Đưa sản phẩm nông nghiệp tốt đến người tiêu dùng
Cửa hàng bán sản phẩm OCOP Tâm Hương của gia đình chị Phúc Thị Lan Hương nằm giữa lòng thành phố Tuyên Quang luôn tấp nập khách đến mua hàng. Ở đây các sản phẩm nông sản đạt 3, 4 sao OCOP của tỉnh Tuyên Quang như chè Shan tuyết Hồng Thái, vịt bầu Minh Hương, miến dong Đà Vị, mật ong Phong Thổ… của tỉnh Tuyên Quang luôn dồi dào.
Chị Hương cho biết, chị là người dân tộc Tày quê gốc ở huyện vùng cao Na Hang. Ở quê chị, người dân vẫn có thói quen duy trì tập quán canh tác, sản xuất sạch. Từ trồng rau, đến cây ăn quả người dân thường không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; lợn, trâu, bò nhiều hộ thả rông trên rừng, trong vườn nhà… Bởi vậy đồ ăn ở đây đều khá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dù nông sản tốt như vậy, nhưng khó tiêu thụ do bà con không biết cách kết nối để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cũng từ đó chị nhen nhóm ước mơ mở cửa hàng tiêu thụ nông nghiệp tốt ở thành phố Tuyên Quang để kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân.
Đầu năm 2020, cửa hàng OCOP Tâm Hương được khai trương. Thời kỳ đầu cũng ít khách đến trao đổi, mua, bán bởi nhiều người chưa hiểu được OCOP là gì mà giá lại đắt hơn so với các sản phẩm thông thường? Nhưng sau đó, khi được thị trường quen dần và đón nhận những mặt hàng nông nghiệp tốt.
Để có sản phẩm nông nghiệp tốt phục vụ người tiêu dùng, chị Hương hợp đồng liên kết với các HTX nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cung ứng các sản phẩm đạt sao OCOP. Đồng hành với chị, nhiều chủ thể OCOP chủ động bán sản phẩm giá thấp hơn so với giá trị thực để thị trường đón nhận và hiểu được nông nghiệp tốt là gì và hình thành thói quen dùng sản phẩm nông nghiệp đạt sao OCOP.
Đến nay, gia đình chị Hương có 2 cơ sở bày bán các sản phẩm OCOP ở thành phố Tuyên Quang. Các cửa hàng bày bán đủ 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao OCOP cùng nhiều sản phẩm đạt 3 sao OCOP của các huyện, thành phố trong tỉnh. Cùng với đó, cửa hàng cũng bày bán khoảng 30 sản phẩm OCOP kết nối của các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Nam Định, Bắc Kạn, thành phố Hà Nội...
Trong giai đoạn dịch Covid-19, cửa hàng OCOP Tâm Hương cũng đồng hành cùng người nông dân Tuyên Quang tiêu thụ nông sản như nhãn, na, rau củ quả. Hỗ trợ bà con, cửa hàng đến tận vườn thu mua với giá cam kết đúng bằng giá bán cho người tiêu dùng. Các chi phí như thuê người bốc vác, vận tải cửa hàng bỏ tiền túi ra hỗ trợ. Nhờ đó, trung bình mỗi ngày trong giai đoạn dịch cửa hàng đã giúp người nông dân tiêu thụ từ 500 đến 700 tạ na, nhãn cho các địa phương; 13 tấn bí xanh, bí đỏ, ngô, dưa lê… cho xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa nơi có ca dương tính với Covid-19 trong cộng đồng.
Chị Ma Thị Nhã Phương, tổ 4, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang cho biết, trước đây chị luôn nghĩ giá sản phẩm OCOP sẽ rất đắt nhưng thực ra giá cả hợp lý, phải chăng. Một số sản phẩm như cam sành Hàm Yên, mật ong Phong Thổ… thậm chí còn có giá rẻ hơn ở chợ truyền thống. Điểm nổi bật nhất của các sản phẩm OCOP là có thông tin rõ ràng, niêm yết giá bán sản phẩm đầy đủ, nên khi sử dụng những người nội chợ như chị rất yên tâm.
Ước mơ trang trại sản xuất hữu cơ
Cũng trong năm 2020, gia đình chị Hương đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn đen, trồng các loại rau, củ, quả rộng 3ha trên huyện vùng cao Na Hang quê mình. Chị thành lập trang trại với mong muốn tạo thành một chuỗi liên kết từ vườn chuồng đến cửa hàng, siêu thị.
Do ở xa nên cứ cuối tuần nào cũng vậy, gia đình anh chị, cùng các con lại cùng nhau vượt hơn 100km lên khu trang trại để quản lý, chăm sóc. Những ngày còn lại chị thuê 2 nhân công chăm sóc, bảo vệ.
Hiện nay, khu trang trại của gia đình chị nuôi 100 con lợn đen, 500 con gà, 200 con vịt, ngan và 1.000 con chim cút… Chị Hương cho biết, các giống lợn và gia cầm chị lựa chọn nuôi đều là giống bản địa. Những giống vật nuôi này ngoài có sức đề kháng tốt, chất lượng thịt thơm ngon, ít dịch bệnh thì việc bán ra thị trường giá cũng khá cao và ổn định.
Một trong những lợi thế trong việc triển khai làm trang trại là chị có người nhà làm kỹ sư nông nghiệp nên mọi vấn đề về sức khỏe vật nuôi, cách chăm sóc phòng trừ dịch bệnh đều được tư vấn tận tình, kỹ lưỡng. Vì vậy, dịch bệnh ít khi tấn công đàn vật nuôi của gia đình chị.
Dù trang trại mới đi vào hoạt động được gần 4 tháng nay nhưng đã có thu hoạch. Trung bình mỗi tuần đàn gà của gia đình chị cho thu từ 300 đến 500 trứng. Chỉ khoảng từ 2 đến 3 tháng nữa những đàn vật nuôi khác cũng sẽ bắt đầu cho thu hoạch, khi ấy chị dễ dàng hơn việc tính toán lỗ lãi.
Nâng cao uy tín và thương hiệu của các sản phẩm nông sản do trang trại sản xuất, tháng 1/2021, Hợp tác xã nông sản an toàn Tâm Hương ra đời. HTX xây dựng chiến lược sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ chuyển đổi và hướng tới mục tiêu gắn sao OCOP cho các sản phẩm.
Chị Hương chia sẻ, vẫn biết con đường làm nông nghiệp tốt còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng càng làm chị càng thấy đam mê và gắn bó. Chị mơ ước hình thành chuỗi cửa hàng OCOP, trong đó phấn đấu mỗi huyện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sẽ có 1 cửa hàng bán sản phẩm OCOP.
Chi cục trưởng Chi cục nông lâm sản và thủy sản tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Thuấn cho biết, qua khảo sát, lượng nông sản của Tuyên Quang vẫn chiếm đa số trong các mặt hàng nông sản tại các cửa hàng, chợ đầu mối nội tỉnh. Nhưng số sản phẩm có mặt tại các siêu thị lớn còn khiêm tốn.
Tâm lý muốn dùng đồ đảm bảo an toàn sức khỏe mặc dù có thể đắt hơn so với các sản phẩm nông sản thông thường khác đã dần hình thành trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Đây chính là tiền đề, là lợi thế để các cửa hàng kinh doanh nông nghiệp tốt như cửa hàng của gia đình chị Hương nắm bắt và phát triển.
Cửa hàng OCOP Tâm Hương cũng là kênh quan trọng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản Tuyên Quang đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.