Huyền thoại sóc Bom Bo
Sóc Bom Bo, một địa danh huyền thoại của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, đã đi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ như biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết.
Đây là nơi đồng bào dân tộc S’tiêng ngày đêm giã gạo nuôi quân, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của dân tộc. Sóc Bom Bo cũng được nhắc đến trong bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" của nhạc sĩ Xuân Hồng, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ sau.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974-14/12/2024), vừa qua tại địa danh này, UBND huyện Bù Đăng đã long trọng tổ chức Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024. Tại đây, chính quyền và nhân dân huyện Bù Đăng đã ôn lại quá khứ đánh giặc, nhường lúa, nhường mì, ngày làm mùa, đêm giã gạo phục vụ bộ đội chống Mỹ cứu nước của người dân Bù Đăng, đặc biệt là những đồng bào người dân tộc S’tiêng tại sóc Bom Bo, cao điểm là trong chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long năm 1965.
Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, trong những ngày chuẩn bị lương thực cho chiến trường, trên nương rẫy, bưng bàu như những ngày hội lớn, nhân dân nô nức thi đua suốt lúa, tập trung thóc vào kho hậu cần. Trước yêu cầu cao điểm phục vụ lương thực cho chiến dịch, với quyết tâm cao, bằng sự sáng tạo của mình, đồng bào sóc Bom Bo đã huy động toàn bộ cối, chày hiện có và còn dùng cây sao dài đục thành hàng chục lỗ cối với chày tay giã gạo kịp thời cho chiến dịch. Sau gần 3 ngày đêm giã gạo liên tục, nhân dân sóc Bom Bo đã giã được 5 tấn gạo phục vụ và góp phần vào chiến thăng của chiến dịch.
Chiến tranh đã lùi xa, người dân Bom Bo không còn giã gạo ban đêm dưới ánh lửa bập bùng của đuốc lồ ô nữa, hình ảnh ấy đã được các nghệ nhân không chuyên của sóc Bom Bo khéo léo chuyển thành các động tác múa rất nghệ thuật đã đưa người xem trở về không khí hào hùng của những năm kháng chiến.
Theo ông Nguyễn Vũ Văn Mười, lễ hội không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch mà còn góp phần từng bước thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Qua các hoạt động của lễ hội, cũng nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tạo không khí vui tươi phấn khởi, cổ vũ động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
“Trong nhịp sống hối hả, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” vẫn tiếp tục ngân vang cả ngày lẫn đêm, nhưng không phải là tiếng chày giã gạo nuôi quân mà là tiếng chày của no ấm, của nghệ thuật, của tình yêu. Nhấp cò rượu cần, thưởng thức thịt heo nướng chấm muối ớt xanh, say cùng lời ca, điệu múa trong ánh lửa bập bùng, nhịp chày càng mạnh mẽ và hăng say, tiếng cười sẽ mãi vang vọng cả núi rừng Bom Bo”, ông Vũ Văn Mười nhấn mạnh.
Nơi lưu giữ giá trị văn hóa lịch sử
Trong khuôn khổ lễ hội, chúng tôi rất ấn tượng với khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng tại sóc Bom Bo. Nơi đây không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa đặc sắc bản địa mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Tại đây, nhiều hoạt động văn hóa được tái hiện một cách sinh động như: Khám phá nghề dệt thổ cẩm và tham quan nhà dài, nơi sinh hoạt cộng đồng được xem là nét đặc trưng tiêu biểu nhất cho đời sống sinh hoạt của người đồng bào S’tiêng; tìm hiểu bộ đàn đá và bộ cồng chiêng chế tác bằng đồng đỏ và thiếc lớn nhất vừa lập kỷ lục Việt Nam; trải nghiệm giã gạo chày đôi cùng nhiều hoạt động bảo tồn các làn điệu ca, múa dân gian của người S’tiêng và các lễ hội dân gian đặc sắc khác...
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Bù Đăng, trong những năm qua, công tác phát triển văn hóa, đặc biệt là công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Bù Đăng quan tâm thực hiện và tạo điều kiện phát triển. Năm 2018, Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo được chuyển giao về cho UBND huyện Bù Đăng quản lý.
Huyện Bù Đăng đã tiến hành trùng tu, nâng cấp và xây dựng nhiều công trình trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo, quảng bá các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di tích văn hóa, nhằm phát triển dịch vụ du lịch hướng tới xây dựng “Bù Đăng – cuộc sống xanh, điểm đến bình yên”.
“Kể từ đó, Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo là địa điểm không thể bỏ qua khi du khách đến với Bình Phước nói chung và Bù Đăng nói riêng. Bình quân mỗi năm, Khu Bảo tồn đón tiếp hơn 20.000 lượt người trong và ngoài nước, trong đó có các đoàn khách quốc tế như: Hàn Quốc, Campuchia… Qua đó, hình ảnh của huyện Bù Đăng nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung, bản sắc văn hóa của người S’tiêng được quảng bá tới bạn bè quốc tế”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết thêm, không chỉ có khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng, huyện Bù Đăng được thiên nhiên ưu đãi khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ để trồng cây ăn trái mà hệ thống rừng, danh lam thẳng cảnh tương đối dồi dào, có nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Sóc Bom Bo huyền thoại, khu căn cứ Nửa Lon, chùa Đức Bổn A La Nhã… Du khách cũng thích thú khi đến Thác Voi – từng là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào M'nông…
“Trong thời gian tới, huyện Bù Đăng tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư đến với Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo nói riêng, huyện Bù Đăng nói chung, tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư đến tìm hiểu và xây dựng phương án đầu tư; lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận địa điểm là Khu Bảo tồn và di tích lịch sử, tăng cường công tác quảng bá các di sản văn hóa, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số tại Khu Bảo tồn”, ông Vũ Văn Mười nhấn mạnh.