Indonesia và Malaysia là những nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới. Đây cũng là ngành đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế của hai quốc gia này.
Tổng sản lượng dầu cọ của Indonesia và Malaysia chiếm tới 85% sản lượng dầu cọ toàn cầu. Nhưng cả hai nước này đều cho rằng Liên minh châu Âu đang ủng hộ các nhà sản xuất dầu thực vật khác, dẫn tới cản trở sự phát triển ngành dầu cọ của họ.
Sau cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tại Cung điện Merdeka, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phát biểu trong một cuộc họp báo chung rằng Indonesia đang đấu tranh chống lại sự phân biệt đối xử với dầu cọ.
“Cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ là tối ưu nếu chiến đấu cùng nhau, và Indonesia mong đợi sự cam kết tương tự từ Malaysia", ông nói.
Đáp lại, Thủ tướng Muhyiddin nói Malaysia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Indonesia trong việc xử lý chiến dịch tiêu cực chống lại dầu cọ và thúc đẩy sản xuất dầu cọ đạt được sự phát triển bền vững.
Trước đó, vào tháng 8/2019, Thủ tướng Malaysia khi đó là Mahathir Mohamad tới thăm Indonesia để thành lập một mặt trận thống nhất đối mặt với các chính sách phân biệt đối xử của EU đối với xuất khẩu dầu cọ của họ.
Vào thời điểm đó, hai nước láng giềng đã đồng ý quản lý và chế biến dầu cọ bền vững. Ví dụ, Indonesia đã có được các chứng nhận về dầu cọ và dữ liệu khoa học để chống lại thông tin hiện nay rằng dầu cọ là kẻ hủy diệt chính của các khu rừng mưa trên thế giới - so với các mặt hàng tương tự như đậu tương và hạt cải dầu.
“Chúng tôi lo ngại về chiến dịch chống dầu cọ hiện nay, đặc biệt là ở châu Âu, Úc và châu Đại Dương”, ông Muhyiddin nói. “Chiến dịch này là vô căn cứ, không phản ánh tính bền vững của ngành công nghiệp dầu cọ thế giới. Nó đi ngược lại các cam kết của Liên minh châu Âu và Tổ chức thương mại thế giới WTO về các hoạt động thương mại tự do”.
Ông nói rằng sự phát triển liên tục của ngành dầu cọ là rất quan trọng đối với cả hai nền kinh tế. Hiện có hơn 2,7 triệu hộ sản xuất dầu cọ nhỏ ở Indonesia và 600.000 triệu hộ ở Malaysia.
Indonesia đang là nhà cung cấp dầu cọ lớn nhất thế giới, nơi thị trường nội địa tiêu thụ tới 15 triệu trong tổng số 50 triệu tấn dầu cọ sản xuất trong nước.
Các nhà nhập khẩu dầu cọ nước ngoài lớn nhất lần lượt là Ấn Độ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Theo số liệu của chính phủ Indonesia, ngành công nghiệp dầu cọ sử dụng hơn 16 triệu người và đóng góp trung bình 20 tỷ USD mỗi năm.
Vào tháng 12, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, gồm Malaysia và Indonesia, đã nâng cấp quan hệ với Liên minh châu Âu sau nhiều năm có sự dè dặt từ Indonesia và Malaysia. Họ phản đối chính sách của EU về dầu cọ vốn bị coi là không bền vững và đưa ra kế hoạch loại bỏ dần việc sử dụng dầu cọ trong nhiên liệu sinh học vào năm 2030.
Tranh chấp bắt đầu vào năm 2017, khi Nghị viện châu Âu ban hành nghị quyết từ chối công nhận dầu cọ là nguyên liệu cung cấp nhiên liệu sinh học tái tạo vì nạn phá rừng, xung đột xã hội và các vấn đề về quyền lao động liên quan đến sản xuất dầu cọ. Biện pháp này đã được Ủy ban châu Âu thông qua vào năm 2019, nhằm đưa ASEAN đi đúng hướng để loại bỏ dầu cọ làm nhiên liệu sinh học.
Liên minh châu ÂU cũng quyết định áp thuế nhập khẩu dầu diesel sinh học từ Indonesia, ở mức từ 8% đến 18% trong vòng 5 năm tới. Quyết định trích dẫn cả những lo ngại về môi trường và sự cần thiết phải cân bằng cái mà họ gọi là lợi thế không công bằng cho các nhà sản xuất Indonesia do trợ cấp diesel sinh học của nước này.
Cả hai quyết định đều bị Indonesia và Malaysia chỉ trích, khiến chính phủ Indonesia khởi kiện Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 12/2019. Malaysia đã làm theo vào ngày 15/1 vừa qua, Thủ tướng Muhyiddin cho biết.
“Chúng ta nên đảm bảo rằng chúng ta có thể bảo vệ ngành công nghiệp dầu cọ của mình để cứu hàng triệu người, bao gồm cả nông dân sản xuất nhỏ, những người có cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào ngành công nghiệp này ở Indonesia và Malaysia”, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin nói.
Các báo cáo điều tra của AP vào cuối năm ngoái cho thấy nhiều công ty dầu cọ ở Indonesia và Malaysia khai thác trẻ em trong đồn điền của họ. Cuộc điều tra về lao động trẻ em là một phần của cái nhìn sâu rộng hơn về ngành công nghiệp này, bên cạnh những bê bối liên quan khác bị phơi bày gồm nạn cưỡng hiếp, buôn bán lao động cưỡng bức và nô lệ.