Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, sau 10 năm (2011- 2020) triển khai thực hiện, đến nay kinh tế- xã hội của huyện Tân Yên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Kinh tế - xã hội chuyển biến rõ nét; bộ mặt nông thôn đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Chi 3.668,629 tỷ đồng cho nông thôn mới
Để thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tân Yên đã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt; đồng thời tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình.
Huyện ủy đã ban hành nghị quyết lãnh đạo; HĐND huyện ban hành Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; UBND huyện ban hành kế hoạch và văn bản triển khai thực hiện; Tổ chức hội nghị, quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh; triển khai kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện.
Chỉ đạo UBND các xã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã, tiểu ban quản lý, ban giám sát các thôn. Hàng năm, Ban chỉ đạo huyện và Ban quản lý xã được kiện toàn để đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo từng giai đoạn.
UBND huyện, Ban chỉ đạo xây dựng xây dựng nông thôn mới huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn UBND các xã rà soát, xây dựng quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới làm căn cứ triển khai thực hiện.
Hàng năm, trên cơ sở kết quả rà soát đánh giá các tiêu chí, huyện đã lựa chọn các xã có điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế- xã hội, số tiêu chí đạt khá để tập trung chỉ đạo hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình hàng năm. Đối với các xã còn lại, huyện chỉ đạo đăng ký phấn đấu đạt thêm từ 1-2 tiêu chí hoặc một số chỉ tiêu trong các tiêu chí.
Việc phân kỳ, xác định lộ trình từng xã theo từng năm, từng giai đoạn được xây dựng chi tiết đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra và giúp cho huyện cân đối nguồn thu ngân sách, có cơ chế hỗ trợ kịp thời cho các xã.
Huyện luôn chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các cấp. Từ năm 2011 đến nay, đã tổ chức 23 lớp tập huấn cho 1.879 đối tượng là cán bộ nông thôn mới cấp huyện, xã, bí thư, trưởng thôn và cán bộ mặt trận Tổ quốc thôn, tổ dân phố; 118 hội nghị cán bộ để quán triệt triển khai Chương trình của Huyện ủy, Kế hoạch của UBND huyện về xây dựng nông thôn mới cho 7.014 lượt cán bộ chủ chốt của xã, bí thư, trưởng thôn về xây dựng nông thôn mới.
Ban chỉ đạo huyện, các ngành thành viên, các xã tổ chức 109 hội nghị tập huấn nghiệp vụ và tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cho 7.882 lượt cán bộ xã, thôn. Tổ chức 14 cuộc thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, …
Về huy động nguồn vốn, tổng kinh phí thực hiện đến tháng 3/2020 là 3.668,629 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 295,800 tỷ đồng chiếm 8,06%; tỉnh 180,400 tỷ đồng chiếm 4,91%; huyện 389,273 tỷ đồng chiếm 10,61%; xã 1.127,423 tỷ đồng chiếm 30,73%; vốn đầu tư của doanh nghiệp, HTX 11,200 tỷ đồng chiếm 0,3%; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư, vốn khác 1.664,533 tỷ đồng chiếm 45,37%;
Ngoài ra, huy động từ nguồn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 08/9/2018 của Chính phủ đến nay dự nợ 2.700 tỷ đồng. Đến nay, huyện Tân Yên không có nợ xây dựng cơ bản trong nông thôn mới.
Tổng số xã trên địa bàn huyện tính theo số xã sau sáp nhập là 20 xã. Số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 20/20 xã (hết năm 2019 huyện Tân Yên đã hoàn thành 100% số xã).
Trong đó, giai đoạn 2011-2015 là 03 xã, gồm xã Liên Sơn, Quang Tiến, Ngọc Lý (đã trừ đi xã Cao Thượng sáp nhập vào thị trấn Cao Thượng); giai đoạn 2016- 2020 là 17 xã, gồm xã Quế Nham, Phúc Hòa, Việt Lập, Phúc Sơn, Đại Hóa, Ngọc Châu, Lam Cốt, Ngọc Vân, Việt Ngọc, Lan Giới, An Dương, Ngọc Thiện, Hợp Đức, Liên Chung, Song Vân, Cao Xá, Tân Trung (đã trừ đi xã Nhã Nam sáp nhập vào thị trấn Nhã Nam).
Coi sản xuất, nâng cao thu nhập là gốc
Tân Yên xác định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất là yếu tố cốt lõi để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Huyện đã chú trọng đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, thủy lợi, thực hiện các chương trình, dự án thúc đẩy sản xuất; khai thác mọi tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại.
Trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, Tân Yên là huyện đầu tiên của tỉnh lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2011- 2020; quy hoạch phát triển sản xuất cây ăn quả đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; quy hoạch làng thủy sản.
