Chiều 10/10, Hội nghị lần thứ 4 của ADRP được tổ chức, dưới sự chủ trì của ông Muhd Harrith Rashidi Bin Haji Muhd Jamin, Giám đốc Trung tâm Quản lý thảm họa Quốc gia Brunei, đồng đại diện cho Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM).
Chương trình nghị sự gồm một số nội dung chính: Cập nhật về các hoạt động liên quan đến Quản lý thiên tai do các cơ quan ASEAN khởi xướng; Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về chống chịu bền vững và vai trò tiềm năng của ADRP; Phương pháp tiếp cận toàn ASEAN trong chống chịu thiên tai.
Theo Ban Thư ký ASEAN, một trong những kết quả đáng ghi nhận thời gian trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai, là Tuần lễ Quản lý Thiên tai ASEAN, được tổ chức vào ngày 22-23/8 tại Singapore.
Với chủ đề “Huy động ASEAN và các đối tác trên hành trình xây dựng Cộng đồng ASEAN có khả năng chống chịu thiên tai”, sự kiện có sự tham dự của hơn 250 đại biểu đến từ ACDM, các cơ quan chuyên môn khác của ASEAN, các đối tác và tổ chức trong khu vực, quốc tế.
"Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến rủi ro thiên tai ngày càng phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ mức độ nghèo đói và di cư, cùng nhiều lĩnh vực khác", vị này nói.
Theo đại diện Ban Thư ký ASEAN, điều kiện hiện tại đặt ra yêu cầu cấp thiết về các công nghệ dự báo tốt hơn nhằm ứng biến với thời tiết khó lường. Ngoài ra, việc cải thiện dữ liệu từ cấp quốc gia đến địa phương cũng cần được thúc đẩy.
Trong các phiên thảo luận tại đây, các đại biểu cũng cho rằng hợp tác công tư là một phương tiện quan trọng để đẩy nhanh việc xây dựng cộng đồng ASEAN có khả năng chống chịu với thiên tai. Việc hợp tác không chỉ dừng ở việc cung cấp kinh phí.
ADRP được thành lập nhằm thúc đẩy hơn nữa hướng tiếp cận “toàn thể ASEAN” trong quản lý thiên tai. Cuộc họp đầu tiên của ADRP được tổ chức vào ngày 23/6/2021.
Không những thúc đẩy sức mạnh tổng hợp và sự phối hợp giữa các cơ quan ngành của ASEAN, các trung tâm thuộc ASEAN, các đối tác đối thoại, đối tác liên ngành, đối tác phát triển của ASEAN, ADRP còn kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan thuộc Liên Hợp quốc và các tổ chức về quản lý thiên tai ngoài ASEAN nhằm nâng cao năng lực của ASEAN để hành động sớm trước thiên tai.
Tại cuộc họp lần thứ 4, ACDM Indonesia đề xuất một cách tiếp cận tổng thể để tăng cường sức chống chịu. Đó là nâng cao nhận thức của cộng đồng tại các khu vực thí điểm về thiên tai, biến đổi khí hậu và và xây dựng năng lực của cộng đồng tại đây trong việc thực hiện đánh giá rủi ro, tình trạng dễ bị tổn thương.
Trên cơ sở đó, các bên sẽ cùng xây dựng các kế hoạch hành động phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro và đưa ra các phương án phù hợp với Khung ASEAN về Hành động sớm.
Phía Indonesia đang triển khai nghiên cứu thực địa và xác nhận chọn 6 khu vực thuộc 6 xã của các nước Đông Nam Á. Các địa điểm này được chọn vì nằm trong số chịu nhiều thiên tai nhất trong khu vực ASEAN tính trong năm 2021.
Tổng kết hội nghị, ông Muhd Harrith Rashidi thông báo, Hội nghị ADRP lần thứ 5 sẽ được tổ chức song hành cùng Hội nghị ACDM lần thứ 44. Tất cả đều diễn ra tại Brunei vào năm 2024.
Cảm ơn nước chủ nhà Việt Nam đã tổ chức thành công sự kiện, sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN, ông Muhd Harrith Rashidi không quên nhắc các quốc gia thành viên trong khu vực tăng cường hợp tác liên ngành, không ngừng mở rộng mạng lưới để gia tăng sức chống chịu và khả năng phản ứng nhanh nhạy với thiên tai.
"Thiên tai ngày càng khó lường. Điều ấy đòi hỏi sự thích ứng và kế thừa những gì chúng ta đã làm trước đây, những gì đã thảo luận tại hội nghị hôm nay vào trong các kế hoạch tương lai", ông nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lee Yam Ming, Giám đốc điều hành Trung tâm AHA (Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai) cho rằng, các chương trình hỗ trợ người dân chống chịu thiên tai nên có chính sách riêng cho nhóm yếu thế. "Đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất, cũng khó có khả năng phục hồi hơn trước thiên tai", ông nói.
Là đầu mối của Singapore trong việc soạn thảo và thông qua Tuyên bố ASEAN về Một ASEAN Một Ứng phó và Tầm nhìn ASEAN 2025 về Quản lý thiên tai, ông Lee chia sẻ thêm, rằng sẽ tham khảo những ý kiến tại ADRP lần thứ 4 trong các đề xuất về Đối thoại Chính sách Chiến lược (SPDDM) và Chương trình Điều hành Cấp cao (SEPDM) trong khu vực.