Theo UBND huyện Na Hang, đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản của huyện, đến nay toàn huyện có 1 sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được cấp chỉ dẫn địa lý; 8 sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, gồm: Rượu ngô Na Hang, rượu ngô men lá Thức Mần, chè núi Kia Tăng; rau an toàn Hồng Thái, thịt lợn đen Thanh Tương, bún khô Đà Vị; vịt bầu Côn Lôn; quả lê Khau Tràng.
Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá là sản phẩm duy nhất của tỉnh Tuyên Quang năm 2022 được đề nghị đánh giá nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao. Điều này cũng khẳng định được vị thế nông nghiệp tốt của huyện Na Hang trong bức tranh kinh tế nông nghiệp Tuyên Quang.
Xã Hồng Thái, huyện Na Hang có 21ha chè Shan tuyết được công nhận đạt chuẩn hữu cơ. Đây là vùng chè hữu cơ lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Phát triển vùng chè đặc sản của địa phương, những năm qua chính quyền và người dân luôn nỗ lực xây dựng thương hiệu, kết nối tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu chè Shan tuyết trên địa bàn xã là trên 64 ha, trong đó có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có 35 ha chè trồng trên 25 năm tuổi đang được Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang liên kết với các hộ dân trên địa bàn bảo vệ chăm sóc và thu hái.
Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX Sơn Trà cho biết, toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến chè Shan tuyết của HTX đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha chế, ướp hương liệu. Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá của địa phương đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Hội đồng OCOP cấp Quốc gia nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao. Khi đạt được 5 sao OCOP, chắc chắn thương hiệu và giá trị của sản phẩm sẽ được nâng tầm.
Năm 2022 cũng là năm mà ngành nông nghiệp huyện Na Hang đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong năm, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 19.251 tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ; tổng diện tích cây ăn quả chủ yếu trên 366,2 ha, tăng 6,2% so với cùng kỳ; diện tích cây chè hiện có là gần 1.380ha, sản lượng là trên 4.370tấn, đạt 100,3% kế hoạch.
Ngành chăn, thủy sản tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện có trên 8.371 hộ chăn nuôi, số hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ngày càng tăng lên; tổng đàn gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển ổn định. Trong đó đã thực hiện liên kết phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo được 339 con trâu, bò.
Ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, để nông nghiệp Na Hang vươn xa và tiếp cận được nhiều thị trường lớn, năm 2023 và những năm tiếp theo, UBND huyện Na Hang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của tỉnh, của huyện về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá đặc sản, giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn...
Những dấu ấn kinh tế - xã hội huyện Na Hang năm 2022
Tổng sản lượng lương thực (lúa, ngô) ước đạt là 19.251 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Huyện có thêm 9 sản phẩm nông nghiệp đạt sao OCOP, nâng tổng số các sản phẩm đạt sao OCOP của huyện lên 28 sản phẩm.
Thu hút được 229.000 lượt khách du lịch, đạt 144% kế hoạch, tăng 155% kế hoạch; doanh thu đạt 225 tỷ đồng, đạt 135% kế hoạch, tăng 181% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước thực hiện năm 2022 đạt 1.413 tỷ đồng, đạt 220% so với kế hoạch, tăng 57,5% so với cùng kỳ.
Thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát được 235/214 nhà, đạt 109% kế hoạch; tạo việc làm cho 1.892/1.730 người, đạt 109% kế hoạch, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2021.