Ruộng vẫn xanh nhưng là xanh cỏ chứ không phải xanh đồng
Bãi rác tự phát của người dân tại thôn Đông Yên, xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã tồn tại gần 1 năm nay. Từ điểm tập kết nhỏ lẻ, đến nay khu vực bãi rác đã kéo dài hơn 100m, cao từ 1-2m.
Sở dĩ chúng tôi gọi đó là bãi rác tự phát bởi bãi rác này không tuân thủ bất cứ quy định nào về việc đảm bảo vệ sinh môi trường, cứ hễ trống chỗ nào là người dân lại “điền vào chỗ trống” đó.
Theo thời gian, những núi rác mới cứ thế được mọc lên, đồng nghĩa với việc mùi hôi thối của rác phân hủy tạo điều kiện để ruồi, nhặng sinh sôi nảy nở.
Trang trại của gia đình ông Phạm Văn Thái (thôn Đông Yên, xã Đông Phong) nằm cạnh bãi rác. Lúc nào gian nhà tạm trông coi trang trại cũng trong tình trạng cửa đóng then cài, vậy mà vẫn không thế hết được mùi hôi thối.
Ông Thái chia sẻ: "Chất thải độc hại, ô nhiễm từ bãi rác thấm xuống đất và nguồn nước, đến cây cối cũng không lớn lên được. Trồng xuống nó chết hoặc nhiễm bệnh".
Khi rác nhiều không có chỗ đổ thì người dân lại chuyển sang cách đốt…, những cột khói đen bốc lên mù mịt, mùi khét lẹt, ai đi qua cũng cảm giác bị như bị ngộp thở.
Cứ thế, những thửa ruộng gần sát bãi rác dần bị lãng quên, bởi có trồng lúa thì cũng không thể thu hoạch. Trồng cấy thất thu, không ít người dân phải bỏ đồng. Ruộng vẫn xanh nhưng nay không phải là xanh lúa mà là xanh cỏ.
Gặp chúng tôi bên đống rác tự phát của khu dân cư, bà Nguyễn Thị Lưỡng, người dân thôn Đông Yên, xã Đông Phong, huyện Yên Phong than thở: “Cái chỗ này ô nhiễm lắm, nước rác chảy ra không thể trồng cây, cấy hái được vì bẩn lắm”.
Trước đây, cánh đồng của thôn cấy được mỗi năm 2 vụ, năng suất khá cao nhưng từ khi bãi rác án ngữ ở đây, chuột bọ không biết kéo từ đâu về rất nhiều. Cứ cấy lúa lên là chuột cắn phá.
Hệ thống thủy lợi bị rác thải xâm chiếm
Theo quan sát của chúng tôi, rác không chỉ xuất hiện trên các cánh đồng sản xuất của người dân, mà ngay tại tuyến kênh mương phục vụ cho hoạt động tưới tiêu cũng đang phải hứng chịu đủ các loại rác thải từ sinh hoạt đến rác thải chăn nuôi. Lượng rác tích tụ, ùn ứ lâu ngày ở tuyến kênh tiêu 286 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.
Ông Nguyễn Hữu Trung - Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Yên Phong cho biết, hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tiêu thoát nước trên địa bà xã Đông Phong hiện đang bị ách tắc, nhất tại cống tạm Phong Xá và gần như rác thải chiếm kênh thủy lợi.
Trước đây, cống tạm Phong Xá được xây dựng để thi công cầu bắc qua kênh. Sau khi cây cầu hoàn thành, cống tạm hết hạn giấy phép hoạt động trên phạm vi công trình thủy lợi nhưng xã Đông Phong chưa tháo dỡ, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông dòng chảy, không đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước.
Đặc biệt, phía thượng lưu cầu là nơi ứ đọng rác thải. Mặc dù Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Yên Phong đã có văn bản đề nghị UBND xã Đông Phong vớt rác tại thượng lưu cây cầu này và đề nghị chính quyền địa phương tháo dỡ, trả lại nguyên trạng lòng kênh thủy lợi như trước khi có cống tạm. Nhưng hiện nay UBND xã Đông Phong vẫn chưa thực hiện.
“Chúng tôi khuyến cáo tới bà con không nên vứt rác xuống lòng kênh, tránh gây ùn tắc và cản trở dòng chảy như hiện nay. Qua đó, góp phần bảo vệ công trình thủy lợi và bảo đảm chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh”, ông Nguyễn Hữu Trung nói.
Những ngày này, trái ngược với không khí phấn khởi của nông dân nhiều xã trên địa bàn huyện Yên Phong (Bắc Ninh) khi xuống đồng cấy, thì tại cánh đồng thôn Đông Yên, xã Đông Phong, nhiều hộ dân xuống đồng với tâm trạng sầu não, lo toan. Nghiêm trọng hơn có hộ không ngó ngàng tới ruộng đồng, cứ mặc cho cỏ mọc rậm rì, um tùm do vì ô nhiễm.
Hệ thống kênh mương trên địa bàn huyện Yên Phong ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng rác thải chiếm kênh thủy lợi không chỉ gây khó khăn cho lực lượng thủy nông điều tiết nước sản xuất, mà còn gây ô nhiễm môi trường, đe dọa về an toàn các tuyến kênh mương đe dọa đến hoạt động sản xuất của người dân.