổi cách sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào canh tác để tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao.

Để cung cấp ra thị trường những sản phẩm chè Thái Nguyên chất lượng cao nhất, tất cả các khâu sản xuất đều được đầu tư bài bản, đúng quy trình. Từ việc chọn cây giống, chăm bón, tưới nước, đến việc sơ chế, cách đóng gói và mẫu mã bao bì. Trước khi xuất xưởng, sản phẩm chè được phân loại theo từng loại sản phẩm và giá trị khác nhau. Tất cả những điều đó đã khẳng định vị thế thương hiệu “Đệ nhất danh trà” của chè Thái Nguyên.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.