Huyện ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; làm tốt công tác liên kết với doanh nghiệp, định hướng, tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Mỗi năm có hơn 20 doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần quan trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả các đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành theo hướng giảm tỷ trọng trong trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm hộ nghèo.
Tích cực đưa cây trồng có giá trị, sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó, chất lượng sản phẩm được nâng lên, thị trường tiêu thụ ổn định.
Từ năm 2011 đến nay, huyện đã tập trung dồn điền, đổi thửa (đã dồn điền, đổi thửa được 2.462,9 ha), tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hình thành và duy trì 24 cánh đồng mẫu quy mô 21-70 ha/cánh đồng sản xuất lúa, 78 vùng sản xuất rau màu tại các xã, hiệu quả sản xuất tại cánh đồng mẫu, vùng tập trung tăng 15-25% so với sản xuất đại trà.
Chuyển đổi 740,4 ha diện tích sản xuất lúa không ăn chắc sang trồng cây ăn quả, khuyến khích các hộ gia đình cải tạo vườn tạp, vàn đồi trồng cây ăn quả, mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm quả.
Đến nay, Tân Yên đã có 3.417 ha cây ăn quả gồm vải sớm, nhãn muộn, bưởi, vú sữa, ổi lê,... trong đó có 1.500 ha sản xuất theo quy trình VietGAP; 333,3 ha vải sớm, vú sữa, bưởi, ổi lê đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm vải sớm, vú sữa, ổi lê đã có truy xuất nguồn gốc và bao bì đóng gói.
Đã xây dựng 37 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trồng rau, dưa lưới, hoa trong nhà lưới tại xã Phúc Sơn; vùng sản xuất cây ăn quả công nghệ cao tại xã Phúc Hòa.
Trong chăn nuôi, thủy sản, Tân Yên là huyện có số lượng đàn lợn lớn nhất tỉnh Bắc Giang, chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại (huyện có 381 trang trại tổng hợp, doanh thu trên 1,5 tỷ đồng/trang trại/năm). Nhãn hiệu “Lợn sạch Tân Yên” hàng năm cung cấp ra thị trường gần 20 nghìn tấn lợn hơi.
Chất lượng đàn vật nuôi được cải tạo và nâng cao, sử dụng giống lợn nái ngoại, lợn lai, lợn siêu thịt (chiếm 90%), gà lai mía, gà ri lai, gà lai chọi (100%), bò lai Sind, BBB, Branhman ngoại (90%),... sản phẩm chăn nuôi cho năng suất, chất lượng cao.
Sản xuất thủy sản theo hướng thâm canh và bán thâm canh, đạt tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học được mở rộng đạt 1.370 ha, trong đó diện tích nuôi chuyên canh là 1.265 ha, sản lượng đạt 8.350 tấn; có 06 vùng nuôi thuỷ sản tập trung quy mô 75 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Huyện đã xây dựng và phát triển 7 nhãn hiệu hàng hoá đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện (lạc giống Tân Yên, vải sớm Phúc Hòa, lợn sạch Tân Yên, mỳ gạo Châu Sơn, vú sữa Tân Yên, ổi lê Tân Yên, hành tía); mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm sâm nam núi Dành.
Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 152 triệu đồng/ha/năm, tăng 102 triệu đồng/ha/năm so với năm 2011.
Bài học kinh nghiệm
Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tân Yên, những bài học kinh nghiệm được rút ra là:
Thứ nhất: Phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; tăng cường kỷ cương và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai: Phải làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức đúng đắn mục đích, ý nghĩa về xây dựng nông thôn mới. Xác định rõ người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và đối tượng hưởng lợi chính là cộng đồng dân cư, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, chỉ đạo và hỗ trợ một phần.
Thứ ba: Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt phải công khai các hạng mục công trình cần thực hiện, minh bạch rõ các nguồn vốn để nhân dân được biết và chủ động tham gia đóng góp, thực hiện tốt vai trò giám sát của cộng đồng trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ công trình nông thôn mới.
Thứ tư: Phải coi phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập của người dân là trọng tâm của nội dung xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, phải đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tích cực thu hút doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm nông sản có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và huy động tốt nguồn lực từ đóng góp của người dân cho xây dựng nông thôn mới
Thứ năm: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong xây dựng nông thôn mới; quan tâm đến công tác xây dựng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt các cấp nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ chuyên trách nông thôn mới, bí thư chi bộ, trưởng thôn.
Thứ sáu: Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục. Gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Kịp thời biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, cách làm hay, sang tạo trong xây dựng nông thôn mới.