| Hotline: 0983.970.780

Nông sản hữu cơ, OCOP cháy hàng dịp giáp Tết

Thứ Bảy 21/01/2023 , 13:36 (GMT+7)

Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp cho tới giáp Tết Nguyên đán, các trung tâm phân phối và cửa hàng nông sản an toàn tại Thái Nguyên trở nên nhộn nhịp.

Điểm phân phối nông sản thực phẩm an toàn Huyền Hân (tại số 502, đường Thống Nhất, phường Tân Thịnh), là một trong những địa điểm trưng bày và mua bán sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản đa dạng nhất tại thành phố Thái Nguyên. Đơn vị này 100% bán hàng OCOP, không chỉ là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên, mà còn tập trung những mặt hàng đặc sản của các các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Một trong những mặt hàng nổi bật của đơn vị này, đó là rượu men lá Bằng Phúc, là loại rượu thủ công của đồng bào dân tộc Tày, sản phẩm OCOP của xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Chỉ trong tháng Chạp, đơn vị này đã bán cho khách tiêu dùng lên tới gần 10.000 lít.

Theo bà Đặng Thị Huyền, Giám đốc HTX nông nghiệp Huyền Hân, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, đơn vị đã nhận được những đơn đặt hàng của các hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ trên cả nước. Vì vậy, HTX đã liên kết với các cơ sở sản xuất, sẵn sàng cung cấp hàng cho đối tác. Số lượng hàng hoá tiêu thụ riêng tháng giáp Tết gấp 5 – 6 lần so với các tháng bình thường. HTX nông nghiệp Huyền Hân cũng phải tăng cường thêm nhân lực đóng hàng và vận chuyển hàng từ 6h sang tới 21h hàng ngày. Đến ngày 29 Tết, gần như hàng hoá đã hết, đơn vị đã chính thức đóng cửa, cho nhân viên nghỉ Tết.

HTX nông nghiệp Huyền Hân đã hết hàng và cho nhân viên nghỉ Tết từ ngày 29. Ảnh: Toán Nguyễn.

HTX nông nghiệp Huyền Hân đã hết hàng và cho nhân viên nghỉ Tết từ ngày 29. Ảnh: Toán Nguyễn.

Công ty TNHH Nông sản Minh Vân (Công ty Minh Vân), một trong những đơn vị cung ứng thực phẩm rau hữu cơ tại Thái Nguyên. Đơn vị này trồng rau hữu cơ trực tiếp tại xã Đồng Liên (ngoại thành TP Thái Nguyên), có hệ thống nhà màng, tưới tiêu bán tự động và có khu vực ủ phân hữu cơ được đầu tư đồng bộ.

Tại đây, có 14 lao động thường xuyên và thời vụ làm việc, 100% không sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích và thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường. Công ty Minh Vân ngoài sản xuất trực tiếp rau hữu cơ, còn liên kết với các nhà vườn khác như HTX Xuân Đám, HTX Toàn Thành, HTX ATK, HTX Bình Minh, HTX Thành Nam… có diện tích vùng sản xuất lên đến khoảng 40 ha, trồng các loại rau quả theo mùa quanh năm.

Bà Nguyễn Thị Xuyến, cán bộ Công ty TNHH nông sản Minh Vân chia sẻ: Công ty có cửa hàng chính trên đường Cách mạng tháng 8, thuộc phường Gia Sàng để bán các sản phẩm rau, củ, quả hàng ngày sản xuất được. Ngoài ra, sản phẩm của công ty cung cấp cho thị trường TP Thái Nguyên và một số cửa hàng nông sản tại Hà Nội. Mới đầu do giá cả đắt hơn rau, quả bán trôi nổi trên thị trường nên khó bán, nhưng sau các khách hàng quen và tin tưởng nên giờ đã tiêu thụ tốt, cửa hàng lúc nào cũng phải có 3 – 4 nhân viên bán hàng.

Ngoài ra, do dịp Tết Nguyên đán nhu cầu của khách hàng tăng cao, nên cửa Công ty Minh Vân đã phối hợp với các cơ sở sản xuất, nhập thêm các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP về. Phương châm của Công ty Minh Vân là nói không với sản phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.

Rau, củ, quả hữu cơ tại của hàng nông sản Minh Vân. Ảnh: Toán Nguyễn.

Rau, củ, quả hữu cơ tại của hàng nông sản Minh Vân. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nói về các sản phẩm nông sản Thái Nguyên, không thể không nói đến mặt hàng chè. Dịp cận Tết, các đơn vị sản xuất chè hữu cơ, VietGAP và đã được chứng nhận sản phẩm OCOP được khách hàng trên cả nước tin dùng. Nhiều đơn vị đã xây dựng riêng các sản phẩm quà Tết, có mẫu mã đẹp để khách mua về tiêu dùng và làm quà.

Như HTX Hương Vân Trà có trụ sở tại đường Việt Bắc, phường Đồng Quang, để phục vụ khách hàng tăng cao, đơn vị này đã tăng cường thêm hàng chục lao động làm nhiệm vụ lấy hương chè, đóng gói, đóng hàng. Đó cũng là niềm vui chung của các đơn vị sản xuất và cung ứng chè an toàn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Sản phẩm trà hữu cơ của HTX Hương Vân Trà. Ảnh: Toán Nguyễn.

Sản phẩm trà hữu cơ của HTX Hương Vân Trà. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX chè trung du Tân Cương thông tin: Dịp cận Tết Nguyên đán, mức độ tiêu thụ lớn nên chúng tôi phải chuẩn bị hàng từ 4 – 5 tháng trước. Hàng bán Tết thì cũng phải có bao bì riêng, không khí xuân và đa dạng sản phẩm để phục vụ khách hàng. Các sản phẩm chè, tuỳ theo từng loại mà có giá từ 350.000đ/kg cho tới hơn 3 triệu đồng. Để đảm bảo sản phẩm chè được thơm ngon, tránh để lâu ngày dễ bị hỏng, đơn vị đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có khối lượng nhỏ, loại đóng gói nhiều nhất và được ưa chuộng là loại gói nhỏ pha được ấm trà cho tới 200g/gói.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.